GÓC SUY GẪM – MÙA DỊCH COVID 19

1. Chuyện chúng mình: Covid 19 (2019 – nay)

Hình ảnh bác sĩ trẻ xuống tóc trước khi đến Bắc Giang gây xúc động.

Hình ảnh nam bác sĩ trẻ ở Bệnh viện Đại học Y Dược Tp. HCM được đồng nghiệp cắt tóc trước khi lên đường chi viện y tế cho Bắc Giang và chia sẻ lên mạng xã hội gây xúc động mạnh. Nụ cười rạng rỡ của bác sĩ làm nhiều người nghẹn ngào, rơi nước mắt.

Là một trong hơn 200 y bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược Tp. HCM (UMC) tình nguyện đăng ký tham gia tuyến đầu chống dịch COVID-19, Bác sĩ Đặng Minh Hiệu – Khoa Gây mê Hồi sức cùng các đồng nghiệp luôn trong tâm thế chủ động trước khi có lệnh điều động.

“Ngày ngày theo dõi tin tức từ tâm dịch, thấu hiểu được sự phức tạp của đợt dịch lần này, niềm khao khát được góp sức cùng các đồng nghiệp nơi tuyến đầu trong tôi ngày một lớn. Chỉ mong đến ngày có lệnh điều động để bản thân có thể thực hiện được lý tưởng của tuổi trẻ, được cống hiến hết mình cho cuộc chiến chống đại dịch, sớm trả lại cuộc sống bình yên cho dân mình” – Bác sĩ Đặng Minh Hiệu chia sẻ.

Gác lại những trăn trở cho chuyến công tác dài và còn nhiều thách thức ở phía trước, sự vui vẻ, lạc quan trước giờ lên đường của bác sĩ Hiệu có lẽ là minh chứng rõ nét nhất cho tinh thần “Y đức – Khát vọng – Xung kích – Bản lĩnh” của một Đoàn viên thanh niên Bệnh viện Đại học Y Dược Tp. HCM.

Xúc động khi nhìn thấy nụ cười lạc quan ấy, PGS.TS.BS. Lê Minh Khôi – Trưởng phòng Khoa học Đào tạo Bệnh viện chia sẻ: “Có những con người bình thường không hoa mỹ, không đao to búa lớn, đã đứng lên trong những thời khắc nguy nan như thế này. Một tấm ảnh hơn ngàn lời nói. Có lẽ nói nhiều nữa cũng bằng thừa. Nụ cười ấy, ánh mắt ấy, tâm thế hiến dâng ấy đã vượt lên trên tất cả những mỹ từ đẹp đẽ nhất. Cảm ơn em, một người thầy thuốc trẻ trong trăm ngàn người thầy thuốc Việt Nam”.

Dự kiến, 21h tối nay (29.5), Bác sĩ Đặng Minh Hiệu, Ths.BS. Huỳnh Phương Nguyệt Anh – Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện và ThS.DS. Trương Văn Đạt, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hồ Chí Minh, Bí thư Đoàn trường Đại học Y Dược Tp. HCM sẽ lên đường chi viện cho tâm dịch Bắc Giang.

Chắc hẳn nhật ký chống dịch của bác sĩ trẻ Đặng Minh Hiệu và các đồng nghiệp sẽ ngày một dày thêm những trải nghiệm không thể quên về những năm tháng đã dũng cảm dấn thân vào tâm dịch, đóng góp sức trẻ vì sứ mệnh thiêng liêng của một nhân viên y tế, vì quyết tâm cao độ cùng nhau vượt qua mọi thử thách và chiến thắng đại dịch!Hiện Bắc Giang đã có tới 1927 ca mắc COVID-19 và là “điểm nóng” dịch bệnh cần sự sẻ chia, tiếp sức của cả nước. Gần 26 nghìn cán bộ, nhân viên y tế, sinh viên sẵn sàng vào “điểm nóng”.

Ngoài hơn 2.300 lực lượng y tế và sinh viên các trường Đại học, cao đẳng y dược trên cả nước đang có mặt tại điểm nóng Bắc Giang, Bắc Ninh hỗ trợ chống dịch, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đến chiều 29.5 đã có 25.680 cán bộ y tế, sinh viên các trường y, dược đăng ký sẵn sàng đến 2 “điểm nóng” này.

(Nguồn: https://laodong.vn/…/hinh-anh-bac-si-tre-xuong-toc…)

2. Những con số biết nói

SttQuốc giaĐược chữa khỏiTử vongTổng số
1Argentina3.319.06877.4563.753.609
2Ấn Độ25.684.529329.12728.064.957
3Italy3.851.661126.0464.216.003
4Việt Nam2.950477.107

3. Khuôn vàng thước ngọc (Lc 1, 39-56; Đức Maria Thăm Viếng Bà Elizabeth. Lễ kính)

Trong ngày lễ hôm nay, Giáo hội cho chúng ta nghe trích đoạn Tin mừng thuật lại việc Đức Maria vội vã lên đường đi thăm viếng người chị họ đang mang thai trong lúc tuổi già. Chuyến thăm viếng này mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với vai trò làm Mẹ của Đức Maria; bởi vì trong biến cố này, Mẹ đã khai mạc sứ mạng của mình là luôn có mặt để nâng đỡ và phù trợ con người.

Trước hết, sự hiện diện của Đức Maria nơi gia đình Giacaria vừa làm cho bà Elizabeth cảm thấy an tâm hơn khi gần tới ngày sinh nở, vừa đem lại niềm vui ơn cứu độ cho Gioan Tẩy giả. Không chỉ có vậy, Đức Maria cũng còn luôn có mặt trong mọi biến cố lớn nhỏ của con mình: từ tiệc cưới Cana cho đến tận đỉnh đồi Golgotha. Và cuối cùng, Mẹ cũng hiện diện với các môn đệ trong những ngày đầu của Giáo hội sơ khai để nâng đỡ, an ủi và củng cố niềm tin cho họ.

Lịch sử Giáo hội đã cho chúng ta thấy rằng, tuy âm thầm nhưng vô cùng gần gũi, Mẹ Maria lúc nào cũng hiện diện với Giáo hội trong từng phút giây của cuộc sống. Bởi đó, qua việc mừng kính Đức Maria thăm viếng bà Elizabeth hôm nay, Giáo hội muốn mời gọi tất cả con cái của mình hơn bao giờ hết, hãy tin tưởng vào sự hiện diện đầy yêu thương và dịu hiền của Mẹ trong cuộc đời của mỗi người chúng ta.

Chắc chắn trong cuộc sống riêng tư của mỗi người, không thiếu những lúc tối tăm bao trùm cuộc sống, những lúc hụt hẫng đến độ không còn biết tựa nương vào ai. Những lúc ấy, chúng ta hãy đến cùng Mẹ Maria với niềm xác tín rằng: không ai chạy đến với Mẹ mà phải trở về tay không; bởi vì, Mẹ chẳng thể làm ngơ trước những nỗi khó khăn của con cái mình.

Lạy Mẹ Maria, trên con đường cheo leo đầy sỏi đá, Mẹ đã bước đi bằng cả tâm hồn. Trái tim Mẹ hòa cùng nhịp đập với trái tim của Chúa Giêsu, với khát khao phục vụ con người. Còn con đây cũng là thân lữ khách, đang mệt nhoài lê bước cõi nhân gian; dẫu mang nơi mình một tình yêu ước ao dâng tặng, nhưng cũng chẳng thể nào đắp đổi được bao lo lắng của phận người. Xin Mẹ dạy con: biết cất lên lời ca cảm tạ; biết mang theo Giêsu bên mình làm quà tặng cho những người xung quanh; biết luôn luôn sẵn sàng phục vụ quên mình và không ngừng thâm tín rằng: trao ban thì có phúc hơn nhận lãnh.

4. Lời bàn

Toàn Thành phố thực hiện lệnh cách ly xã hội vào đúng ngày Giáo hội mừng lễ Đức Maria đi thăm viếng người chị họ của mình là Elizabeth. Cũng vào ngày hôm nay, chính quyền Thành phố kêu gọi người dân: “mọi người nên ở yên tại chỗ và hạn chế di chuyển là yêu nước thương dân”, thì Giáo hội lại mời gọi mọi người dõi theo một cuộc đăng trình. Đang khi mọi người nhận được lệnh hạn chế tiếp xúc với người khác thì Đức Maria lại có cuộc hạnh ngộ với bà chị của mình mà không phải giữ khoảng cách an toàn. Đang khi hạn chế những người từ “tâm dịch” sang các vùng lân cận thì Đức Mẹ lại thực hiện một chuyến đi từ phương Bắc xuống tận miền Nam. Và, đang khi mọi người tiếp xúc nhau trong dè chừng và e ngại thì cuộc gặp gỡ của Đức Mẹ lại chẳng thấy bóng dáng của sự rụt rè lẫn gièm pha.

“Trong những ngày ấy, chỗi dậy, Maria đon đả ra đi lên miền sơn cước, đến một thành xứ Yuđa: bà vào nhà Zacarya và chào Êlisabet” (Lc 1,39-40; bản dịch của Lm. Nguyễn Thế Thuấn, CSsR), cho chúng ta một cái nhìn khá thú vị. Trong khi Nhóm phiên dịch CGKPV dùng kiểu nói “vội vã lên đường” thì ở đây, dịch giả lại dùng “đon đả ra đi”. Điều thú vị đó là, không phải ai trong chúng ta cũng hiểu được kiểu “đon đả” trong mỗi bước đi của cô thôn nữ Maria. Thật vậy, cô ấy đi mà như “nhảy chân sáo” trên một quãng đường dài không bằng phẳng và chắc là cũng không nhiều bóng râm. Tại sao vậy? Câu trả lời khả dĩ đó là, cô gái trẻ ấy đang rất vui và hạnh phúc. Cô không chỉ vui vì cuộc trùng phùng sắp diễn ra mà là vui vì được phúc làm Mẹ của Con Thiên Chúa. Cô ra đi vì không chấp nhận cảnh ngồi yên để tận hưởng niềm vui lớn lao ấy nhưng là mong được chia sẻ nó cho những người thân thiết của mình.

Mặt khác, nếu như bác sĩ thường khuyến cáo các bà mẹ tránh làm việc nặng hoặc hạn chế đi lại trong những tháng đầu tiên của thai kì nhằm tránh bị “động thai” thì ở đây, người bị “động thai” không phải là Đức Maria mà là ở phía bà Elizabeth, người đã mang thai được sáu tháng; bởi vì bà cảm nhận được “đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng”.

Tác giả Luca đã khơi lên một cuộc cách mạng về luân lý khi đặt trên môi miệng Đức Maria những lời thế này: “Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng”. Đức Chúa biểu dương sức mạnh, chính là lúc Ngài soi chiếu vào tâm hồn con người để họ nhận ra chính mình. Đây là một tác động quan trọng, giúp con người nhận ra những đê hèn nơi tâm hồn mình; đồng thời tiễu trừ dần những biểu hiện của tính kiêu ngạo, vốn là mầm mống của biết bao mê lầm khác.

“Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1,47), trở thành một cuộc cách mạng về mặt tâm linh. Cuộc viếng thăm của Đức Chúa đối với cô thôn nữ làng quê Nazareth hơn 2000 năm về trước là một ân ban đặc biệt. Cô nhận được điều đó là do tình thương của Chúa chứ không do công trạng cá nhân. Chính vì vậy, khi lãnh nhận, cô không muốn hưởng nếm một mình mà là hăng hái ra đi để trao ban. Đó chính là nguồn cơn để chúng ta được nghe bài ca Ngợi khen trác tuyệt và bất hủ – Magnificat.

Ngay khi thông tin liên quan đến các bác sĩ trẻ ở miền Nam chi viện ra các vùng dịch ở phía Bắc còn chưa kịp lắng xuống thì chính trên mảnh đất Sài Gòn này, đại dịch Covid đã bắt đầu càn quét khắp hang cùng ngõ hẻm. Con số các bệnh nhân cứ nhảy múa từng giờ, từng ngày. Các “thiên thần áo trắng” còn rất trẻ, bỏ lại sau lưng nụ cười thật tươi và duyên dáng để lao vào một cuộc chiến đầy cam go trước mặt. Họ có mặt ở các “điểm nóng”, tựa hồ những người lĩnh ấn tiên phong đang xung trận, ước mong mang lại bình yên cho xứ sở và cho cả những người thân yêu của mình. Nếu quy định trong thời cách ly là giữ khoảng cách giữa người với người càng xa càng tốt, thì đối với các bác sĩ, họ càng đến gần các bệnh nhân của mình càng tốt, bất chấp nguy hiểm. Một nghĩa cử thật đẹp và đáng trân quý. Ước mong cho tất cả các nhân viên y tế luôn được bình an và nhiệt tâm với sứ mệnh. Còn tôi, tôi sẽ không quên cầu nguyện cho hết thảy mọi người.

Lm. Giuse Võ Viết Cường, O.P.