Tính đến nay, Nhóm NVHB đã được 14 tuổi. Một chặng đường khá dài nếu so sánh với một nhóm có tính cách mở như nhóm NVHB. 14 năm ấy, biết bao biến cố, biết mấy thăng trầm… Đã có lúc tưởng chừng như Nhóm NVHB chỉ còn tồn tại một thời gian ngắn nữa… Nhưng không!
Một câu hỏi đặt ra: điều gì đã khiến NVHB còn tồn tại?
Phải nói ngay rằng: chính truyền thống và tính cách mở của Nhóm trong mọi hoạt động đã trở thành lý do và sức sống khiến NVHB vẫn còn tồn tại cho đến hôm nay. Những mối liên kết vẫn được duy trì, những thành viên của Nhóm qua các thời kỳ vẫn đồng hành với nhau vì một mục đích để Nhóm NVHB phát triển, dù vẫn còn đó những bất đồng như một quy luật.
Một vài câu chuyện cụ thể được dẫn ra dưới đây, tuy không thể tiêu biểu cho các hoạt động của Nhóm NVHB trong suốt 14 năm, nhưng nó phần nào cho thấy lý do mà Nhóm NVHB vẫn duy trì một sức sống cho tới ngày nay.
Công việc
Có lẽ, ngay từ đầu, không khí “dân chủ” đã được thực hiện trong Nhóm NVHB một cách hài hòa. Điều đó được thể hiện ngay trong mối quan hệ giữa Ban Đồng hành và Ban Điều hành. Có thể nói rằng: đối với các thành viên của Nhóm, các anh chị đồng hành và các bạn Ban Điều hành luôn phối hợp ăn ý, nhịp nhàng… Nhưng ít ai biết được rằng: để có sự ăn ý nhịp nhàng ấy, mọi người cũng đã từng phải “đấu tranh nảy lửa” với nhau mỗi khi thực hiện một hoạt động của Nhóm.
Chẳng hạn hè năm 2000, Nhóm dự định tổ chức trại hè (lúc đó chưa có tên Trại Agapé). Một cuộc họp mở rộng giữa các anh chị đồng hành, Ban Điều hành và một số thành viên đã được tổ chức. Nhiều ý kiến đã được nêu ra. Hai luồng ý kiến rõ ràng: ủng hộ và phản đối. Mọi lý do được đưa ra để ủng hộ cho lập trường của mình. Nhưng cuối cùng, “phe” phản đối đã thắng thế, do phần lớn các thành viên phản đối hầu hết là sinh viên đang theo học. Lý do rất hợp lý là: thời điểm tổ chức không thích hợp, vì lúc đó các bạn sinh viên đều phải lo thi cử rất bận rộn.
Cũng có khi, sự căng thẳng lại không nằm ở lúc họp lên chương trình, mà là vào lúc lượng giá, sau khi kết thúc một hoạt động của Nhóm.
Trung thu năm 2001, Nhóm đi công tác xã hội tại Giáo xứ Tân Lộc (Cà Mau). Chương trình rất thành công, và mang lại niềm vui thật lớn cho thiếu nhi trong giáo xứ cũng như cho các thành viên tham gia chuyến công tác. Những tưởng khi lượng giá, mọi sự sẽ êm xuôi. Nhưng không! Trong buổi lượng giá ấy, một thành viên nữ của Nhóm đã “thẳng thừng phê phán” Ban tổ chức về một tiết mục văn nghệ, một thành viên khác lại… “phê phán thẳng thừng” về công tác chuẩn bị nhân sự cho một công tác rất quan trọng của Nhóm. Số là: trong các tiết mục văn nghệ, có một thành viên nam phải đóng giả nữ với trang phục, mà theo thành viên nữ “thẳng thừng phê phán”, là phản cảm và không tôn trọng phụ nữ. Từ các anh chị đồng hành, các bạn ban điều hành và mọi người tham gia lượng giá đều… trầm ngâm. Sau đó, một thành viên khác phê bình về việc chuẩn bị MC cho chương trình. Không khí tưởng chừng như co lại… nhưng cuối cùng, đại diện Ban tổ chức đã đứng ra nhận khuyết điểm… Có thể nói, đó là một cuộc lượng giá rất… dân chủ và thẳng thắn.
Cuộc sống
Một số anh chị Cựu vẫn còn nhớ như in câu chuyện này. Vào một ngày nọ, anh đồng hành của Nhóm nghe tiếng chuông bấm gọi mình. Anh chạy xuống… Hớt ha hớt hải, một thành viên của Nhóm bảo anh: “Anh ơi, bọn cùng phòng đánh em”. Cùng với một thành viên khác, anh đồng hành chạy đến nhà trọ của thành viên kia, hỏi rõ đầu đuôi câu chuyện… Thì ra, một người trong phòng trọ đó mất điện thoại di động (hồi đó có điện thoại di động là rất… oai). Họ hỏi thăm thành viên của Nhóm xem có bạn bè gì đến chơi để họ có cơ sở truy tìm chiếc điện thoại đã mất. Có thể do cách diễn đạt và tính tình của thành viên nọ… những người ở cùng phòng cảm thấy bức xúc, nên đã “hạ cẳng tay, thượng cẳng chân” với thành viên của Nhóm. Đích thân anh đồng hành đã phải đến để hòa giải, và với tư cách một người anh…
Hồi đó, 42, 44 Tú Xương là nơi lui tới thường xuyên của các thành viên Nhóm NVHB. Các thành viên có thể chia sẻ hầu hết mọi chuyện với các anh chị đồng hành. Từ chuyện học hành, công việc, chuyện Nhóm cho đến chuyện tình yêu. Nhiều thành viên đã hân hoan báo tin tình yêu nảy nở cho các anh chị đồng hành, cũng không ít bạn đã rơi lệ trước các anh chị vì… tình cảm không như mong muốn. Nói không ngoa, các anh chị đồng hành còn kiêm luôn cả chức năng “tư vấn tình yêu” cho Nhóm. Đôi khi, các anh chị còn “thẩm định” cả những “chiêu thức” và đề ra “đường hướng” cho những… “kẻ chinh phục”.
Có thể nói, mối liên kết giữa các anh chị đồng hành và các thành viên của Nhóm thực sự khắng khít. Mọi buồn vui, lo toan đều được chia sẻ. “Đồng cam cộng khổ”, ở một góc độ nào đó, đã được thực hiện…
Năm 2003, một thành viên trong Nhóm, vì mải mê lo chuyện của Nhóm, đến mức quên mất cả việc lên gặp thầy hướng dẫn luận văn… Cuối cùng, thành viên đó bị chậm trễ luận văn 6 tháng nữa… Bao nhiêu buồn lo, day dứt… Các anh chị đồng hành hỏi thăm, khích lệ… Cũng từ đó, mục đích học tập của các thành viên càng được chú trọng hơn nữa. Trong tất cả các buổi chia sẻ trên Nhóm, các anh chị đồng hành đều nhắc nhở rằng: “Công việc chính của các em là học. Nếu thấy việc của Nhóm có thể ảnh hưởng không tốt đến việc học, các em phải mạnh dạn từ chối”. 6 tháng sau, thành viên đó bảo vệ luận văn, một số anh chị đồng hành, các bạn Ban Điều hành, và một số thành viên đã đến tham dự, chúc mừng… Niềm vui đó có lẽ cũng khỏa lấp đi được những day dứt, trăn trở mà bao người đã nặng mang.
“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng…”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết như thế. Trong suốt 14 năm qua, không phải lúc nào mối quan hệ giữa Ban Đồng hành, Ban Điều hành và các thành viên cũng suôn sẻ. Đã có những cuộc tĩnh tâm, những buổi ngồi lại với nhau, những cuộc nói chuyện… chỉ để mọi người hiểu nhau hơn. Nhưng, cuối cùng, tấm lòng dành cho Nhóm, tấm lòng dành cho nhau đã xóa đi các bất đồng, những chênh vênh của cái tôi, của sự ích kỷ.
Như một anh chị đồng hành đã chia sẻ: “dù có bất đồng, nhưng cuối cùng cũng nhắm một mục đích chung là làm tốt công việc của Nhóm, để Nhóm phát triển, để Nhóm thực sự trở thành một gia đình”.
Phải chăng, đó chính là sự thể hiện sinh động nhất của mối dây liên kết Nhóm? Năm tháng qua đi, thời gian biến đổi vô chừng, nhưng TẤM LÒNG của NVHB vẫn tồn tại như một dấu chỉ đẹp nhất của tình đời, tình người.
Chân Luận