Viết Cho Em…

Hay tin cậu bé mắc bệnh ung thư qua đời – người mà tôi từng ghé thăm đôi lần ở khoa Nhi, bệnh viện Ung bướu – trong lòng tôi bỗng cuộn trào lên những luồng cảm xúc trái chiều.

BẤT LỰC vì ngày ngày chứng kiến những bệnh nhân còn rất nhỏ tuổi cứ lịm dần rồi vụt tắt mà chẳng giúp được gì. Dẫu biết rằng, kiếp nhân sinh vốn vắn vỏi và cuộc đời với nhiều người, quả thực là chưa đủ thời giờ để dạo bước nhân gian. Họ đến rồi đi, tựa hồ bóng câu vút qua cửa sổ, chẳng kịp để những người bạn cùng trang lứa quen mặt, đặt tên.

THƯƠNG cho đôi mắt hồn nhiên trong sáng lại phải nhắm nghiền vì những cơn đau đến từ căn bệnh quái ác. Nếu như trẻ em giống như những thiên thần nhỏ đang sống trong thế giới thần tiên của chúng thì các bé ở khoa Nhi lại giống hệt những “thiên thần bị dị tật bẩm sinh nơi đôi cánh của mình”. Chúng không thể nhấc bổng thân mình mà chỉ có thể cử động hoặc nhún nhảy với những phần thân thể tạm coi là lành lặn. Rất có thể, đây là nơi mà các thiết bị điện tử thông minh phát huy hết khả năng “bảo mẫu” của mình. Những đứa trẻ dán mắt vào điện thoại để quên đi nỗi đau thể xác. Chúng chạy nhảy, cười đùa với những bạn cùng cảnh ngộ đang khi thân thể chằng chịt dây nhợ cùng những băng gạc Y tế phủ khắp từ đầu tới chân. Bọn trẻ vui đấy nhưng lòng mẹ cha chúng lại đang quặn đau, thổn thức. Chúng cười đấy nhưng thực ra cũng giống như một chiếc bình phong che đậy đi một tâm hồn vốn dễ bị tổn thương và vụn vỡ. Có thể chúng khóc không thành lời “nhưng tiếng khóc lặng lẽ của trẻ thơ gây đau đớn, sâu sắc hơn nhiều cơn thịnh nộ của người trưởng thành” (Elizabeth Barrett Browning).

TIẾC: Marcus Tullius Cicero từng nói: “Trong tất cả những món quà của tự nhiên dành cho loài người, còn gì ngọt ngào hơn con trẻ?” Chúng ta thật khó lòng hình dung ra “món quà ngọt ngào” nơi các bệnh nhân nhi đang ngày ngày chống chọi với bệnh tật. Ở tầm tuổi của các bạn nhỏ, chúng phải được đến trường, gặp gỡ bạn bè, học lấy những điều hay và dệt những ước mơ lên khung trời tươi đẹp… Thế nhưng, thay cho chiếc bàn học chất đầy những đồ chơi của con nít là chiếc giường chật chội, treo lủng lẳng chai lọ, dây truyền dịch và có cả những chiếc kim tiêm. Thay cho những dỗ dành của cha mẹ khi muốn con cái mình ăn uống là những lời “dọa nạt” của các cô Điều dưỡng. Thay cho những tiếng í ới gọi bạn lúc chạy nhảy ở sân trường là tiếng khóc nghẹn từ những cơn đau ập đến và đôi khi là gào thét trong cơn mê sảng do dược tính của thuốc nạp vào người các bé quá mạnh. Tiếc cho những phận người vắn số: chưa kịp hiểu đời mà đã phải chịu nhiều cay nghiệt; chưa nhập cuộc vuông tròn mà đã phải “tắt nửa chừng xuân”; chưa tỏ thế thái nhân tình mà đã phải ngậm ngùi đối diện với án tử treo lơ lửng ở trên đầu.

Tôi VUI: vì ngày rời xa cõi tạm này cũng chính là lúc các em thoát được cảnh đời ô trọc, không còn hơn thua và cũng chẳng màng đến nhục – vinh. Tôi cầu chúc các em một chuyến đi bình an về bên Đấng Tạo Hóa. Nơi đó, Người sẽ chữa hết thảy mọi dị tật các em vốn đã phải chịu. Ở bên Người, các em sẽ lại khoác lên mình vẻ rạng ngời của sự đáng yêu và thánh thiện. Nơi ấy, chẳng còn thấy bóng dáng của sự bi thương mà thay vào đó chỉ còn tiếng vui cười. Nhưng này các bé, ở bên Chúa, đừng quên cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ, các anh chị em của mình và cho cả chúng tôi nữa nhé. Hãy cầu nguyện để Chúa thứ tha cho chúng tôi những tội lỗi và cả những thiếu sót trong bổn phận của kiếp người.

Và tôi GIẬN những kẻ tham tàn. Nhìn những khốn khó các bé phải chịu, tôi chẳng thể hiểu vì sao vẫn còn đó những kẻ táng tận lương tâm khi vì đồng tiền mà buôn bán thuốc chữa ung thư giả. Tôi tự hỏi, họ có gia đình hay con cái không nhỉ? Những người mắc bệnh ung thư đã khổ lắm rồi, hãy thôi chất lên vai họ những gánh nặng mà ngay cả người mạnh khỏe cũng không vác nổi. Hãy để lại “Đức” cho con cái mình thay vì dành dụm cho chúng những của cải tích cóp được trên sự đau khổ của người khác. Đừng bắt những người buôn thuốc chữa ung thư giả đi tù; như thế thì cũng tội nghiệp cho họ. Hãy bảo họ dành phần đời còn lại để vào bệnh viện mà chăm sóc các bệnh nhân ung thư mỗi ngày. Vậy là được rồi.

Giuse Võ Viết Cường, O.P,