Nội san thắp sáng 12 – Trung Thu Yêu Thương

Trung thu xa quê lần đầu tiên. Mình bỏ qua mọi sự mời mọc để có thể một lần ghé thăm miền Tây sông nước, miền của ruộng đồng trù phú và của cả con người chân chất thiệt thà. Dù háo hức lắm nhưng mà trên xe chỉ buồn ngủ thôi. Cơn buồn ngủ ập đến một cách khó cưỡng nhưng mắt thì chẳng nhắm lại được bởi tai liên tục bị “tra tấn” bởi những tiếng hát xen lẫn tiếng la hét, và cả những trò nhí nhố của các bạn đi cùng. Bầu khí sôi động theo suốt chặng hành trình nên có lẽ vì vậy mà đoạn đường cần phải vượt qua dường như ngắn lại. Loáng một cái, xe đã dừng lại. Mọi người ồ lên: Đ…ế…n nơi rồi. Tôi tỉnh hẳn.

Nơi tôi đến, một dải lúa trải dài, vàng ươm – đẹp như một bức tranh. Men theo lối nhỏ chạy xuyên qua đồng ruộng, nghe sột soạt dưới chân khiến tôi nhớ về quê nhà. Nhớ giọt mồ hôi của bố đổ trên nương rẫy, nhớ những bữa ăn dưới tán cà phê xanh rờn, nhớ sự nhọc nhằn của mẹ lo cho con cái. Trung thu này mình đã lớn hơn để nâng niu và quý trọng mọi biến cố xảy ra đối với bản thân. Không còn than vãn mọi chuyện như trước kia nữa vì mình biết rằng không có thử thách nào là vô nghĩa cả. Cuộc sống đôi khi là sự cho đi để được nhận lại, mà cái chúng ta nhận lại thì thường nằm trong bức màn kín chưa được hé lộ. Thế nên chúng ta cứ mãi tiếc nuối chuyện đã qua… Cứ nghĩ lung tung, vậy mà đã đến ngôi thánh đường nhỏ có con kênh vắt ngang yên bình lúc nào chẳng hay. Cả nhóm lại xắn tay lên “ăn uống” trước khi bắt tay vào công việc. Dù thấm mệt nhưng ai cũng nhiệt tình, chia nhau phần cơm cầm hơi, dồn sức chuẩn bị “chiến đấu” tiếp.

Mình cứ ngó quanh để diện kiến dung nhan Cha quản xứ… mà không thấy. Lúc biết được thì ôi thôi nãy giờ Cha đi qua đi lại mà hổng thấy “núi thái sơn”. Không riêng gì tôi, chị Huyền còn “Chú ơi, cho con gặp Cha xứ” nữa kìa !!! Cả nhóm được tiếp đón cực kì nồng hậu. Được tẩm bổ miễn phí bằng canh chua “made in miền Tây’. Canh chua được nấu bằng nước tắc, cộng với những thứ gia vị đi kèm, đặc biệt là bông so đũa; tất cả góp phần mang lại một món ăn đặc trưng của miền quê sông nước, không thể lẫn vào đâu được. Người dân ở đây vẫn luôn tự hào về điều đó. Về phần mình, tôi cam đoan rằng, ai đã từng một lần ghé qua mà chưa thưởng thức được món Canh chua ấy thì kể là một thiếu sót, nếu không muốn nói là chưa thể hiểu được văn hoá ẩm thực của vùng đất Tây Nam Bộ.

Chiều đến, chuẩn bị tổ chức hội chợ thì trời mưa. Mưa thì đã sao, chẳng nề hà gì; bởi vì: “Trời mưa thì mặc trời mưa, nhưng mà to quá thì ta dời vào”. Vậy là cả năm gian hàng được xếp lớp cạnh nhau. Càng đông càng vui, lại càng thân thiết. Phần quà cho gian Chuột bọ ban đầu chỉ có xà bông thì lúc sau, có đủ loại luôn vì nhận được sự tiếp tế của các gian hàng bên cạnh. Lâu lâu còn có “người ghé thăm” vì hàng xóm chỉ cách nhau vài bước chân. Chạy qua hò hét, rủa con chuột vài câu góp vui.

Buổi tối, văn nghệ kết thúc sớm trong sự tiếc nuối, nhiều người còn muốn hát, muốn nhảy tiếp mà hổng được vì trễ giờ. Tiếc ghê. Chia tay với những cái siết tay thiệt chặt. Mình sẽ nhớ mãi không quên nơi này.

Trung thu là tết thiếu nhi.

Làm cho người lớn muốn đi nhiều nhiều

Đi nhiều không phải làm liều

Đi nhiều để biết yêu nhiều thiếu nhi.

Bé Linh