Bỏ xem TV trong 2 năm, tiết kiệm thời gian, kiếm được bằng tiến sĩ và đủ chuẩn dự tuyển Olympic

Chúng ta không cần phải từ bỏ việc xem TV hoàn toàn, nhưng chúng ta hãy cố gắng xem nhưng xem có lọc lựa, và có chủ đích.Với các bạn, dành khá nhiều giờ trước màn hình TV, có lẽ chúng ta nên đặt ra câu hỏi rằng, liệu mình đã có thể làm được gì nhỉ, nếu có cách sử dụng thời gian tốt hơn thay vì chỉ ngồi trước TV. Với Teal Burrell, thì điều đó thật tuyệt vời, cô ấy đã không những lấy được học hàm tiến sỹ, mà còn chạy cự ly dài rất nhanh, đủ chuẩn để dự tuyển vào đội tuyển Olympic Mỹ nữa. Cô ấy đã viết trong một bài báo đăng trên Washington Post thế này: “Trong thời gian rảnh rỗi mà tôi mới ‘giành’ lại được, tôi đã đọc 35 quyển sách, và đấy là một kỷ lục cá nhân”… “Liệu tôi có thể làm tất cả những điều đó mà không từ bỏ TV chăng? Có thể, nhưng không chắc.”

Burrell đã đưa ra quyết định đáng nể là từ bỏ việc xem truyền hình, vào đầu năm mới, một quyết định mang tính “cách mạng”. Cô giải thích, “Tôi nhận ra – mặc dù cảm thấy mình luôn mệt mỏi đến rã rời và bận rộn với hàng đống công việc – thế mà tôi đã lãng phí hàng giờ để nhấp chuột vào các chương trình mà tôi hầu như không thích, hoặc cắm mắt vào các show mà tôi đã coi rồi”. Hầu như dân “nghiện” TV, ai cũng ít nhiều nhận ra điều này. Ý thức điều này, cộng với những mục tiêu quan trọng mà cô mong chờ thực hiện, tất cả đã quá đủ để Burrell có quyết tâm cho mình. Cô nói: “Mặc dù các quyết tâm dịp đầu năm trước đây của tôi đều dang dở, tôi vẫn hạ quyết tâm vào ngày 1 Tháng Giêng 2014 ấy”.

Một trong những điều đầu tiên cô nhận ra đó là sự trân quý hơn khoảng thời giờ các buổi tối trong tuần. Cô cho biết: “Tôi không còn cứ về là nằm ườn ra trên trường kỷ rồi dán mắt vào TV nhiều giờ, rồi lấy làm ngạc nhiên là thời giờ trôi nhanh quá”. Các buổi tối là khoảng thời gian tuyệt vời để chúng ta làm một cái gì đó, sáng tạo ra cái gì đó tại nhà, vì khi ấy, hầu hết chúng ta không còn phải bận tâm đến đống công việc bộn bề nữa, còn đám trẻ thì cũng đã lên giường.

Đáng tiếc, chúng ta thường cho rằng mình mệt lử với các hoạt động ban ngày, và giờ xem việc coi TV như thủ tục cố định trước giờ đi ngủ, chúng ta bị lôi cuốn vào các kênh truyền hình nên sao lãng và mất đi thời gian quý giá của mình. Burrell cho biết “Không xem TV, tôi có thêm thời giờ hơn vào các buổi tối, đi ngủ rất đúng giờ.”

Cô thừa nhận rằng, đã lắm lúc, nhất là lúc mệt nhọc, lúc ấy đúng là cô chỉ thích nằm ườn ra mà xem truyền hình. Dầu vậy, Burrell vẫn giữ quyết tâm, và cuối năm, cô đã hoàn thành được tất cả các mục tiêu mà cô đã đặt ra cho năm “không xem TV” của mình. Cô cho biết, giờ thì cô không còn phải tuyệt đối tránh xa TV nữa, nhưng nếu có xem, thì cô xem có lọc lựa, có chủ đích. Xét ra, đây cũng là chọn lựa hay mà chúng ta cũng nên làm theo.

Theo Tiến sĩ Ken Buckle, chuyên viên tâm lý, người sáng lập và cũng là chủ tịch của trung tâm tư vấn Gratia Plena ở Texas, dán mắt vào truyền hình lên mà chẳng có chủ đích rõ ràng thực sự nào cả, nhưng đơn giản chỉ để giết thời giờ, để cho đỡ trống vắng… điều ấy có thể ít nhiều gây ra những tổn thương tâm lý. Ông cũng cho biết: “Nhiều vấn đề phát sinh từ việc người ta cứ hoài dán mắt vào màn hình TV, và bị ngợp chìm trong cả núi thông tin.” … “Theo tôi, đây là một trong những tác nhân khiến gia tăng tỷ lệ người bị căng thẳng thần kinh.”

Truyền hình cũng thường lấy mất của chúng ta những cơ hội hiếm hoi, để chúng ta có thể thưởng thức những khoảnh khắc tĩnh lặng, là những khoảnh khắc rất cần thiết cho chúng ta, nhưng chúng ta thực ra rất ít ý thức về nó. Tiến sĩ Buckle giải thích: “Thế giới của chúng ta tràn ngập tiếng ồn và nó lấy mất đi nơi chúng ta sự thanh tĩnh”. Ông nói thêm: “Sự tĩnh lặng rất cần thiết cho sự trưởng thành tâm lý và tâm linh. Đó là cơ hội để chúng ta nối kết với chính bản thân mình, để chúng ta gặp lại chính mình, trân quý và yêu thương chính mình.”

Dĩ nhiên, tự nó, truyền hình không phải là thứ gì đó xấu xa, nhưng thực ra nó có thể giúp chúng ta giải khuây, giải trí, thậm chí hỗ trợ giáo dục rất tốt. Điều quan trọng là chúng ta phải xem có lọc lựa, xem có chủ đích rõ ràng, chứ không phải là xem tràn làn hết kênh này tới kênh khác, và để cho màn hình chiếm quyền kiểm soát.

Để chuyển từ việc xem TV như một cái máy, xem để giết thời gian sang xem TV một cách có chủ đích và hữu ích, tiến sỹ Ken đã đưa ra những bước gợi ý sau đây:

1. Ý thức được những tác hại do thói quen xem truyền hình hiện tại của bạn. Tiến sỹ nhấn mạnh: “Người ta phải ít nhiều nhận thức được rằng đang có một vấn đề, có một trục trặc, hoặc là người sẽ chẳng làm gì để thay đổi cả”.

2. Hãy tính trước bạn sẽ coi gì, đặc biệt là những gì bạn coi vào buổi tối. Tiến sỹ Buckle cho biết: “Điều vẫn hay xảy ra là, trong nền văn hoá Mỹ, chúng ta có xu hướng làm việc quá nhiều. Vì vậy, tối đến chúng ta hoàn toàn cạn kiệt sức lực và rất khó để có một đầu óc minh mẫn để đưa ra một kế hoạch hợp lý lúc đó”. Hãy tính trước bạn sẽ coi gì, quyết định xem bạn muốn coi hài, trau dồi kiến thức hay chỉ đơn giản là giải khuây.

Dù coi TV với ý hướng nào đi nữa, thì điều quan trọng bạn nên biết là: chúng hoàn toàn khác với việc bạn cứ vô tư bật TV và dán mắt vào đó nhiều giờ liền. Chúng ta thậm chí có thể làm được nhiều chuyện như cô Burrell. Có lẽ không phải là phấn đấu trong một năm lấy được bằng tiến sĩ và đủ chuẩn để dự tuyển vào đội tuyển Olympic, nhưng giống như cô, chúng ta nhận ra rằng, tốt nhất nên xem TV một cách chừng mực và có chủ đích.

Elizabeth Pardi
Chuyển dịch: Kim Bình (Nhóm phiên dịch Mai Khôi)
https://aleteia.org