Miệng là cửa của Họa Phúc (Ngô Hoài Dã)
“Họa là lời xúc phạm, hạ giá nhau.
Phúc là lời cảm thương những lúc lòng đau.
Họa là lời đưa đến bỏ cuộc, nản lòng.
Phúc là lời thừa nhận những thiện chí bên trong.
Họa là lời vu vạ, phê phán chỉ trích.
Phúc là những lời động viên, khuyến khích.
Họa là phao tin độc, hủy hoại thanh danh,
Phúc là lời ân cần, nâng đỡ kẻ hèn yếu mong manh.
Họa là lời làm lung lạc lòng tin,
Phúc là lời xây dựng, làm sống lại niềm tin.
Họa là lời soi mói, là tiếng nói hủy diệt,
Phúc là lời thúc đẩy hăng say trong công việc.
Họa là lời miệt thị, khinh khi,
Phúc là lời mở lối, trải rộng lòng từ bi.
Họa là lời chất vấn, hạch hỏi,
Phúc là lời an ủi những lúc lòng mệt mỏi.
Họa là lời làm người khác thấy mình không đáng chi,
Phúc là lời làm người khác thấy mình có giá trị.
Họa là lời làm đau lòng mãi không quên,
Phúc là lời gây phấn khởi, thêm năng lực, giúp lớn lên.
Ngôn ngữ là tiềm năng vô tận của hiện tại và tương lai nếu chúng ta biết khai thác và dùng chúng theo hướng tích cực.
Ngôn từ có thể đem Phúc hay giáng Họa tùy cách chúng ta sử dụng. Hy vọng lời nói của mình thêm Phúc bớt Họa, tăng niềm vui, bớt khổ sầu, giữ gìn năng lực, kích hoạt sức sống.
…
Thái độ đối với ngôn từ tiêu cực
Trước tiên, chúng ta cần ý thức rằng lời nói có tác dụng vô cùng lớn lao; vì thế mà Thánh Giacobe ví chúng ta như ” một đốm lửa có thể đốt cháy cả một cánh rừng.” Lời nói, một khi đã in vào đầu óc ai, khó có thể xóa bỏ. Nếu là những lời tiêu cực, nó sẽ đeo bám nạn nhân và làm hủy hoại nhiều mặt trong cuộc sống rất lâu dài, có khi đến hết đời.
Cẩn trọng, cẩn trọng… Cổ nhân Trung Quốc đã có lời nhắc nhở chúng ta:
” Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”
Đức Giêsu rất cương quyết trong cách Ngài lên án những ai xâm phạm đến người khác bằng lời nói: Họ phải chịu xét xử vì lời nói của mình.
” Đến ngày phán xét, người ta sẽ khai ra mọi lời hư không mình đã nói.”
Nếu như lời tiêu cực có tác dụng lớn lao thì những lời tích cực tốt lành cũng sẽ có tác dụng lâu dài. Sách châm ngôn nói rằng:
“ Lời lành giống như mật, đem lại ngọt ngào cho tâm hồn, và khỏe mạnh cho xương cốt.”
Chúa Giêsu là Đấng đã dùng lời đem lại sự cứu rỗi. Khi Tin Mừng được rao giảng và được con người đón nhận, lời có thể thay dổi cuộc sống và cả số phận của người tin.
Biết bao nhiêu người đã chấp nhận muôn nghìn hy sinh, gian khổ nổ lực sử dụng lời nói để loan Tin Mừng cho dân tộc, xây dựng Giáo Hội ngày nay. Tiếp nối di sản cao đẹp đó, chúng ta sẽ sử dụng lời nói, ngôn từ như phương tiện rao giảng hầu đem lại sự sống cứu rỗi, hòa giải, hàn gắn thương đau, an ủi và khích lệ thay vì dùng lời nói như một thứ độc dược đem cay đắng, đau thương và đổ vỡ cho người anh chị em.
Chắc chắn trong đời chúng ta, ai cũng đã ít nhiều gây phiền hà cho nhau qua lời nói. Cùng nhau chúng ta thử tìm giải pháp để trừ khử những độc tố do sự ô nhiểm của ngôn từ gây nên.
Một trong những thái độ giúp chúng ta không bị ảnh hưởng nhiều bởi lời nói của người khác là chúng ta không quan trọng hóa những gì người đời nhận định, vì mỗi người có quan điểm khác nhau, bận lòng làm chi?
Một lý do khác nhắc chúng ta không quan trọng hóa lời người khác, đó là nhìn vào sâu thẳm lòng mình, nếu tâm ta trong sáng và bằng an, là đủ.
Nếu chúng ta cố uốn mình để làm hài lòng người khác, theo dư luận, thì chẳng thể hài lòng được mọi người, vì “chín người, mười ý.” Trái lại, sẽ vong thân, đánh mất cái nét độc đáo của riêng mình.
Trước một sự việc, điều quan trọng không phải nó như thế nào mà quan trọng ở cách chúng ta nhìn nó như thế nào, cho nó có một chỗ đứng làm sao? Nên, ta quyết tâm không để sự việc bên ngoài chi phối tâm tình và ý nghĩ của mình. Chúng ta có thể làm chủ cách mình phản ứng trước sự việc. Chính mình quyết định thái độ trước sự việc, như thế, đời sống tinh thần của chúng ta sẽ vững vàng và ổn định hơn.
Thái độ thích hợp trước ngôn từ tiêu cực
“Hẳn là không lành mạnh nếu để người khác chà đạp mình. Biết tự vệ đôi khi là một vấn đề phẩm giá và công bình. Sức mạnh của một người thinh lặng là không để mình sa vào một cơn giận dữ không kềm chế và biết phân định cơ hội để đáp trả.” Michel Hubaut
Biết bảo vệ mình là không những giữ gìn giá trị mà còn bảo tồn sự lành mạnh tinh thần, đồng thời có thái độ đúng đắn với những gì sai trái. Chúng ta rất cần tỉnh thức và sáng suốt, nhất là cần sức mạnh tâm linh.
Dùng lời nói để hướng về những mục tiêu cao cả
Thánh thiện qua lời nói. Kềm giữ miệng lưỡi mình và hướng chúng theo chiều tích cực, chúng ta cần sức mạnh của tự chủ, của nhịn nhục, của kiên trì và nhất là khiêm tốn chịu lùi bước.
Trích từ cuốn Họa – Phúc, 2008 NXB Phương Đông
Tác giả: Trần Thị Giồng. CND (Tiến sĩ tư vấn tâm lý)