Nguồn gốc con người

Chao A Ba Nếp. anh cho hỏi: Sách sáng thế kể chuyện Cain giết em là Aben. sau đó cain bỏ trốn. thế rồi hắn cưới vợ. Vậy người vợ đó từ dâu mà ra? như vậy thì rõ ràng là loài người có hai nguồn gốc: nguồn gốc adam và nguồn gốc nữa sinh ra vợ của cain. trong trận dai hồng thủy, chúa tiêu diệt loài người chỉ còn lại Noe, sau do con cháu ông sinh san nhiều, điều đó chứng tỏ các cháu dòng dõi từ ông đều là anh em ruột với nhau sao?

Người gửi: the hien

Trả lời: Bạn thân mến,

Phải nói ngay với bạn rằng Kinh thánh không phải là cuốn sách lịch sử theo nghĩa thực nghiệm, nghĩa là thuật lại đúng ngày, giờ các sự kiện xảy ra như lịch sử thế giới bạn thấy. Cụ thể, 11 chương đầu của Sách Sáng Thế là một suy tư hoàn toàn mang tính tôn giáo, khởi đi từ kinh nghiệm tôn giáo của dân Ítraen xưa kia. Suy tư mang tính tôn giáo này nhằm lý giải nguồn gốc vũ trụ và con người, nguồn gốc sự ác và ơn cứu độ, cũng như diễn tả niềm tin của dân Ítraen, rằng chính Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ và con người, trong đó, con người được Thiên Chúa yêu thương và chăm sóc hơn cả. Bạn biết đấy, ngay cả ý nghĩa của danh xưng “Ađam” (nghĩa là “sinh bởi đất”) và danh xưng “Evà” (nghĩa là “mẹ của chúng sinh”), cũng đã nói lên suy tư tôn giáo đó rồi!

Cũng vậy, vấn đề bạn hỏi chính là một vấn nạn đặt ra cho các nhà thần học từ trước tới nay, đó là chuyện đa tổ hay đơn tổ. Trong Kinh Thánh, không có bản văn nào quả quyết về thuyết đơn tổ hay đa tổ, nghĩa là mọi người đều do một cặp vợ chồng đầu tiên mà ra hay do nhiều cặp khác nhau? Thuyết đa tổ là một kết luận rút ra từ thuyết tiến hoá. Đa số các nhà khoa học nhận thuyết đa tổ. Riêng khoa thần học thì nghiêng về thuyết đơn tổ hơn, vì xem ra thuyết đa tổ khó dung hoà được với giáo lý về tội nguyên tổ, như lời của Đức cố Giáo hoàng Phaolô VI đã nói trong một cuộc hội thảo với một số nhà thần học Công giáo về tội tổ tông, năm 1966: “Quý vị sẽ coi những giải thích về tội nguyên tổ mà một số tác giả hiện đại đưa ra (đa tổ) là không thể dung hoà được với giáo huấn Công giáo đích thực”. Như vậy, rõ ràng Giáo hội không phủ nhận thuyết đa tổ mà chỉ không thấy nó có thể dung hoà được với đạo lý về tội tổ tông truyền. Dù vậy, thiết tưởng cũng nên biết rằng đa tổ hay đơn tổ là vấn đề mà các tác giả sách Sáng thế không bao giờ nghĩ đến, vì nó quá mới mẻ đối với thời đại bấy giờ; vả lại, nó cũng chẳng phải là nội dung mà các tác giả muốn quan tâm trình bày.

Đôi lời cùng bạn.

Anh Ba Nếp