Đức Giáo Hoàng Phanxicô Tuyên Tố Năm Suy Tư Về “Laudato Si” Và Cầu Nguyện Cho Các Tín Hữu Công Giáo Tại Trung Quốc

Trong bài phát biểu trưa Chúa nhật 24/5, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đưa ra một thông báo bất ngờ về “một sự suy tư đặc biệt” kéo dài một năm về Thông điệp “Laudato Si”. Năm suy tư bắt đầu từ hôm qua, Chúa nhật 24/5, nhân kỷ niệm 5 năm công bố Thông điệp “Laudato Si”, mà trong đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói, “Tôi đã tìm cách thu hút sự chú ý đối với tiếng kêu gào của trái đất và của người nghèo”.

Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng đã gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu Công giáo tại Trung Quốc vào Chúa nhật này, ngày 24 tháng 5, khi họ cử hành lễ Đức Mẹ Phù Hộ các Giáo hữu và “tôn kính Mẹ với lòng thành kính đặc biệt tại Vương Cung Thánh Đường Xà Sơn (Sheshan)” nằm ở ngoại ô Thượng Hải.

Năm suy tư về Thông điệp “Laudato Si” này sẽ được tổ chức “nhờ vào sáng kiến” của Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện, Đức Giáo hoàng Phanxicô tuyên bố. Ngài cũng giới thiệu một lời cầu nguyện cho năm suy tư và nói rằng: “Thật tuyệt khi sử dụng lời cầu nguyện này trong năm suy tư Thông điệp Laudato Si”. Nội dung lời cầu nguyện được đính kèm bên dưới bài viết này. Đức Giáo hoàng Phanxicô kết thúc: “Tôi mời gọi tất cả những người có thành tâm thiện chí tuân thủ điều này, chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và những anh chị em mong manh nhất của chúng ta”.

Khi đại dịch Covid-19 đang chứng minh tính chất liên kết của tất cả mọi thứ trên thế giới, năm suy tư này nhấn mạnh sự chú trọng của Đức Giáo hoàng Phanxicô vào mối liên hệ mật thiết giữa việc bảo vệ thiên nhiên và đời sống con người, vốn là những chủ đề trọng tâm trong Thông điệp “Laudato Si”. Thông điệp này lần đầu được công bố vào ngày 24 tháng 5 năm 2015, trước thềm Hội nghị Thế giới về Biến đổi Khí hậu của Hoa Kỳ.

Lễ Đức Mẹ Phù Hộ các Giáo hữu vào ngày 24/5 là một dịp lễ lớn đối với các tín hữu Công giáo ở Trung Quốc, và Đức Phanxicô, theo thông lệ của vị tiền nhiệm của mình, Đức Nguyên Giáo Hoàng Benedict XVI, đã gửi lời chào đến anh chị em tín hữu Công giáo ở Trung Quốc đại lục nhân dịp lễ này kể từ khi trở thành Giáo hoàng.

“Chúng ta hãy cùng hiệp lòng hiệp ý với các tín hữu Công giáo tại Trung Quốc”, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói trong bài phát biểu được truyền hình từ Thư viện Giáo hoàng thuộc Điện Tông Tòa tại Vatican, sau giờ kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng vào buổi trưa.

“Chúng ta hãy trao phó các vị Mục tử và anh chị em tín hữu của Giáo hội Công giáo trên vùng đất rộng lớn này cho sự hướng dẫn và chở che hộ phù của Đức Trinh Nữ Maria, để họ có thể trở nên mạnh mẽ trong đức tin và vững chắc trong sự hiệp nhất huynh đệ, và đồng thời trở thành những nhân chứng vui mừng và những người cổ võ tinh thần bác ái và hy vọng”, Đức Phanxicô nói khi Ngài mời gọi anh chị em Công giáo trên khắp thế giới cùng hiệp ý với Ngài trong buổi cầu nguyện này cho các tín hữu Công giáo ở Trung Quốc.

Sau đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhắn nhủ với khoảng 12 triệu tín hữu Công giáo Trung Quốc với một số chia sẻ riêng với họ: “Anh chị em tín hữu Công giáo thân yêu tại Trung Quốc thân mến. Tôi muốn đảm bảo với anh chị em rằng Giáo hội toàn cầu, mà trong đó anh chị em là một phần không thể thiếu, chia sẻ hy vọng và củng cố anh chị em trong những thử thách của cuộc sống. Giáo hội đồng hành với anh chị em với lời cầu nguyện để có được một sự tuôn tràn mới của Chúa Thánh Thần, để ánh sáng và vẻ đẹp của Tin Mừng có thể tỏa sáng trong anh chị em, cùng với quyền năng của Thiên Chúa để cứu rỗi bất cứ ai tin tưởng phó thác”.

Việc Đức Giáo hoàng Phanxicô đề cập đến những thử thách của các tín hữu Công giáo tại đại lục có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, báo hiệu về sự nhận thức của Ngài rằng ngay cả sau khi ký một thỏa thuận tạm thời giữa chính phủ Trung Quốc tại Bắc Kinh và Tòa Thánh về việc bổ nhiệm các Giám mục, vào ngày 22 tháng 9 năm 2018 , tình hình không được cải thiện nhiều đối với cộng đồng Công giáo tại vùng đất đó, và ít nhất là đối với khoảng 5 triệu đến 6 triệu thành viên thuộc cộng đồng các tín hữu “hầm trú”. Đức Giáo hoàng Phanxicô kết thúc thông điệp của mình bằng cách khích lệ các tín hữu Công giáo Trung Quốc với phép lành đặc biệt, đồng thời đảm bảo với họ về “sự yêu mến và tình cảm chân thành” của mình.

“Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria luôn chở che hộ phù tất cả anh chị em!”.

Sau đó quay trở lại với buổi tiếp kiến ảo theo sau bài phát biểu trực tiếp của mình thông qua việc phát trực tiếp trên Truyền thông Vatican, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đề cập đến đại dịch Covid-19 và sự hỗn loạn mà nó đã gây ra trên thế giới. Nhân dịp Lễ Đức Mẹ Phù Hộ các Giáo hữu, Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta “hãy trao phó tất cả các môn đệ của Chúa Kitô và tất cả những người có tinh thần thiện chí cho sự cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria trong thời điểm khó khăn này, ở tất cả mọi nơi trên thế giới đã nỗ lực làm việc với tinh thần nhiệt huyết và sự cam kết vì hòa bình, cam kết cho cuộc đối thoại giữa các quốc gia, cam kết phục vụ người nghèo, cam kết chăm sóc công trình sáng tạo và cam kết cho sự chiến thắng của nhân loại trước mọi bệnh tật về thể lý, cõi lòng của con người và linh hồn”.

Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng đã gửi lời chúc mừng đặc biệt tới các thành viên của Hội Dòng Salêdiêng mà Đấng sáng lập, Thánh Don Bosco, đã dành một sự tôn sùng đặc biệt đối với Đức Mẹ Phụ Hộ các Giáo hữu và đã giúp truyền bá lòng sùng kính đó trên toàn thế giới. “Tôi gửi lời chào nồng nhiệt và chân thành đến tất cả mọi thành viên của Hội Dòng Salêdiêng, và tôi cũng đặc biệt nhớ đến, với lòng biết ơn sâu xa, sự dạy dỗ về tâm linh mà tôi đã nhận được từ những người con của Thánh Don Bosco”, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói.

Đức Giáo hoàng Phanxicô kết thúc bằng cách nhắc lại rằng Chúa nhật Chúa Thăng Thiên ngày 24/5 cũng là ngày Giáo hội cử hành Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 54, một lễ kỷ niệm được bắt đầu theo yêu cầu của Công đồng Vatican II. Sứ điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô nhân Ngày Thế giới Truyền thông năm nay tập trung vào chủ đề về việc kể chuyện, và Ngài nói: “Chớ gì sự kiện này có thể khuyến khích chúng ta kể và chia sẻ những câu chuyện mang tính xây dựng giúp chúng ta hiểu rằng tất cả chúng ta đều là một phần của câu chuyện lớn hơn chính chúng ta, và có thể trông chờ vào tương lai với hy vọng nếu chúng ta thực sự quan tâm đến nhau như huynh đệ tương thân tương ái”.

Dưới đây là Lời cầu nguyện cho năm suy ngẫm về Thông điệp “Laudato Si”:

Lạy Cha khoan nhân,

Đấng tạo thành trời đất và tất cả những thứ trong đó.

Xin hãy rộng mở tâm trí và đánh động quả tim của chúng con,

 để chúng con có thể trở thành một phần trong công trình Sáng tạo, món quà của Cha.

Xin hãy hiện diện cùng với những người túng thiếu nhất trong những thời điểm khó khăn này,

đặc biệt là những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất.

Xin hãy giúp chúng con thể hiện sự liên đới sáng tạo

khi chúng con đối mặt với hậu quả của đại dịch toàn cầu.

Xin hãy làm cho chúng con trở nên can đảm trong việc nắm lấy

những thay đổi cần thiết hầu mưu cầu thiện ích chung.

Giờ đây, hơn bao giờ hết, chớ gì tất cả chúng con có thể cảm nhận được

 sự kết nối và phụ thuộc lẫn nhau.

Xin hãy làm cho chúng con có thể tiếp tục việc lắng nghe

và đáp lại tiếng kêu gào của Trái đất và tiếng kêu khóc của người nghèo.

Chớ gì những đau khổ hiện tại của họ trở thành nỗi đau sinh nở

của một thế giới giàu tình huynh đệ và bền vững hơn.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, dưới ánh nhìn yêu thương của Đức trinh Nữ Maria, Mẹ Phù hộ các Giáo hữu.

Amen.

Minh Tuệ (theo America)

Nguồn: dcctvn.org