Nhật Ký Hạ Xanh: Mệt Nhưng Vui Và Ý Nghĩa – Phần 1 – Khởi Hành

Mệt nhưng vui và ý nghĩa

Đó là những gì mà bản thân tôi cùng những người bạn đồng hành cảm nhận được sau chuyến hành trình đến với MHX. Trở về nhà sau những ngày rong ruổi, sự mỏi mệt lộ rõ trên từng khuôn mặt, và có lẽ sẽ phải mất nhiều ngày an dưỡng mới mong lấy lại được phong độ như xưa. Với tôi, chuyến đi ấy không chỉ đơn thuần là một dịp để “đổi gió” hay được hít thở không khí trong lành từ núi rừng Tây nguyên nhưng còn là dịp để đến với những chân trời mới, nơi gặp gỡ những số phận nghiệt ngã và có phần kém may mắn hơn mình; song quan trọng hơn tất cả, đây còn là cơ hội để tôi kịp nhìn lại và khám phá trải nghiệm của chính bản thân mình. Tôi vui vì tất cả những điều đó.

Dẫu không phải là một tín đồ cuồng nhiệt của túc cầu giáo nhưng không vì thế mà tôi bỏ qua những trận đấu hay, những pha trình diễn ngoạn mục của các chân sút hàng đầu thế giới, quần tụ về Nam Phi cho một mùa hè World cup. Ngày chúng tôi lên đường cũng là ngày chứng kiến chủ nhân mới của chiếc cúp vàng danh giá. Kết thúc những giây phút ghẹt thở của trận chung kết, chúng tôi khăn gói lên đường nhưng cũng dành chút thời gian để cùng nhau dâng thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho chuyến đi được xuôi chèo mát mái.

Xe chúng tôi trực chỉ Kontum và đó cũng là đích đến của ngày đầu tiên. Trải qua những pha thót tim trên đường đi, các tài xế nghiệp dư đã đưa chúng tôi đi từ sự giật mình này đến sự hốt hoảng khác. Dù bị lạc đường nhưng chúng tôi cũng đến được thành phố Buôn Ma Thuột – thủ phủ của Tây nguyên – và đây vừa là điểm dừng chân, vừa là nơi “tiếp tế lương thực” cho chặng hành trình còn lại. Cũng nơi đây, nhân sự được bổ sung, vừa vặn cho một chiếc xe 8 chỗ. Sự thay đổi về địa dư, kéo theo những thay đổi về khí hậu ở mỗi chặng đường đi qua mang lại cho chúng tôi cảm giác khoan khoái lạ thường. Những cánh rừng cao su bạt ngàn không chỉ che phủ khắp miền đồi núi nhưng còn góp phần làm cho bầu không khí thêm trong lành và thoáng mát. Những rặng thông xanh cao vút khẽ cựa mình chào đón chúng tôi. Gió rít qua kẽ lá, tạo ra một thứ âm thanh tựa hồ như bản tình ca thổi hồn quá khứ nhập vào hiện tại. Những cánh rừng thông ngút ngàn ngày trước giờ chỉ còn lưa thưa vài cây sót lại ven đường. Chúng giờ đây trở thành “hàng trưng bày” và dĩ nhiên chỉ để xem chứ không được bán. Mặt khác, chúng trở thành những nhân chứng cáo tội cho sự tàn phá và huỷ diệt của con người. Một sự khai thác bất hợp lý đã dẫn đến tình trạng này. Nhưng dù sao, những gì còn sót lại cũng chỉ ra rằng, dẫu cho những cánh rừng thông già nua có ngã xuống thì chắc hẳn nay mai sẽ có những cánh rừng khác thay thế; còn việc rừng gì hay cây gì sẽ được trồng thay thế thì chắc là chỉ có Chúa mới biết được. Bất giác trong tôi hiện về những trang sử thi hào hùng, bi tráng của các dân tộc anh em lưu trú trên mảnh đất đầy huyền sử này.

Vượt qua những chặng đường khó khăn, cuối cùng thì chúng tôi cũng đặt chân đến cộng đoàn của Chị Già sau hơn 15 tiếng đồng hồ ngồi xe ê ẩm. Thân xác rã rời, sức cùng lực kiệt, ngồi  đối diện với thức ăn mà ai cũng thở dài ngao ngán mặc dù trong bụng rỗng tuếch. Lùa vội chút thức ăn. Nghỉ ngơi. Tắm rửa. Mọi thứ đã sẵn sàng, vừa đặt lưng đã vội chìm vào giấc điệp. Cơn buồn ngủ ập tới giống như người vừa bị chuốc thuốc mê. Sáng sớm thức dậy tưởng mình vừa trở về sau một giấc ngủ dài ngang bằng nửa thế kỉ.

Ngày thứ hai ở Kontum cũng thật nhiều cảm xúc. Sau giờ điểm tâm, chúng tôi bách bộ thăm nhà thờ Chính toà và Toà giám mục. Kiến trúc cổ cùng cách bày trí khiến ai nấy đều trầm trồ khen ngợi. Được nghe kể về lịch sử hình thành phát triển giáo phận mới thấy và cảm phục tinh thần truyền giáo của các bậc tiền bối. Việc thích ứng với môi trường sống và gieo mầm đức tin cho người dân nơi đây thật đáng khâm phục. Rời Toà giám mục, chúng tôi đến thăm làng Dakkia – một thế giới hoàn toàn khác lạ dù chỉ cách trung tâm thị xã Kontum độ chừng 5km. Mọi người hồ hởi chào đón khiến chúng tôi vui lây và tạm quên đi mệt nhọc. Mặc dù thời gian ghé thăm không nhiều nhưng những gì mà các thầy cô và các em học sinh thể hiện đã thực sự ghi lại ấn tượng đẹp nơi mỗi chúng tôi. Chiều đến, chúng tôi ghé thăm chiếc cầu treo nổi tiếng ở đây và ngắm nhìn những tàn tích còn sót lại của ngôi nhà rông được mệnh danh là lớn nhất Tây nguyên. Tôi còn nhớ vào mùa hè năm ngoái, khi lần đầu tiên tôi đặt chân đến đây, ngôi nhà rông ấy vẫn sừng sững và được xem như biểu tượng của niềm tự hào dân tộc, một niềm kiêu hãnh của anh em các dân tộc thiểu số. Thế nhưng giờ đây, niềm kiêu hãnh ấy chỉ còn trong kí ức, tất cả những gì còn lại chỉ là một đống hoang tàn đổ nát, hậu quả của một hành động thiếu ý thức do chính con người tạo ra. Điểm dừng chân cuối cùng trong ngày, đó là ngôi làng Konktu. Ngôi nhà nguyện được làm bằng gỗ tuyệt đẹp. Hoa văn trang trí cùng những vật dụng được dùng vào việc cử hành phụng vụ đã cho thấy một cách rõ nét những sắc thái văn hoá đặc sắc.

Núi rừng Tây nguyên hùng vĩ là thế, con người Tây nguyên dịu dàng đằm thắm là thế, mảnh đất thiêng đầy chất huyền sử nhưng cũng không đủ sức để giữ chân những lữ khách có vẻ thích ngả lưng trên ghế xe mà ngủ hơn là một căn phòng với đầy đủ chăn ấm nệm êm. 34 tiếng đồng hồ tá túc ở cộng đoàn của Chị Già như vậy cũng tạm gọi là nhiều; phần vì phải tiếp tục hành trình, phần vì trông thấy cảnh người nhà chỉ có 4 nhưng lại chạy ngược chạy xuôi lo lắng cho 8 vị khách không mời mà tới, kể cũng vất vả thật nhưng thôi cũng kệ hihihi. Sau thánh lễ, mọi người ngồi lại bên nhau, trao gửi cho nhau dăm ba câu chuyện làm quà. Chia tay. Lên đường. Trước mắt chúng tôi là chặng đường hơn 450 km phải vượt qua. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến cho vài người trong chúng tôi sợ hãi đến toát cả mồ hôi hột. Nhưng, chẳng lẽ…

Ngược trở lại đường cũ, giờ là dịp để có thể mục kích một cách toàn diện hơn quang cảnh hai bên đường. Ngạc nhiên quá đỗi, trước mắt chúng tôi là cả một khoảng không bao la, vẫn màu xanh ấy nhưng sự vật đã khác xưa nhiều, khác xa những gì tôi đọc thấy hoặc nghe kể về nó. Cách đây chưa lâu, ngay chính trên mảnh đất này, những cánh rừng bạt ngàn phủ khắp mọi ngọn đồi, khe suối; giờ thì thật hiếm khi trông thấy cảnh cây này nương tựa cây kia để cùng tồn tại trong một quần thể sinh thái đa dạng và phong phú. Những món quà mà Tạo Hoá ban tặng giờ đành chịu khuất phục và nhường chỗ cho các loại cây nông nghiệp ngắn ngày. Rừng là vàng ư! Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu. Sự tàn phá của con người xem ra còn mạnh hơn gấp nhiều lần so với sự cuồng nộ của mẹ thiên nhiên. Sức khoẻ của con người ghê gớm thật.

Đến thị trấn Buôn Hồ thuộc địa phận tỉnh Daklak, chúng tôi rẽ vào và men theo quốc lộ 26, hướng về thành phố biển Nha Trang. Rút kinh nghiệm của những ngày trước, chúng tôi thỉnh thoảng dừng lại để hỏi thăm đường, cốt yếu là không muốn bị mất nhiều thời gian do chuyện nhầm đường lạc lối. Mặc dù lạ đường nhưng do ít phương tiện lưu thông, cộng với mặt đường khá tốt nên mọi người bắt đầu kháo nhau, nhẩm tính sẽ tới Nha Trang sớm hơn dự kiến. Cảm giác ngồi sau tay lái khi bắt đầu đổ xuống đèo Phượng Hoàng thật tuyệt vời. Bản thân tôi chưa từng nếm thử cảm giác như vậy bao giờ. Đường thì ngoằn ngoèo khúc khuỷu; còn bụng thì đói meo, tai ù, chân run nhưng mắt vẫn phải căng ra để nhìn đường. Vài người nghĩ chắc là bác tài có kinh nghiệm đi đường như thế này lắm. Sai bét ! không hề… Chỉ có điều cảm thấy rất yên tâm vì không thấy Cha linh hướng và chị Đồng hành bảo sao, chắc là đang mải lần chuỗi Mân Côi (?). Xuống khỏi đèo, tạ ơn Chúa. Mọi người dừng chân và nạp năng lượng.

(Còn nữa)

Lm. Giuse Võ Viết Cường, O.P.