Góc Suy Gẫm – Mùa Dịch Covid 19 (Thứ sáu 04.06.2021)

1. Chuyện chúng mình: Covid 19 (2019 – nay)

Khởi tố vụ án liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng

Công an Q. Gò Vấp khởi tố vụ án liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng theo điều 24 bộ luật Hình sự, cơ quan điều tra sẽ làm rõ vi phạm của từng cá nhân, khi đầy đủ dấu hiệu vi phạm thì khởi tố bị can.

Ngày 30.5, Công an Q. Gò Vấp cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” xảy ra tại Tp.HCM, liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (do ông P.V.T và bà V.X.L phụ trách) để điều tra.

Qua điều tra, nhóm sinh hoạt tôn giáo này không chấp hành quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19, dẫn đến lây lan dịch bệnh cho nhiều người.

Ông Ngô Minh Châu, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM, cho biết chùm lây lan từ điểm sinh hoạt của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đã trở thành ổ dịch lớn, đây là vụ việc nghiêm trọng, nhiều người dân bức xúc về vấn đề này.

Công an Q. Gò Vấp đã khởi tố vụ án theo điều 24 bộ luật Hình sự, cơ quan điều tra sẽ làm rõ vi phạm của từng cá nhân, khi đầy đủ dấu hiệu vi phạm thì sẽ khởi tố bị can. “Chúng ta khởi tố vụ án với những con người cụ thể, chứ không khởi tố đối với tổ chức là Hội thánh truyền giáo Phục Hưng”, ông Châu khẳng định.

Tại cuộc họp trưa 30.5, Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh một số nơi cần rút kinh nghiệm, chỉ đạo quyết liệt hơn trong công tác phòng dịch Covid-19, nhất là phát huy cao vai trò của tổ Covid-19 cộng đồng.

“Qua sự việc tại Hội thánh truyền giáo Phục Hưng ở Q. Gò Vấp, nếu tổ Covid-19 cộng đồng được phát huy thì đã sớm phát hiện các vi phạm và chấn chỉnh kịp thời. Họ tập trung hành đạo không mang khẩu trang đâu phải mới đây. Tại sao phường, khu phố không phát hiện được?”, ông Phong đặt vấn đề và cho biết sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra việc này.

(Nguồn: https://thanhnien.vn/thoi-su/khoi-to-vu-an-lien-quan-hoi-thanh-truyen-giao-phuc-hung-1391255.html)

2. Những con số biết nói

STTQuốc giaĐược chữa khỏiTử vongTổng số
1Đài Loan1.1331669.974
2Ai Cập194.29115.222265.489
3Bolivia299.46214.732378.028
4Việt Nam3.085498.063
Thế giới155.800.1683.716.070172.871.805

Cập nhật lúc 6g30, ngày 04.06.2021

3. Khuôn vàng thước ngọc (Mc 12, 35-37; thứ Sáu đầu tháng, tuần IX TN)

Cuộc đối đầu trực diện giữa Đức Giêsu và các đối thủ qua đi với việc họ không còn chất vấn Ngài nữa. Đúng lúc này, tác giả Maccô lại khiến chúng ta bất ngờ khi thực hiện

một cuộc đổi vai, trong đó chính Đức Giêsu trở thành người chất vấn. Maccô không xác định rõ những người bị hỏi, cho tới cuối bản văn ông mới cho biết có một đám đông dân chúng lắng nghe Ngài cách thích thú. Mặc dầu vậy, đối với chúng ta, đây lại là một bản văn khó hiểu trong cách lập luận cũng như các tư tưởng được nói đến.

Đức Giêsu khiến đám đông thích thú khi mở ra cho họ một cơ hội để khám phá điều tưởng chừng rất quen thuộc: Đức Kitô không chỉ thuộc dòng dõi Đavít, nhưng Ngài còn là Thiên Chúa của Đavít nữa. Trong lần chất vấn này, Đức Giêsu đề cập đến tước hiệu mà các luật sĩ gán cho Ngài: Con vua Đavít. Truyền thống Do Thái xa xưa vẫn cho rằng, Đấng Kitô phải thuộc dòng dõi vua Đavít (Is 9,2-7)). Người ta cũng thường gọi Chúa Giêsu là “Con vua Đavít” (người mù ở Giêricô – Mc 10,48; đám đông dân chúng ở Jerusalem – Mc 11,10). Trong thực tế, chúng ta cũng thấy, Đức Giêsu không bao giờ tự gán cho mình tước hiệu “Con vua Đavít” mặc dầu về mặt pháp lý, Ngài thực sự thuộc dòng dõi vua Đavít. Bởi vì, tước hiệu ấy rất có thể sẽ gây nên sự hiểu lầm về sứ mạng cứu thế của Ngài, nghĩa là, với tước hiệu con vua Đavít, mọi người sẽ trông chờ Đức Giêsu thực hiện một cuộc giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma.

Đức Giêsu đã khéo léo “điều hướng” dư luận khi Ngài trưng dẫn Thánh vịnh 110,1: “Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA, ngỏ cùng Chúa Thượng tôi: “Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân Con”. Chính Kinh thánh đã gán cho Đấng Kitô một phẩm tính cao cả hơn con vua Đavít và gọi bằng tước hiệu “Chúa” (kurios). Sau biến cố Phục Sinh, các Kitô hữu cũng đã sử dụng Thánh vịnh 110 để tìm ra các tước hiệu bao hàm trọn vẹn tính cách của Đức Giêsu; trong khi đó, thánh Phêrô lại xác quyết: “Thật vậy, vua Đa-vít đã chẳng lên trời, thế mà lại nói: Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân Con. Vậy toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này: Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô” (Cv 2,34-36). Điều này có nghĩa là, khi Thiên Chúa cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, đã tôn Người làm Đấng Kitô, làm Đức Chúa như lời Thánh vịnh tiên báo. Đức Giêsu thật là Thiên Chúa, mà việc Người sống lại là dấu hiệu minh chứng điều đó.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đã tin nhận Ngài là Chúa của chúng con. Chúng con đã nghe biết nhiều về Ngài. Dầu vậy, lý trí chúng con không thể thấu hiểu mầu nhiệm về Ngài một cách trọn vẹn. Chỉ khi chúng con biết đắm mình trong cầu nguyện và để cho tình yêu hướng dẫn, chúng con mới có thể cảm nhận và hiệp thông với Ngài. Xin cho chúng con đừng dừng ở lại những mớ giáo thuyết đầy tính giáo điều, nhưng mỗi ngày biết khám phá ra khuôn mặt của Chúa một cách sống động, mới lạ qua Lời Ngài và qua những biến cố thăng trầm trong cuộc sống.

4. Lời bàn

– Giáo hội luôn tin rằng, Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và cũng là người thật. Đó là lòng tin kiên vững của Kitô giáo. Quá nhấn mạnh tới Thiên tính mà bỏ quên nhân tính, hoặc ngược lại, đều là những sai lầm tai hại. Đức Giêsu là Thiên Chúa thật, như lời thánh Gioan: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1). Nhưng “Lời” đã hóa thành xác phàm và sống giữa nhân loại để cứu độ con người cũng như nâng loài người lên địa vị con cái Thiên Chúa. Trong ý nghĩa này, Đức Giêsu cho chúng ta thấy, Ngài đến không phải là để lập vương quốc trên trần gian, nhưng là đến để đưa nhân loại này trở về với Thiên Chúa. Nói một cách khác, Đức Giêsu đang muốn xua khỏi tâm trí người Do Thái ý niệm về một Đấng Mêsia vinh thắng và thay vào đó là ý niệm về một Đấng Mêsia tôi tớ của Thiên Chúa.

– Hạn từ “Christos” (Hy Lạp) và “Messiah” (Do Thái), cả hai đều cùng có nghĩa là “Đấng được xức dầu”, thậm chí còn được diễn giải theo nghĩa là “Vua được xức dầu của Thiên Chúa” hay “Đấng vĩ đại từ Thiên Chúa đến để giải cứu dân Ngài”. Điều này giải thích cho sự khát khao mong mỏi của người Do Thái về Đấng Giải Phóng được Đức Chúa sai đến nhằm giúp họ phục quốc, đánh đuổi ngoại bang và giành lại vị thế của một tuyển dân. Trong tất cả các danh xưng dành cho Đấng Messiah sẽ đến, thì danh hiệu “Con Vua Đavít” là phổ thông hơn cả. Các bản gia phả trong Tin mừng Mattheu và Luca cũng lặp lại điều này. Còn trong Tin mừng Maccô, khi nhắc lại tước hiệu này, Đức Giêsu không phủ nhận Đấng Messiah là con vua Đavít, nhưng đồng thời Ngài cũng chẳng nói rằng mình là con vua Đavít. Tuy vậy, các thính giả của Đức Giêsu cảm thấy thích thú, có lẽ họ khám phá thêm một điều mới mẻ: Đấng Messiah cũng chính là Đức Chúa. Là những Kitô hữu, chúng ta tin nhận Đức Kitô chính là Đấng cứu độ, chuyện này chẳng cần bàn. Còn với người Do Thái ngày ấy, việc thay đổi não trạng để chấp nhận Đấng Messiah đến không phải nhằm tái lập vương quốc trần gian mà là để đưa loài người về với Thiên Chúa, quả thực là một việc chẳng dễ dàng gì.

– Những ngày qua, khi đại dịch Covid bùng phát tại nhiều nơi ở Tp. HCM, thì cái tên Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kể cũng phải, bởi vì hầu hết các ca dương tính đầu tiên đều xuất phát từ địa điểm sinh hoạt tôn giáo này. Hai từ “ổ dịch” hay “cụm dịch” được dán nhãn khiến cho Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng bỗng chốc trở nên “nổi tiếng” một cách bất đắc dĩ. Song song với đó, các cơ quan thực thi pháp luật cũng đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” liên quan tới Hội thánh này. Điều đáng nói, mặc dù chưa thể xác định được nguồn gốc lây nhiễm nhưng những gì đang diễn ra trước mắt lại chứng tỏ rằng, các Cơ đốc nhân thuộc giáo phái này chính là “tội đồ”, chí ít là từ những đàm tiếu trong dư luận. Có nhiều nguyên nhân khiến cho đại dịch bùng phát trở lại, nguy hiểm hơn và khó kiểm soát hơn; dẫu vậy, tôi vẫn cứ có cảm giác là các anh chị em thuộc giáo phái này đang trở nên giống một “con Dê tế thần” trước công luận, đầy nghi kị và bất bao dung. Chẳng ai mong mình trở thành nguồn phát tán mầm bệnh cho người khác; chính vì vậy, hãy dành cho người khác một cái nhìn thiện cảm và thân ái hơn.

– Tôi viết những lời chia sẻ này ngay ở vùng tâm dịch nên trong lòng cũng cảm thấy đôi chút bất an, nhất là khi đọc các bản tin công bố tình hình dịch bệnh mỗi ngày. Tôi làm tất cả những gì có thể để tuân thủ quy định cách ly xã hội; nhưng đồng thời cũng không quên lời căn dặn của đức Tổng giám mục Giuse, vị cha chung của Giáo phận: “Trong những ngày qua, các cơ quan ngôn luận đang hướng về các thành viên của Hội Thánh Truyền giáo Phục Hưng như là người chịu trách nhiệm trong việc lây lan virus cho người dân thành phố. Thật ra các anh chị em tín hữu này cũng chỉ là nạn nhân của virus thôi. Trong cơn đại dịch, tất cả chúng ta đều liên đới và đồng trách nhiệm. Khi việc lây lan virus được qui trách nhiệm cho một sinh hoạt tôn giáo, chúng ta đừng quên rằng phạm trù tôn giáo bao hàm cả chúng ta. Vì thế, xin quí cha và anh chị em tín hữu Công giáo luôn sống tinh thần công bằng và bác ái, không dùng ngôn từ hoặc có thái độ kết án, trái lại, hãy cảm thông chia sẻ và cùng cầu nguyện, và hãy kiểm điểm lại các sinh hoạt của chính mình”. Những người Do Thái kì cựu đã không từ bỏ giấc mộng phục quốc. Họ chờ đợi một Đấng Messiah có thể mang lại cho dân tộc một nền thái bình sau khi dẹp tan những thế lực thù địch. Đức Giêsu đến, mang theo thứ bình an không giống như kì vọng nên họ tẩy chay Người. Về phần mình, chúng ta chờ đợi gì từ Vị Thái Tử Hòa Bình? Chắc chắn, chúng ta mong cơn đại dịch mau qua, thế gian hết kẻ tham tàn và mọi người được sống bình an. Ai còn mong gì nữa thì cứ tiếp tục thêm vào nhé!

Lm. Giuse Võ Viết Cường, O.P