Hạ xanh Buôn Ma Thuột- Tiết học đầu tiên

Buôn Ma Thuột chào đón tôi bằng cái nắng gay gắt của tiết trời hè. Vì xuất phát từ lúc sáng sớm nên khi tới nơi trời đã đứng bóng, cái nắng chói chang làm mất đi khí trời mát mẻ nơi vùng cao. Dòng xe thì cứ tấp nập, đến nơi rồi tôi vu vơ trong đầu ý nghĩ bước tiếp hay quay lại. Trước đó tôi đã bỏ lại mọi dự định, toan tính cho tương lai để quyết định đặt chân đến Ban Mê – mảnh đất mà tôi muốn đến vì sự tò mò, mảnh đất mà tôi tin sẽ có được những kỉ niệm đáng quý, đáng suy ngẫm và những kí ức thật đẹp. Đây là mùa hè xanh thứ hai, thế nên tôi không còn bỡ ngỡ, suy nghĩ vẩn vơ lo lắng về chuyện đứng lớp, không còn ngại ngùng trước đám đông nữa. Mùa hè xanh trước đó đã giúp tôi có chút ít kinh nghiệm, có chút mạnh dạn và tự tin để có thể hòa chung niềm vui cùng các em nhỏ, cùng “học lại” với các em.

Tôi và các bạn đã tìm được cho mình một ngôi nhà mới để có thể cùng vui, cùng buồn, cùng bựa, để giúp đỡ và quan tâm lẫn nhau. Chúng tôi xây dựng một ngôi nhà nhỏ bé, nơi chứa đựng và cả chịu đựng về tính cách, quan điểm, hay là những lúc chia sẻ, tâm sự nhỏ về vấn đề “nhạy cảm” khó mở lời. Hy vọng ngôi nhà nhỏ này sẽ là nơi giúp chúng tôi hoàn thiện một phần nhỏ bé trong cách sống, cách suy nghĩ, nhìn nhận vấn đề, con người; biết sẻ chia, quan tâm nhau nhiều hơn, và trên hết là biết nhường nhịn, biết chấp nhận, hy sinh chút ít sức mọn của mình để giúp cho các em học sinh nơi đây.

Đám bạn đồng trang lứa như tôi là một sinh viên sắp ra trường chỉ còn vỏn vẹn một tháng nữa đều tất bật với những dự tính, lo toan đi phỏng vấn, tìm kiếm cho mình một công việc ổn định càng sớm càng tốt. Riêng tôi, tôi tự cho mình cái thời gian để nghỉ ngơi, khoảng thời gian 4 năm đại học không phải là quá lâu hay ngắn nhưng đối với tôi có quá nhiều điều phải suy nghĩ, trăn trở, có những lúc bị căng thẳng hay cáu gắt khó ở, khó chịu với tất cả mọi thứ. Tôi muốn dũ bỏ tất cả để có thể tìm được cho mình một chút sự thoải mái, bình yên. Không phải vì tôi quá ích kỉ, mà vì lúc này tôi chẳng thể nào nghĩ ra cái lí do để lấp đi cái lỗ hổng trong tôi. Chính vì thế năm nay tôi dành cho đời sinh viên của mình một mùa hè xanh nữa để đến với nơi có các em nhỏ cần sự chia sẻ, quan tâm để được phát triển như các bạn đồng trang lứa khác. Hơi mâu thuẫn với tôi lúc này nhưng tôi tin tôi sẽ làm được.

Địa điểm mà chúng tôi đặt chân đến đó là lớp Tình thương Vinh Sơn do các soeur Nữ Tử Bác Ái phụ trách. Đến với lớp tình thương Vinh Sơn điều đầu tiên mà tôi cảm nhận được là hơi buồn, hụt hẫng. Không gian tĩnh lặng, đìu hiu lúc về chiều, nếu chẳng để ý dòng xe đang chạy ngoài đường chắc chẳng ai muốn ở lại lâu cả. Hơi thất vọng, nhưng thôi rũ bỏ cái suy nghĩ đó, tôi chờ đợi đến ngày gặp mặt các em lần đầu tiên. Tôi vẫn hy vọng sẽ có một điều gì đó làm tôi thấy ấm áp và ý nghĩa.

13692307_854369948000600_1598285190_o

Ngày đầu tiên gặp mặt, các em học sinh nơi đây thuộc nhiều thành phần khác nhau, có những hoàn cảnh khó khăn riêng, thiếu thốn về tình cảm gia đình, về vật chất. Đặc biệt là các em nhỏ trên buôn xuống còn quá ngại ngùng, bỡ ngỡ chưa thể hòa nhập chung với cộng đồng. Phảng phất trong gương mặt các em là sự e dè, nhút nhát đôi lúc nhí nhảnh, năng động hay cả sự bất cần nữa. Thiết nghĩ các em cần nhiều hơn nữa sự động viên, quan tâm, dìu dắt của người lớn để có thể định hướng cho mình một tương lai, hiện thực hóa ước mơ của chính các em. Chúng tôi cũng cần một động lực đủ lớn, đủ mạnh, đủ nhiệt huyết để hoàn thành tốt công việc của mình. Buổi gặp mặt đầu tiên tôi thấy được điểm chung ở hầu hết các em đó là sự tự giác mà đôi khi ngay cả tôi chưa thể làm được. Không phân biệt, tị nạnh nhau là nam hay nữ, các em tự giác cầm chổi hì hục quét sân, quét lớp, lau nhà, cũng không tránh khỏi có một số em còn lười biếng phải đợi nhắc nhở mới làm. Công việc được thực hiện như một thói quen có trật tự, đúng giờ giấc và được thực hiện liên tục các ngày trong tuần học. Các em rất nghe lời Dì và hai cô giáo, mọi sự nhắc nhở, chỉ dẫn hay có lúc phải la mắng đều được các em tiếp nhận một cách lễ phép. Riêng đối với chúng tôi là những thầy cô mới đến, các em lại dành một sự phân biệt không hè nhẹ. Các em chưa chịu nghe lời, gây ồn ào mất trật tự, mặc kệ chúng tôi có la hét. Trong nhóm tôi cũng không phải là đứa ít nói, cũng gọi là khá hòa đồng đối với các em nhỏ nhưng lần này có vẻ khó. Các em làm tôi nhụt chí, cảm thấy mình mong manh, yếu đuối. Các em bất cần quá, dường như cũng chỉ là muốn người khác chú ý đến mình trong lời nói cũng như hành động, không tìm hiểu, không tinh tế chắc chẳng ai hiểu được tại sao các em lại như vậy. Các em còn quá nhỏ để bỏ bê, buông bỏ mọi thứ, hiểu và chịu đựng những chuyện người lớn làm là quá khó đối với các em. Nhìn các em hồn nhiên vui đùa tôi thấy mình quá yếu đuối, nhận ra những gì mình từng một lần trải qua chưa thật sự là đau khổ, tổn thương, chịu đựng. Bởi những lúc tôi buồn bực, những lúc tôi khó khăn đều luôn được động viên an ủi của người thân, bạn bè. Với các em thì điều đó dường như là xa vời, chẳng ai có thể hiểu nổi các em muốn gì, làm gì ngay mà cả khi có người thân bên cạnh.

Buổi học đầu tiên tôi đã được làm quen với các em học sinh lớp năm. Các em hơi quậy, khó bảo nhưng cũng vui và đáng yêu. Các em cũng có những ước mơ riêng của mình khi lớn lên. Có em muốn làm công an để trừng trị những kẻ xấu để giúp đỡ đất nước, em thì muốn được trở thành để bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ, có em lại thích làm cô giáo dạy học, hay làm họa sĩ, công nhân, có em muốn đi tu, hay có em chỉ đơn giản là muốn là một nông dân chất phác bình thường. Cũng có em có một ước mơ quá ngây thơ là được làm “Tiên” để giúp đỡ những người nghèo, dùng phép thuật để cứu giúp, chữa bệnh cho người nghèo và để trừng trị kẻ xấu. Biết rằng ước mơ được trở thành “Tiên” của mình là không bao giờ thực hiện được nhưng em vẫn muốn ước vì ước mơ chỉ là ước mơ chẳng mất mát gì cả nhưng cuối cùng “em lại muốn được làm công an”.

Một tháng mùa hè xanh khá ngắn ngủi, tuy không làm được gì to lớn, cao cả nhưng tôi tin rằng tôi và gia đình Hạ xanh Ban Mê của chúng tôi sẽ cùng nhau cố gắng và tìm được ý nghĩa thực sự của chuyến đi.

Trích “NKHX Buôn Ma Thuột”