Trong các lễ nhớ dành riêng cho Mẹ Maria liên quan tới lễ Đức Mẹ Lộ Đức, có lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Kiểu nói ”trái tim vô nhiễm” mới có sau này, và trở thành thông dụng sau khi Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố tín lý Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội năm 1854. Trước đó có các kiểu nói thông dụng như ”trái tim rất thanh sạch”, hay ”trái tim rất vẹn tuyền”, hoặc ”trái tim rất thánh” Đức Mẹ Maria…
Việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ được dựa trên nền tảng Phúc Âm: “Maria ghi nhớ những điều này và suy niệm trong lòng” (Lc 2, 19), và “Còn Mẹ Ngài thì ghi nhớ những điều này trong lòng” (Lc 2, 51). Trong Cựu Ước, trái tim được xem là biểu tượng thẳm sâu trong tâm lòng con người, là trung tâm của mọi chọn lựa và cam kết. Còn đối với nhân loại thì đó là biểu tượng của tình yêu. Trong sách Đệ Nhị Luật ta đã nghe rằng: “Ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết tâm lòng, hết sức lực và trí khôn ngươi.” (Đnl 6,5). Trong Tin Mừng theo thánh Máccô thì khi các biệt phái chất vấn Đức Kitô về giới răn nào là trọng nhất, Ngài đã nhắc lại đoạn Kinh Thánh này để trả lời cho họ (Mc 12, 29-33).
Chính Trái Tim Mẹ đã đáp trả bằng tiếng “Xin vâng” với Thiên Chúa khi được sứ thần Gabrien truyền tin. Do sự ưng thuận vì tình yêu, Mẹ Maria trước hết đã cưu mang Đức Giêsu trong trái tim mình và rồi cũng cưu mang trong cung lòng của Mẹ.
Theo lịch sử, việc tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ được tìm thấy đầu tiên vào thế kỷ 12 với nhiều sử gia như Thánh Anselm (1109) và Thánh Bernard thành Clairvaux (1153) là thánh viết rất tài tình về việc tôn sùng thánh thiện này. Thánh Bernadine thành Siena (1380-1444) đã được gọi là Tiến Sĩ về lòng sùng kính Trái Tim Mẹ vì những trước tác về Trái Tim Mẹ. Ngài viết, “từ trái tim Mẹ, như lò lửa của Tình Yêu Rất Thánh, Đức Trinh Nữ Maria đã nói lên ngôn ngữ tuyệt vời nhất của một tình yêu mãnh liệt.” Thánh John Eudes (1601-1680) qua các bài viết của Ngài đã giúp khơi lại lòng sùng kính này. Đức Thánh Cha Lêô XIII và Piô X gọi ngài là “cha, thầy dạy và là tông đồ phụng vụ lòng sùng mến Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria”. Thánh John Eudes và những người theo ngài đã dành ngày 8 tháng 2 trong khoảng năm 1643 để kính nhớ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Về sau, Đức Piô VII cho mở rộng ngày mừng kính này để các giáo xứ hoặc hội đoàn nào muốn tôn sùng thì cũng được phép.
Việc tôn sùng Trái Tim Mẹ Maria có một truyền thống đẹp đẽ hơn nữa qua tấm ảnh đeo của Thánh Catarina Laboure năm 1830 và việc hiện ra của Đức Mẹ tại Fatima từ ngày 13 tháng 5 đến 13 tháng 10 năm 1917. Mẹ đã hiện ra với 3 trẻ là Jacinta, Phanxicô và Luica tại Fatima, Bồ Đào Nha. Trong ngày 13 tháng 7, Mẹ đã cho các trẻ này biết rằng ”để cứu những người tôi lỗi, Thiên Chúa đã ước ao thiết lập việc sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ”. Toàn bộ lời nhắn nhủ của Mẹ là một lời cầu nguyện, thống hối và bằng những việc hy sinh, đền bù phạt tạ Thiên Chúa về những xúc phạm đến Ngài.
Vào năm 1942, kỷ niệm 25 năm biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, Đức Thánh Cha Piô XII đã dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Cũng vào năm ấy, ngài đã chọn mừng lễ này vào ngày 22 tháng 8, một tuần sau lễ Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời. Ngày 4 tháng 5 năm 1944, ngài loan báo mở rộng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm cho Giáo Hội hoàn vũ. Với những cải cách về phụng vụ trong Công Đồng Vatican II, lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ được dời về một ngày ngay sau Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, chính là ngày thứ bảy sau chúa nhật thứ hai sau Lễ Hiện Xuống.
Thiên Chúa đã chọn Mẹ Maria để cưu mang Đấng Cứu Thế, để cộng tác cho công trình cứu chuộc của Người. Công trình này xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa. Đức Maria đã cộng tác với Thiên Chúa để mang tình yêu của Người cho nhân loại. Chúa cũng mời gọi sự cộng tác của mỗi người chúng ta. Mỗi người đều có một vai trò và vị trí đặc biệt trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Điều Thiên Chúa cần nơi mỗi người chúng ta là noi gương Mẹ Maria, luôn sẵn sàng vâng phục thánh ý của Chúa.