Đức Ái Kitô giáo được gọi là “Giới Luật mới” vì Đức Giêsu đã đem đến cho nhân loại những “định nghiã mới” về Tình Yêu, và những “thái độ yêu thương mới” phải lựa chọn.
Tin Mừng Mátthêu đã ghi lại rất chi tiết về Đổi Mới tận căn rễ này: “Anh em đã nghe Luật dậy rằng : Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em : đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho ; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5,38-42).
Tình yêu đồng loại theo Luật Môsê mà không ai đã dám lên tiếng phản biện, phê bình bỗng nhiên bị Đức Giêsu đặt lại với định nghiã mới, thái độ biểu lộ mới: Nếu tình yêu theo Luật Môsê từ bao đời đã chỉ đòi người tín hữu chu toàn nghiã vụ “mắt đền mắt, răng đền răng”, nghiã là ai đánh tôi, tôi có quyền đánh lại, ai làm hại tôi, tôi có quyền trả đũa cho phải phép công bằng, thì Giới Luật mới sẽ chỉ gọi là Tình Yêu khi bản thân bị thiệt hại vì thiên hạ xử ép mà vẫn tha thứ; thân mình chịu thiệt thòi đến nỗi mất cả áo trong áo ngoài, vì lòng tham của người khác, mà vẫn vui tươi; cái tôi bị thua thiệt đủ kiểu đủ cỡ mà vẫn chan hoà, rộng lượng, không khép dạ đóng lòng.
Tình yêu theo Giới Luật mới ấy đã không chỉ dừng lại ở định nghiã và thái độ không oán thù, không “cân đo đong đếm”, tính toán hơn thiệt, mà còn đi xa hơn đến một bất ngờ lý thú: “Anh em đã nghe Luật dậy rằng : Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,43-45).
Và đòi hỏi phải yêu cả kẻ thù, cầu nguyện cho kẻ ngược đãi, bách hại và thi ân cho người vu oan, nguyền rủa mình đã hoàn toàn đảo ngược quan niệm, cũng như định nghiã về Tình Yêu của bất cứ con người nào trên thế gian từ cổ đến kim, kể từ khi có loài người cho đến ngày tận cùng của nhân loại.
Vâng, chỉ một mình Đức Giêsu, “Thiên Chúa Tình Yêu làm người” mới có thể đem đến định nghiã mới của Tình Yêu, định nghiã hoàn toàn mới lạ, không chút gì giống với định nghiã tình yêu của con người bình thường, vẫn thường hiểu giữa nhau, khi yêu nhau trong đời thường. Lý do đơn giản: vì Thiên Chúa là Tình Yêu đích thực, Tình Yêu vô cùng và đến cùng, Tình Yêu hiến mạng sống cho người mình yêu, và không như tình con người chỉ có thể yêu kẻ yêu mình, thương người thương mình, vì tình yêu ấy có chung khởi điểm và đích điểm là bản thân mình, bắt đầu từ “cái tôi”, và lại trở về với “cái tôi”.
Làm bỡ ngỡ các môn đệ với định nghiã mới về Tình Yêu và thái độ mới phải có khi yêu thương, Đức Giêsu đã không dừng ở đó, nghiã là không dừng lại ở đòi hỏi: đích tới của Tình Yêu phải là người mình yêu, chứ không còn là mình, nhưng Ngài còn đưa các môn đệ ra rất xa, rất sâu trong đại dương yêu thương của tình Ngài, khi qùy xuống rửa chân cho các ông trong bữa ăn sau cùng, trước khi từ giã các ông lên đường chịu khổ hình và tử nạn.
Thực vậy, không giây phút nào cảm động hơn khi Đức Giêsu trong bữa ăn chia tay đã “đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13,4-5).
Ở đây, chúng ta cùng chia sẻ tâm tình của môn đệ Simôn Phêrô, khi ông thưa với Đức Giêsu, khi Ngài đến rửa chân ông: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân con sao?” (Ga 13,6).
“Thầy mà lại rửa chân con sao?”, vì Phêrô vẫn ở trong quan niệm và định nghiã bình thường của tình yêu đời thường, nghiã là tương quan giữa Thầy và trò, giữa sư phụ và môn sinh, dù có yêu thương đến đâu vẫn có giới hạn, vẫn còn hàng rào vô hình của giai cấp, trình độ không thể vượt qua, nên tình yêu của Thầy dành cho mình dù có bao la đến đâu cũng không thể xẩy ra tình trạng thầy – trò ngang hàng, và tệ hơn là lúc này đây, Thầy đang cúi mình thật sâu, sát tận bàn chân lem luốc, dơ bẩn của mình mà rửa và hôn. Phêrô đã hoàn toàn không hiểu ý muốn của Đức Giêsu khi rửa chân các ông là xuống thấp đến tận cùng bất xứng, yếu đuối, tội lụy của các ông để yêu các ông vô cùng và đến cùng. Một định nghiã hoàn toàn mới về tình yêu: Yêu ai là xuống thấp đến tận cùng với người mình yêu đã làm choáng đầu óc người môn đệ Phêrô.
“Thầy mà lại rửa chân con sao?”, vì Phêrô quen yêu cái kiểu: người trên yêu kẻ dưới, người có quyền yêu kẻ dưới quyền, ông chủ yêu gia nhân, “chồng chuá” yêu vợ như yêu “đầy tớ”, mà đặc tính của kiểu yêu có thứ hạng, cấp bậc này là tuy yêu nhưng không quên mang theo uy quyền, tuy thương nhưng không rời bỏ ngai vàng, ngôi báu, tuy chiều nhưng sẵn sàng biểu dương sức mạnh của kẻ toàn quyền thống trị, nên khi được Thầy rửa chân, người môn đệ trưởng nhóm đã không thể hiểu nổi tình yêu ở Thầy mình lại đảo ngược hết những gì ông quen sống, quen làm, vì từ nay, với Đức Giêsu, yêu ai là trở nên như người ấy trong mọi sự, để gánh lấy tất cả nặng nề thân phận của người mình yêu.
“Thầy mà lại rửa chân con sao?”, vì Phêrô từng nghĩ: tình yêu là một giá trị lớn, nên khi cho ai giá trị lớn ấy, ta có quyền đòi người ấy một gía trị khác cũng phải lớn tương tự, kiểu “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”. Đó là lý do khi yêu ai, ta luôn muốn người ta yêu phải làm theo ý ta, phải chiều theo điều ta muốn, phải thực hiện đường lối ta đề ra, bởi tự thâm tâm, ta đã coi tình yêu của mình dành cho người ấy là một giá trị rất lớn, không thể để bị coi thường, thờ ơ, phí phạm mà không làm ta phật lòng, bực bội, phẫn nộ, hận thù. Đó cũng là lý do khi yêu ai, ta luôn có khuynh hướng độc quyền thống trị, độc quyền làm chủ người ta yêu, mà không còn nghĩ đến hạnh phúc quan trọng và nền tảng của người ấy là Tự Do.
Như mọi người, Phêrô cũng nghĩ Thầy có quyền đòi hỏi mình phải đáp trả, phải “biết điều” với tình Thầy, biết cư xử với lòng thương của Thầy, nên hốt hoảng khi Thầy qùy mọp rửa chân ông. Ông không thể ngờ tình yêu của Thầy dành cho các ông là tình yêu từ bỏ hoàn toàn chính bản thân, tình yêu không còn giữ lại cho mình bất cứ sự gì, tình yêu dâng hiến đến cùng, tình yêu trao ban không đắn đo, do dự.
“Thầy mà lại rửa chân con sao?”, vì Phêrô quen yêu theo kiểu “hai bên cùng có lợi”, nên giật mình khi Đức Giêsu đòi ông để Ngài rửa chân (x. Ga 13,8), vì ông nghĩ “chẳng ai yêu người khác mà không tìm thấy mình trong đó, và chẳng ai yêu tha nhân mà chịu để bản thân phải thiệt thòi”. Và ông đã sững sờ khi Đức Giêsu âu yếm rửa chân ông, mặc cho ông khó nghĩ, ngại ngùng. Ông đâu hiểu rằng Giới Luật mới của Thầy từ nay chính là yêu thương đến xóa mình, đến chỉ thấy người mình yêu trong tình yêu, như tình yêu hiến mạng sống là tình yêu tình nguyện hủy bỏ luôn chính hiện hữu của mình cho người mình yêu, mà không xót xa, tiếc nuối (x. Ga 15,13).
“Thầy mà lại rửa chân con sao?”, vì Phêrô đã quen với tình yêu tuy qủang đại nhưng đòi có quyền bao bọc, tình yêu tuy hào phóng nhưng đòi có quyền kiểm soát, thanh tra, tình yêu tuy tận tụy, nhưng đòi quyền chế tài, giám định, nên không hiểu được tại sao Thầy lại xuống thấp đến tận chân mình, bởi thấp qúa như thế thì quyền tìm đâu ra không gian mà thi thố, lực tìm thế đứng nào mà giương cao ngọn cờ, nên ông đã hốt hoảng mất tinh thần, và chỉ định thần khi Đức Giêsu cắt nghiã cho các ông :
“Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì qủa thật Thầy là Thầy và là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,13-15).
Thực vậy, Giới Luật mới là giới luật duy nhất Đức Giêsu đã muốn những ai muốn đi theo Ngài phải tuân giữ, nhưng Giới Luật ấy không như bất cứ giới luật nào khác của con người, dù chung một tên gọi Tình Yêu, bởi Tình Yêu từ nay theo Giới Luật này mang một định nghiã mới, một nội dung mới, một ý nghiã mới, đòi một thái độ mới, chọn lựa mới, do nhu cầu phải trở nên con người mới thuộc về Đức Giêsu, Nguồn Sống mới của nhân loại.
Đi theo Ngài từ nay là yêu một cách hạ mình, quên mình, xóa mình, từ bỏ mình, hiến dâng chính mình, nên yêu ai là vác Thánh Giá với họ, vác Thánh Giá cho họ, vác Thánh Giá vì họ, để chuyện tù đầy, mất mạng vì yêu thương là chuyện đương nhiên, chuyện phải khóc lóc, sầu khổ vì người khác là chuyện bình thường, chuyện chịu xỉ vả, oan sai, vu khống, vì “làm ơn mắc oán” là chuyện không có gì phải ầm ĩ, chuyện phải đi hầu toà, ra trước bàn dân thiên hạ để chịu phỉ nhổ vì bác ái là chuyện cơm bữa của người môn đệ muốn đi theo Đức Giêsu trên con đường Giới Luật mới Yêu Thương, bởi từ nay, tình yêu nơi người môn đệ không còn thuần là tình yêu con người, theo cách thức con người, theo định chế, quy ước giữa con người, nhưng là tình yêu của chính Thiên Chúa Ba Ngôi, Tình Yêu của Ngôi Lời nhập thể, Tình Yêu đã làm Thiên Chúa chạnh lòng và tự nguyện mặc lấy xác phàm để xoá mình, hiến mình chuộc tội phàm nhân (x. Pl 2, 6-8).
Cũng chính vì Tình Yêu của Giới Luật mới không còn đơn thuần là “hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù” như Luật cũ dậy (Mt 5,43), mà đường đi theo Đức Giêsu trở nên khó khăn, chông gai, gập ghềnh cho những ai muốn đi theo Ngài, như chính Ngài đã khẳng định: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10, 38-39).
Bởi từ nay, chỉ còn lại một Giới Luật yêu thương, khi phải noi gương Đức Giêsu trong bữa tiệc ly từ bỏ mình, khi “đứng dậy, rời bàn ăn” là vị thế, chức vụ, uy quyền, ngai toà, vương trượng, lãnh địa, lực lượng, ảnh hưởng, phe cánh; là xóa mình toàn diện, toàn phần, toàn tập khi “cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng” là những gì mình có, mình là, mình có quyền thụ hưởng, thi thố; là sẵn sàng hiến mình đổ máu, mất mạng khi “đổ nước vào chậu”; là khiêm tốn xuống sâu đến tận cùng, sát cạnh bàn chân của người yếu đuối, bé nhỏ, không là gì đối với mình, khi “rửa chân và lấy khăn thắt lưng mà lau”.
Và suốt đời làm môn đệ Đức Giêsu, chúng ta mãi mãi và không ngừng được Ngài mời gọi đi trên con đường Thánh Giá Yêu Thương này, bởi Ngài là Đường, con đường Tình Yêu duy nhất, con đường duy nhất là Tình Yêu đã được Ngài định nghiã lại và cho một giá trị siêu nhiên, cứu rỗi. Ngoài con đường Tình Yêu như Giới Luật mới, Đức Giêsu đã không ban một lệnh truyền nào khác, như chính Ngài đã qủa quyết với các môn đệ trước giờ chia tay: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35).
Jorathe Nắng Tím
Nguồn: conggiao.info