Thật kỳ lạ, vào thời điểm thiêng liêng nhất của năm phụng vụ chúng ta lại che đi mọi thứ mỹ miều trong nhà thờ, thậm chí cả cây thánh giá. Chẳng lẽ khi nghe Bài Thương Khó của Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta không nên nhìn vào khung cảnh tang thương trên đồi Can-vê?
Ra như việc che màn các ảnh tượng trong các tuần cuối cùng của Mùa Chay là việc không được hợp lý cho lắm, thế nhưng Giáo Hội muốn ta thực hiện điều này là nhắm giúp ta ý thức hơn và cũng để khơi dậy trong ta lòng khao khát tha thiết hơn với Chúa nhật Phục Sinh. Đó là một truyền thống không chỉ được thực hiện trong các nhà thờ giáo xứ, mà cũng có thể là một thực hành tốt lành với cả các “hội thánh tại gia”, tức là các tư gia nữa.
Luật chữ đỏ trong sách phụng vụ sẽ hướng dẫn cho chúng ta. Trong Sách Lễ Rôma, chúng ta đọc thấy: “Thánh giá và các tượng ảnh trong nhà thờ được che phủ kể từ ngày Chúa Nhật Thứ Năm [Mùa Chay]. Thánh Giá vẫn được che phủ đến cuối nghi thức tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giê-su vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, nhưng tượng ảnh vẫn còn được che mãi đến lúc khai mạc nghi thức Canh Thức Vượt Qua.”
Đây là điều hiện nay vẫn được thực hành trong Giáo Hội, nhưng việc che phủ tượng ảnh từ Chúa Nhật V Mùa Chay trở đi chỉ là một thực hành rất nhỏ so với những gì đã từng thịnh hành. Ví dụ, ở Đức đã từng có một thực hành phổ biến, đó là che luôn cả gian cung thánh trong trọn Mùa Chay.
Hình: Thậm chí… che cả cung thánh!
Các gia đình cũng được khuyến khích thực hành việc che đi những tranh thánh ảnh thờ trong nhà mình. Điều ấy được coi như cách chúng ta sống, hưởng ứng cách thiết thực mùa phụng vụ này, đặc biệt trong trường hợp, chúng ta không thể tham dự các thánh lễ trong Tuần Thánh. Còn nếu không, chúng ta sẽ chỉ nhìn thấy những hình ảnh bị che khuất có một đôi lần trước Phục Sinh trong nhà thờ, và như thế không tác động tới chúng ta nhiều. Thực hành này thật tốt lành, và chúng ta nên chỉ dạy, truyền lại cho con cái của mình, chắc chắc chúng sẽ bị cuốn hút bởi thực hành này, và sẽ biến Mùa Chay trở thành một quãng thời gian đặc biệt với chúng. Chúng ta mất nhiều giờ để trang trí cho ngôi nhà của mình thật đẹp trong Lễ Phục Sinh, vậy tại sao chúng ta không làm cho tiệc mừng đó thêm trọng đại hơn, hào hứng chờ đợi hơn bằng cách thực hành việc che phủ này?
Nhưng tại sao phải che khuất đi những tượng thánh ảnh thờ trong một thời gian khá dài như vậy, che đi những ảnh tượng vốn được tạc vẽ ra để giúp hướng, giúp nâng tâm hồn ta lên cùng Chúa?
Trước hết, chúng ta sử dụng tấm màn che để nhắc nhớ chính mình rằng ta đang sống trong một mùa phụng vụ đặc biệt. Khi chúng ta bước vào nhà thờ và nhìn thấy mọi thứ đều được che phủ, ngay lập tức chúng ta biết rằng có một cái gì đó khác đi. Hai tuần cuối Mùa Chay là để chuẩn bị cho Tam Nhật Thánh và những tấm màn này là một lời nhắc nhớ mạnh mẽ giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn.
Thứ hai, các tấm màn giúp chúng ta để ý hơn tới vào những lời được đọc, được xướng lên trong các thánh lễ. Khi chúng ta lắng nghe Bài Thương Khó, các giác quan của chúng ta hướng mở, đón nhận trọn vẹn từng câu từ thật xúc động được ghi lại trong Tin Mừng, và lúc ấy chúng ta thực sự được dự phần vào khung cảnh ấy.
Thứ ba, Giáo hội thực hành che phủ tranh thánh tượng thờ, là nhằm giúp nuôi dưỡng, kích thích một sự háo hức mong chờ đại lễ Phục Sinh. Sự mong đợi ấy thậm chí còn rõ ràng hơn, mồn một hơn nếu bạn tham dự các thánh lễ hàng ngày và từng ngày, và bạn nhìn các tấm màn che. Bạn không muốn các tấm màn cứ mãi ở đó… vì bạn biết, đằng sau chúng là những hình ảnh tuyệt vời.
Đấy là toàn bộ vấn đề: tấm màn sẽ không ở đó mãi. Cần phải bỏ xuống, cất đi các bức màn che phủ các tượng thánh ảnh thờ, che như vậy, để như vậy thì thật là không hợp lý mà cũng chẳng tự nhiên chút nào cả.
Việc tháo tấm màn che ở các tượng ảnh trước Đêm Vọng Phục Sinh là một ẩn dụ rõ ràng, nhắc nhở mỗi người chúng ta về hành trình dương thế của mình. Chúng ta sống trong một thế giới bị “che phủ”, phải lưu đày, phải xa chốn quê, xa ngôi nhà đích thực của mình. Chỉ khi trải qua cái chết thì tấm màn ấy mới được dỡ bỏ và ngày sau hết chúng ta có thể nhìn thấy được vẻ mỹ miều của mọi sự, mọi vật nơi cuộc sống mai hậu.
Philip Kosloski
Chuyển dịch: Kim Bình (Nhóm phiên dịch Mai Khôi)
http://aleteia.org