1. Chuyện chúng mình: Covid 19 (2019 – nay)
Quán karaoke mở cửa sau cho khách vào bay lắc
Kiểm tra karaoke King Dom, cảnh sát phát hiện 31 nam, nữ đang bay lắc trong phòng hát. Quán này trước đó đục tường, mở lối phía sau để đón khách.
Công an huyện Bình Giang (Hải Dương) đang củng cố hồ sơ để xử lý chủ quán karaoke King Dom về hành vi Vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Khuya 21/5, cảnh sát kiểm tra quán karaoke trên ở thôn Mỹ Trạch, xã Bình Minh, huyện Bình Giang, do ông Trần Văn Xuân (70 tuổi) làm chủ.
Nhà chức trách phát hiện tại 3 phòng hát có 31 khách (gồm 18 nam, 13 nữ) đến từ nhiều tỉnh, thành phố. Nhóm này có biểu hiện sử dụng trái phép chất ma túy.
Lực lượng chức năng thu giữ các loại ma túy dạng Ketamine, Metaphetamin và dạng kẹo màu vàng cam, xám cùng nhiều tang vật liên quan. Quá trình làm việc, 31 người này khai nhận đã sử dụng chất cấm tại quán.
Thời điểm kiểm tra, ở sảnh chờ của quán này còn có 10 người khác gồm nhân viên quản lý, phục vụ và khách đang chờ vào phòng hát.
Theo cơ quan điều tra, vài ngày gần đây, chủ quán karaoke King Dom qua mắt lực lượng chức năng bằng cách đục tường, mở một lối đi phía sau để đón khách.
Quán này trước đó đã được Công an xã Bình Minh tổ chức cho ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.
Công an huyện Bình Giang đang làm rõ các dấu hiện nghi vấn mua bán, tàng trữ, sử dụng và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy để xử lý.
Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 4, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương ký công điện yêu cầu tạm dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh như massage, karaoke, quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim, quán game,…
Nguyễn Dương
(Nguồn: https://zingnews.vn/quan-karaoke-mo-cua-sau-cho-khach-vao-bay-lac-post1218337.html)
2. Những con số biết nói
STT | Quốc gia | Được chữa khỏi | Tử vong | Tổng số |
1 | Uganda | 46.150 | 364 | 48.676 |
2 | Đức | 3.509.600 | 89.510 | 3.698.004 |
3 | Campuchia | 24.042 | 230 | 31.460 |
4 | Việt Nam | 3.043 | 48 | 7.572 |
… | … | … | … | … |
Thế giới | 155.227.320 | 3.705.172 | 172.383.838 |
Cập nhật lúc 6g30, ngày 03.06.202
3. Khuôn vàng thước ngọc (Mc 12, 28-34; thứ Năm đầu tháng, tuần IX Thường niên – Kính nhớ thánh Carolo Lwanga và các bạn tử đạo)
Theo sau các cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu với những người đến với Ngài mà thiếu hẳn thiện chí, Tin mừng Maccô ghi lại một cuộc gặp gỡ với nhiều nét khác biệt. Một kinh sư đến tìm gặp và Đức Giêsu tỏ ra ưu ái với ông. Là kinh sư, ông am hiểu Kinh thánh hơn nhiều người khác. Ấy thế mà, bản thân ông cũng cảm thấy rối bời giữa một lô các giới luật phải giữ, những điều không được làm và cả những thứ không được phép bén mảng tới. Chính vì vậy, ông đến và nêu thắc mắc với Đức Giêsu: “Thưa thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu?” Để hiểu được ý nghĩa của câu hỏi này, thiết nghĩ chúng ta nên nhìn vào bối cảnh thực tế, tức là lần giở lại lịch sử khiến cho người thông luật cảm thấy hoang mang.
Vào thời Đức Giêsu, những nhà đạo đức học chia thành hai trường phái: một trường phái có tên là Hillel, giải thích lề luật một cách uyển chuyển; và một trường phái có tên là Shammai thì đòi phải giải thích và áp dụng lề luật một cách nghiêm nhặt theo từng chữ. Người ta kể rằng: có lần, một người mới gia nhập Do Thái giáo đến gặp và yêu cầu Hillel dạy cho mình toàn bộ lề luật của đạo trong thời gian người này đứng trên một chân mà không mất thăng bằng. Nói khác đi, phải trình bày lề luật một cách đơn giản, ngắn gọn hết sức có thể. Trong trường hợp này, nếu người đó tìm đến với một giáo trưởng thuộc trường phái Shammai, ông ta chắc chắn bị tống cổ đi tức khắc. Còn với Hillel, ông trả lời thế này: “Điều gì người ghét thì đừng làm cho người khác. Đó là trọn vẹn lề luật, phần còn lại là giải thích, hãy đi và học lấy”. Câu trả lời có thể làm hài lòng tất cả những ai ưu chuộng một lối sống phóng khoáng và tối giản.
Người ta có lí do để chờ đợi Đức Giêsu sẽ dựa vào Mười điều răn mà đưa ra câu trả lời. Thế nhưng, Đức Giêsu đã không làm như vậy. Ngài dẫn lại những lời đầu tiên của kinh Shema và minh định đó chính là điều răn quan trọng nhất; bởi vì, đó cũng là lời tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất và hết thảy mọi người đều phải tận lực yêu mến Người (Đnl 6,4-5). Chưa dừng lại, Đức Giêsu tiếp tục liên kết giới răn thứ nhất với giới răn thứ hai: Phải yêu mến anh em (Lv 19,18); đồng thời đi đến kết luận: “Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều răn đó”.
Như vậy, Đức Giêsu đã xác định cái cốt lõi của các giới răn chính là: ngươi hãy yêu mến. Mến Chúa yêu người, hai giới răn khác nhau, nhưng không thể tách biệt nhau: chối bỏ điều này, cũng có nghĩa là không công nhận điều còn lại; không thương yêu con người cũng đồng nghĩa với chối bỏ Thiên Chúa, và chối bỏ Thiên Chúa cũng là chà đạp chính con người. Về điểm này, thánh Gioan Tông đồ đã viết: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy’ (1Ga 4,20). Nói khác đi, mến Chúa mà không yêu thương anh em là đạo đức giả. Còn yêu người mà không yêu mến Thiên Chúa là ảo tưởng, bởi vì chỉ có Thiên Chúa mới là cội nguồn của tình yêu và của mọi ân phúc. Tắt một lời, “Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1Ga 4,21).
Lạy Chúa, ước gì lời Chúa hôm nay giúp chúng con duyệt lại đời sống và đặt lại bậc thang giá trị của những mối bận tâm. Xin cho tình yêu mến trở thành nguồn mạch và sức
mạnh để chúng con thực sự gặp gỡ Chúa và yêu thương tha nhân như chính mình. Xin Chúa thêm đức tin để chúng con luôn nhìn thấy Chúa nơi người anh em và yêu thương họ bằng chính tình yêu của Chúa, như lời nguyện cầu của thánh Phanxicô: “Lạy Chúa, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người”. Xin cho con không chỉ biết mến yêu mà còn phải biết làm chứng cho Chúa trong mọi suy nghĩ, lời nói cũng như việc làm.
4. Lời bàn
– Trong cuộc đối thoại với vị kinh sư, Đức Giêsu đã không thêm gì mới mẻ vào các luật lệ mà người Do Thái vẫn hằng tuân giữ liên quan đến giới răn “Mến Chúa và yêu người”. Tuy nhiên, qua cuộc gặp gỡ này, vị “giáo sư Kinh Thánh” không những tìm thấy lời minh định đầy uy tín nơi những gì ông ta đã học, mà còn giúp cho ông trực tiếp cảm nghiệm được sự gần gũi với Thiên Chúa, cảm nghiệm được sự hiện diện của Nước trời ngang qua con người của Đức Giêsu. Như vậy, hai giới răn “mến Chúa và yêu người” không phải là động thái vo tròn mọi giá trị luân lý thành một công thức giáo điều để rồi thúc ép mọi người phải tin và phải giữ; nhưng tiên vàn, đó là lời mời gọi thôi thúc những ai nhìn nhận mình là môn đệ đích thực của Đức Giêsu.
– Câu chuyện Sách Thánh được trích đọc hôm nay, đưa chúng ta trở về với bầu khí tuân giữ lề luật nơi Israel trong suốt lịch sử dân tộc của họ. Người Do Thái không chỉ tuân thủ những lệ luật được quy định thành văn (gồm 613 điều), mà còn nghiêm chỉnh chấp hành những mệnh lệnh, tức luật truyền khẩu. Như thế, người ta thật khó để nhớ có bao nhiêu điều khoản đang lơ lửng trên đầu của mình. Đó là chuyện xưa của người Do Thái, còn chuyện của chúng ta ngày nay thì thế nào? Là một công dân hay một tín hữu, chúng ta có cảm thấy mình bớt chịu áp lực hơn họ trong việc thực thi những điều khoản của luật định không nhỉ? Cần phải nói ngay rằng, chắc chắn là không. Thật vậy, là công dân, chúng ta chẳng thể nhớ có bao nhiêu thứ luật lệ đang liên can trực tiếp đến mình: Luật quốc tế, Hiến pháp và pháp luật quốc gia, luật về hình sự, dân sự, môi trường, kinh doanh, nhà đất, thu nhập, thuế khóa… Là tín hữu, chúng ta có nghĩa vụ tuân theo Giáo luật, những quy định của các đấng bản quyền… Là tu sĩ, chúng ta không được phép đi trệch khỏi: Những điều khoản trong Giáo luật, Hiến pháp, Hiến chương, Nội quy, Công vụ của Tổng hội hay Tỉnh hội… Tóm lại, chúng ta cũng không thể nhớ, chứ đừng nói gì tới chuyện giữ nghiêm chỉnh những thứ đòi buộc phải tuân theo.
– “Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo –luật mang lại tự do–, ai thi hành luật Chúa, chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm” (Gc 1,25). Giữa lòng Giáo hội, chúng ta cũng mong muốn mình trở thành những người con cái của tự do, ngang qua việc tuân giữ những điều được chỉ dạy. Tuy nhiên, chúng ta cũng có nguy cơ giống như vị kinh sư năm xưa, tức là cũng không xác định được đâu là điều quan trọng trong số những thứ phải giữ và thi hành. Đơn cử thế này, bộ Giáo luật hiện hành có 1752 điều. Trong đó, mỗi điều luật lại được chia ra các khoản. Chắc rằng, nhiều người trong chúng ta chưa một lần đọc cách nghiêm túc toàn bộ bản văn, chứ đừng nói tới việc hiểu hay học thuộc được nó. Tôi cũng là một người trong số đó. Vậy đâu là điều khoản quan trọng nhất trong ngần ấy quy định của Giáo hội? Tôi thiết nghĩ, chỉ cần lưu tâm một điều thôi, nhất là đối với các vị mục tử trong Giáo hội: điều 1752, tức điều cuối cùng trong bộ Giáo luật (trong phần thủ tục thuyên chuyển các cha sở, các điều từ 1748-1752). Trong số này, ghi nhận những lời cuối cùng của bộ Giáo luật là: “Phải nhằm vào ơn cứu rỗi các linh hồn là luật tối thượng trong Giáo hội”. Hiểu được những lời này, chúng ta sẽ coi việc thực thi bác ái Kitô giáo hay việc tuân giữ luật lệ không hề là gánh nặng mà ngược lại, nó trở thành những cửa ngõ đưa ta vào tự do và mưu cầu phần rỗi của chính mình. Dẫu là như thế, nhưng tôi e rằng không phải ai cũng làm được, nhất là từ phía các mục tử. Thi thoảng chúng ta nghe những lời ca thán từ phía giáo dân; tôi không tin là các vị chủ chăn không hiểu chuyện, nhưng có thể các vị hành xử quá cứng nhắc khiến cho một số giáo dân cảm thấy mình bị đối xử như “con ghẻ” giữa lòng dân Chúa, và rồi đã có những người trong số họ rời bỏ Giáo hội. Tôi tự hỏi, tội này rồi đây ai sẽ gánh?
– Hôm nay, Giáo hội mừng kính các vị thánh của Uganda, được ĐGH Phaolo VI tuyên phong hiển thánh năm 1964. Thánh Carolo Lwanga và các bạn đã anh dũng đổ máu đào để làm chứng cho Đức Kitô. Giới răn “mến Chúa và yêu người” đối với các vị không còn là một khẩu hiệu suông nhưng đã biến thành một hành động quả cảm. Phàm là người, mấy ai không sợ chết; nhưng với các vị thánh chúng ta đang mừng kính, máu các ngài không chỉ là lễ vật, là hy tế nữa mà đã hóa thành TÌNH YÊU.
– “Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 4, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương ký công điện yêu cầu tạm dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh như massage, karaoke, quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim, quán game,…” Có thể nói, đây là một trong những cách giải quyết mau chóng và hiệu quả nếu mọi người dân tuân thủ nghiêm minh. Vẫn biết là thế, nhưng đây đó chúng ta vẫn chứng kiến những điều tương tự. Chẳng phải vì thiếu hiểu biết nên họ đã khiến người khác lo lắng và khó chịu; chẳng phải người ta quá thiếu thốn đến nỗi phải tìm mọi cách để lách luật và chứng tỏ mình khôn ngoan hơn người; và, chẳng phải họ không biết quý trọng mạng sống mình cho bằng, tất cả những việc làm ấy đều giống như một thói quen, khó mà buông bỏ. Là những Kitô hữu, chúng ta sẽ làm gì để thể hiện lòng “mến Chúa yêu người” giữa cơn đại dịch này? Tôi cho rằng không đến nỗi quá khó khăn, đơn giản thôi: đừng làm gì để người khác cảm thấy chướng tai gai mắt; đừng cố tỏ ra nguy hiểm khiến những người bên cạnh mình hoang mang, lo sợ; và, đừng làm hay ưng thuận điều gì gây phương hại cho giới luật YÊU THƯƠNG.
Lm. Giuse Võ Viết Cường, O.P