THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Theo lịch Công giáo, thứ 5 Tuần Thánh (thứ Năm Rửa Chân) là ngày lễ nằm trong Tuần Thánh – chuỗi 7 ngày cuối cùng của Mùa Chay trước Lễ Phục sinh.

Thứ Năm Tuần Thánh là dịp để kỷ niệm bốn sự kiện: Việc rửa chân cho môn đệ của Chúa Giêsu, Bí tích Thánh Thể được Chúa Giêsu thiết lập tại Bữa Tiệc Ly, sự đau khổ của Chúa Giêsu (Jesus) trong vườn Ghếtsêmani (Gethsemane) và sự phản bội của Giuđa Ítcariốt (Judas Iscariot). Đây cũng là thời gian Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Truyền chức Thánh.

Tâm điểm của cuộc tưởng niệm thứ Năm Tuần Thánh chính là nghi thức tưởng nhớ Bữa Tiệc Ly trong Thánh lễ. Sự kiện này được cử hành trong mỗi Thánh lễ như một phần của phụng vụ Thánh Thể và những nghi thức ấy được đặc biệt nhắc lại trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh.

Lễ Truyền Dầu

Sáng ngày thứ 5 Tuần Thánh, tại nhà thờ Chánh tòa của mỗi giáo phận, Đức giám mục và các Linh mục sẽ họp mặt để cùng cử hành Lễ Truyền Phép Dầu (hay Lễ Truyền Dầu). Đức giám mục sẽ làm phép ba thứ Dầu Thánh (thường là dầu olive) để dùng trong các Lễ Truyền chức Thánh trong khi ban Bí tích Thêm sức, Bí tích Rửa tội, và Bí tích Xức dầu bệnh nhân.

Lễ này được cử hành để tưởng niệm việc Chúa lập bí tích Truyền chức Thánh, tấn phong một số người được tuyển chọn lên làm Linh mục, ban cho các ngài quyền hành động nhân danh Chúa. Cũng trong Thánh lễ long trọng này, Đức giám mục và các Linh mục sẽ cùng nhau lặp lại những lời mà các ngài tuyên hứa ngày thụ phong để tự nhắc nhở bản thân có ý thức về bổn phận phải thi hành của mình.

Thánh lễ Tiệc Ly

Thánh lễ Tiệc Ly được cử hành tại nhà thờ chính của Giáo xứ, giờ cử hành là buổi chiều để thuận tiện cho giáo dân có thể đến đông đủ hơn.

Thứ năm Tuần Thánh là ngày lễ của tình yêu. Thật vậy, vào chiều hôm nay cách đây hơn 2000 năm, trong bữa tiệc ly, trước khi lìa xa các môn đệ để thi hành tôn ý Chúa Cha mà cứu độ nhân loại, Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ hết sức ngỡ ngàng là Người chỗi dậy khỏi bàn ăn, lấy khăn thắt lưng, rửa chân cho các môn đệ. Cử chỉ rửa chân là bài học yêu thương và khiêm nhường. Chúa dạy các ông bài học này trước khi lập Bí tích Thánh Thể, Bí tích Tình Yêu. Vì muốn yêu đến cùng nên Người dạy khiêm nhường bằng việc rửa chân để mọi người biết yêu nhau. Vì muốn yêu đến cùng nên Người lập Bí tích Thánh Thể để ờ lại với chúng ta đến tận thế. Chúa Gíêsu lập Bí tích Thánh Thể để hiện diện với nhân loại mãi mãi qua thừa tác vụ của các linh mục.. Để tưởng niệm bữa tiệc ly này cho xứng đáng chúng ta cùng thành tâm thống hối.

Vào thời của Chúa Giê-su, đối với người Do-thái, hành động rửa chân là bổn phận của người nô lệ đối với ông chủ, của người vợ đối với người chồng, của người con đối với người cha. Thậm chí ngay cả ông chủ người Do-thái cũng không chấp nhận để một người hầu Do-thái rửa chân cho mình. Tuy nhiên Chúa Giê-su, là “Thầy” và là “Chúa” của các môn đệ, đã cúi xuống để rửa chân cho các ông. Hành động này của Người đã khiến cho ông Phê-rô kinh ngạc và ông cảm thấy mình không xứng đáng: “Thầy mà lại rửa chân cho con sao”.

Nhưng nếu nhìn vào cuộc đời của Chúa Giê-su thì chúng ta không cảm thấy lạ về việc làm trên của Người. Người là Đấng đã từ bỏ vinh quang uy quyền chốn trời cao, chấp nhận một cuộc sống phàm nhân và muốn trở thành người “nô lệ” để phục vụ con người (x. Pl 2,6-8). Người “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,44).

Giờ đây, qua việc rửa chân, chính Chúa Giê-su đang trở thành tấm gương về sự phục vụ cho các môn đệ và Người đòi hỏi các ông “phải” ra đi phục vụ anh em trong sự khiêm hạ: “anh em cũng phải rửa chân cho nhau”. Hơn nữa, sự phục vụ cần khởi đi từ tình yêu mến. Thánh Gio-an, một cách tinh tế, đã lý giải cho chúng ta nguyên nhân dẫn đến việc rửa chân của Chúa cho các tông đồ. Người làm như vậy bởi vì Người “vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian” và “yêu thương họ đến cùng”. Tình yêu Đức Ki-tô thúc bách tôi” (2 Cr 5,14) và cùng với lệnh truyền của Chúa, mỗi người chúng ta hãy đứng lên, ra đi và hạ mình để phục vụ những anh chị em đang gặp cảnh nghèo khó, cơ cực và thiếu sự quan tâm, tình thương trong cuộc sống hôm nay. Chúng ta cùng hát lên lời ca: “Phục vụ là cho không, phục vụ là quên mình. Phục vụ không đòi đền đáp, phục vụ ân nghĩa không chờ. Phục vụ là cho không phục vụ là quên mình. Phục vụ là cho không, phục vụ vì Chúa Ki-tô” (Bài ca phục vụ,