Điểm đến của chúng tôi là Giáo xứ Phù Ninh thuộc xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Chào đón chúng tôi là những cơn mưa do ảnh hưởng của bão, nước không ngừng tuôn, nắng ấm hiếm hoi và không khí trầm lặng khiến tâm hồn con người cũng vẩn vơ theo. Nói thế thôi chứ nhờ chúng mà chúng tôi không bị sốc nhiệt bởi cái nắng gắt và gió Lào hanh khô của miền Trung đầy khắc nghiệt.
Cảnh vật xung quanh chúng tôi là xóm làng với những ngôi nhà mái ngói đỏ, hàng rào cũ mang đậm nét của những ngôi làng miền Bắc xưa. Người dân nơi đây làm lụng và chủ yếu tích góp tiền bạc để xây nhà, nâng cấp nhà chống lũ, đó là lí do tại sao nơi đây cũng không ít những ngôi nhà kiên cố. Và như câu nói của Cha Tâm – Cha quản xứ “ngoài khá má buồn”, chúng tôi phần nào giải đáp được những thắc mắc trong lòng về một miền Trung nổi tiếng khó khăn về nhiều mặt.
Bởi vì những hạn chế về khoảng cách địa lí và thời gian chuẩn bị cho chuyến hành trình này vô cùng gấp rút, tất thảy chúng tôi đều cảm thấy lo lắng. Những ngày đầu tiên thực sự là những ngày vô cùng căng thẳng và áp lực vì thiếu nhân lực, hơn một trăm học sinh và ba thầy cô với phân cấp từ lớp hai đến lớp mười một. Điều chúng tôi ấn tượng về học sinh nơi đây là sự năng động và ham học. Đặc biệt hơn nữa là cả người lớn lẫn trẻ em đều rất siêng năng đến nhà thờ tham dự Thánh lễ.
Số lượng học sinh dự kiến khi chúng tôi chưa ra là khoảng một trăm, thế nhưng thực tế thì sau ngày học đầu tiên và những ngày sau đó số lượng học sinh tăng dần lên, và con số ở thời điểm cao nhất là một trăm sáu mươi em. Một điều chúng tôi đều thắc mắc là tại sao các em đa phần đăng kí học Anh văn nhưng rất ít em đăng kí học môn Toán, sau đó chúng tôi được nghe từ Soeur và cũng tìm hiểu được rằng trong thôn có xu hướng xuất ngoại để đi làm chứ không tiếp tục học đại học.
Ngôn ngữ cũng là một trong những khó khăn của chúng tôi trong việc giao tiếp, dạy học và cả tham dự Thánh lễ. Việc nghe để hiểu là một trở ngại vô cùng lớn, mặc dù chúng tôi đã có cơ hội tiếp xúc với các bạn nói giọng miền Trung trong Nhóm, những ngày đầu tiên khi đi Lễ có khi không hiểu Cha đang giảng gì, cộng đoàn đọc cái gì cho đến khi đi dạy nghe tên của các em cũng phải ba bốn lần mới ra. Tuy nhiên, rào cản ngôn ngữ nhiều lúc lại chính là điều tạo nên niềm vui cho chúng tôi. Nhiều khi Cha, các bác, thậm chí là các em dùng ngôn ngữ địa phương để trêu chúng tôi và bằng cách ngồi đoán từ, chúng tôi học được vô số điều thú vị, hì hì… ^_^.
Vì các em “năng động” một kiểu rất khác với miền cao nguyên hay miền Tây mà chúng tôi đã có cơ hội tiếp xúc và mặc cho trong chúng tôi có những bạn đã từng có kinh nghiệm giảng dạy những mùa hè xanh trước đó, việc quản lí lớp ban đầu phần nào tạo áp lực cho các thành viên trong nhà. Thêm vào đó, các em dường như tiếp thu rất nhanh và luôn đòi hỏi kiến thức nạp vào nhiều nhất có thể khiến cho các thầy cô căng thẳng hơn trong việc soạn giáo án và lên lớp. Những ngày đầu tuy khó khăn nhưng vì nhờ sự thân thiện, tình cảm và yêu quý của những người dân nơi đây, chúng tôi nhanh chóng hòa nhập và thật sự cảm thấy yêu nơi này hơn. Các thành viên trong nhà luôn đùa với nhau rằng Bác Đức còn hơn cả người yêu vì luôn nằm trong danh sách số điện thoại liên hệ gần đây, việc gì khó đã có Bác Đức. “Bác Đức number one”!
May mắn hơn cả, chúng tôi còn nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Cha và các Soeur, những người giúp chúng tôi hòa nhập và che chở cho chúng tôi. Những ngày tiếp theo còn rất nhiều điều cần phải đối mặt, nguyện xin Chúa luôn soi sáng và đồng hành cùng chúng con!
Nhật Kí Hạ Xanh Quảng Bình 2018