Trong lịch phụng vụ Giáo hội hiện nay, các thánh được mừng theo ba bậc lễ nhớ (buộc hay tự do), lễ kính và lễ trọng. Từ nay, lễ Thánh Maria Mađalêna (22.7) đã được ĐTC Phanxicô quyết định là “lễ kính” – kính các vị thánh có tầm quan trọng phổ quát – cùng bậc với các thánh tông đồ.
Là người Công giáo, chẳng ai không từng nghe nhiều lần và nhất là khá ấn tượng về Maria Mađalêna, cũng chính là Maria Mácđala ((x.Mt 27,56.61; 28,1; Mc 15,40.47; 16,1,9), người được Ðức Kitô chữa khỏi “bảy quỷ” (Luca 8,2) – một biểu thị về sự quỷ ám nặng nề hoặc có thể bị bệnh nặng.
Maria Mácđala nghĩa là Maria thành Mácđala, một thành phố vô danh trong Kinh Thánh (x. Ga 19,25; 20,1.18). Có người cho rằng đó là thành phố Magađan (x. Mt 15,39; Mc 8,10), một thành phố nằm bên bờ Tây của biển hồ Galilê, giữa Tibêria và Capharnaum.
Trong Phúc Âm, ngoại trừ Đức Mẹ, ít có phụ nữ nào được vinh dự bằng Maria Mađalêna. Tin Mừng Marcô thuật lại rằng: “Khi Chúa Giêsu bị kết án tử hình, Ngài đã phải vác thập giá tiến lên đồi Gôngôtha, các môn đệ tản mác như rắn bị mất đầu, họ không dám tới gần Chúa Giêsu mà chỉ ở đâu xa khuất bóng”. Còn tại Gôngôtha, Marcô viết: “Nhưng cũng có mấy phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, trong đó có bà Maria Mácđala, bà Maria mẹ các ông Giacôbê Thứ và Gioxê, cùng bà Salômê. Các bà này đã đi theo và giúp đỡ Đức Giêsu khi Người còn ở Galilê. Lại có nhiều bà khác đã cùng với Người lên Giêrusalem, cũng có mặt tại đó” (Mc 15,40-41). Khi mai táng Chúa Giêsu, thánh nữ và bà Maria vợ ông Cléophas đã ngồi trước mộ thánh của Chúa. Sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh, Marcô thuật lại rằng: “Vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với Maria Mácđala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ”(Mc 16, 9).
Thánh Kinh có nói tới một cô gái giang hồ, tức người đàn bà phạm tội ngoại tình (Ga 8,1-11) và một phụ nữ xức dầu thơm chân Chúa Giêsu (Mc 14,3-9; Mt 26,6-13). Thỉnh thoảng Maria Mađalêna bị đồng hóa cách sai lầm với người phụ nữ xức dầu thơm lên chân Chúa Giêsu. Sự đồng hóa này lại càng thêm phức tạp bởi vì người ta thường nhầm lẫn câu chuyện xức dầu với một người phụ nữ tội lỗi, một cô gái điếm và tệ hại hơn là hình ảnh của Maria Mađalêna lại được gắn kết nhập nhằng với một người phụ nữ bị cáo buộc ngoại tình trong Tin Mừng Thánh Gioan. Tuy nhiên ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu Kinh Thánh đã làm rõ hơn để không lẫn lộn về hình tượng Maria Mađalêna.
Một điều chắc chắn là cả bốn Tin Mừng đều đồng ý rằng bà Maria Mađalêna đã ở dưới chân thập giá, nơi ngôi mộ trống và là một trong những chứng nhân đầu tiên về sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Bà đã trở thành người mà phụng vụ mùa Phục Sinh gọi là “Apostola Apostolorum” (tông đồ của các tông đồ).
Đức TGM Arthur Roche, Thư ký Bộ Phụng tự thánh và Kỷ luật các Bí tích nhận định rằng quyết định nâng lễ Thánh Maria Mađalêna lên bậc lễ kính trong Năm Thánh 2016 của ĐTC Phanxicô khiến chúng ta phải suy tư sâu xa hơn về phẩm giá của phụ nữ, về Tân Phúc Âm hóa, và về sự cao cả của mầu nhiệm Lòng Chúa Thương Xót.
Đối với các tín hữu Công giáo, Maria Mađalêna, một tông đồ âm thầm, một Kitô hữu trung kiên theo chân Chúa trên bước đường rao giảng Tin Mừng, không sợ hãi, không trốn tránh trong những hoàn cảnh hung hiểm, là tấm gương tỏa sáng của bất cứ thời đại nào.
HOÀNG ANH – Công Giáo & Dân Tộc