Sau một bữa cơm có nhiều anh Việt Nam và một anh người Đức. Mọi người bắt đầu tán gẫu và câu chuyện xoay quanh những cô gái Việt Nam xuyên suốt từ đầu buổi tới cuối buổi. Ban đầu anh Tây ấy cũng tham gia, nhưng rồi nhạt dần và rồi anh ấy hỏi mọi người rằng: “Tại sao chúng ta cứ nói mãi về phụ nữ?!”
Có lẽ phụ nữ là chủ đề yêu thích của đàn ông và chắc là đặc sản đối với đàn ông Việt Nam. Một số đàn ông Việt Nam buồn cười ở chỗ, họ gọi vợ “yêu” của mình bằng những từ ngữ chẳng mấy ngọt ngào: Vợ béo, vợ mập, vợ cá mắm, vợ vẹo, vợ ngựa, vợ già… Trong những buổi ngà ngà, họ đem vợ ra bàn tán. Thương thì vợ nhà tao, ghét thì cái con mụ ấy… Và rồi ghét nữa thì làm bài vè: “Con gì ăn ít nói nhiều, nhanh già, lâu chết, miệng kêu tiền tiền…”
Đàn ông Việt (là cụm từ ám chỉ riêng cho một bộ phận, không có nghĩa bao gồm tất cả người đàn ông biết tiếng Việt trong đấy!) rất ít khi khen, đặc biệt, khen vợ, khen con thì càng hiếm. Nhưng khi chê thì khỏi bàn! Chê vợ ăn mặc buồn cười, chê vợ nghĩ như bà già, chê vợ béo quay béo tròn, chê vợ không nấu ngon bằng ngoài hàng, chê vợ giặt áo bẩn, chê vợ quản lý tiền… blah blah. Hàng trăm lý do để chê. Nhưng thỉnh thoảng lại kể vợ nghe em này mông cong, em kia ngực bự, em nọ sexy, vợ thằng bạn nấu ngon, con A công ty cắm hoa khéo, con B đầu ngõ nói chuyện có duyên…!
Đàn ông Tây thì sao? Tôi đã chứng kiến những ông chồng Tây khen vợ trước mặt bao nhiêu người khác: “Vợ tao nấu ăn ngon lắm!” “Vợ tao giỏi sắp xếp lắm!” “Vợ tao chăm sóc con và tao giỏi lắm, phụ nữ châu Á thật giỏi…!” Họ không ngại ngần thể hiện sự tự hào khi có vợ bên cạnh, sự yêu thương đối với vợ trước mặt đám đông. Có những cô gái kể rằng chồng họ khi yêu tán tỉnh rất lãng mạng, nhưng lấy nhau về thì khô khan khác hẳn. Nhưng có mấy ai biết, những anh chàng Tây, từ thanh niên cho tới già cũng tán tỉnh vợ bằng những từ ngữ ngọt ngào. Có cô lớn tuổi như mẹ tôi kể rằng, chồng cô, người Đức, đến bây giờ vẫn gọi cô là “cô nàng xinh đẹp ơi!”
Có thể đó là sự khác biệt trong văn hóa Đông Tây. Tất nhiên, ở đâu cũng có những trường hợp khác biệt, hoặc tôi “may mắn” chỉ gặp đa phần những trường hợp như trên! Tôi chỉ nghĩ, một người phụ nữ sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi với chồng, họ xứng đáng được tôn trọng, được yêu thương và được tự hào. Có thể cách nói chê vợ này kia, mọi người nghe quen rồi, nên khi ai đó khen vợ, người ta sẽ thấy “lạ” lắm! Chê vợ, nó trở thành một điều hiển nhiên đúng, là điều một người đàn ông thường làm?! Còn khen vợ là người đàn ông sợ vợ, là mất khí thế đàn ông?!
Cái văn hóa khen Việt Nam mình nó còn mang tính tượng trưng. Vì nhiều người khen cho có, khen lấy lòng, khen không thật, nên người ta coi thường lời khen, đôi khi còn nghĩ ác ý cho những lời khen đó. Còn chê thì chê thật tâm lắm, chê thì chê tơi tả, chê nát nước, chê như tát nước vào mặt, nhưng mà như vậy thì người ta lại bảo: “Chê thế là tốt!” Như câu ông bà ta hay nói: “Thương thì cho roi cho vọt, ghét thì cho ngọt cho ngào!” Trong khi đấy, văn hóa cổ vũ, khích lệ tinh thần ở Tây có phần tốt hơn. Họ muốn khuyến khích nhân viên làm tốt công việc, hay khuyến khích con làm việc gì đó thì họ khen. Khen đúng thứ người đó làm tốt và góp ý, chỉnh sửa những thứ chưa tốt! Như vậy người ta mới phát huy được thế mạnh và khắc phục dần điểm yếu!
Có một người Việt kiều nổi tiếng đã nói đại ý rằng, văn hóa Việt Nam là văn hóa phê bình! Cũng đúng thôi, thiên hạ soi nhau cũng chỉ để moi móc cái xấu nhau ra mà chê, có làm gì cũng không vừa lòng trăm họ, kiểu gì cũng bị nói xấu, cho dù người ta đã cố gắng làm tốt! Văn hóa như vậy dễ thiêu chột người ta đi thay vì làm phát triển con người!
Nói xa, nói gần cũng chỉ muốn nói rằng, những quý ông chồng nên khen vợ mình thì hơn. Khen những cái vợ mình làm tốt và đóng góp mang tính xây dựng những cái chưa tốt để vợ mình hoàn thiện hơn. Điều đó tốt hơn là đem vợ so sánh với những hình ảnh xấu xí. Vợ xấu xí vậy, sao anh lại lấy, sao anh lại thương, sao anh có thể sống suốt đời? Người ta nói, nồi nào úp vung đấy! Vợ anh méo, chắc anh đã tròn? Khen vợ, khuyến khích vợ là điều tốt để xây dựng gia đình ngày càng tốt đẹp!
Vợ chồng đôi khi sống với nhau ngoài cái tình không thôi cũng không đủ. Vì cuộc sống luôn thay đổi, càng nhiều khó khăn, con người ta càng gặp nhiều cám dỗ. Đôi khi chỉ những lời khen, những lời cảm ơn, động viên nhau, cũng làm cho ngôi nhà thêm ấm áp mặn nồng. Đàn ông cần đàn bà như một chốn bình yên, ngọt ngào. Đàn bà cũng cần ngọt ngào để thấy mình cũng được yêu thương và trân trọng. Cuộc sống vốn dĩ đã rất khô khan và mệt mỏi, hãy làm nhau ấm lòng bằng những lời ngọt ngào hơn là làm chạnh lòng nhau…!
NDLP