Ngày thứ Bảy tuần thánh, Giáo Hội dừng chân trước mộ Chúa Giêsu để suy niệm về cuộc khổ nạn đau thương của Ngài. Chính vì vậy, Giáo Hội gọi ngày thứ Bảy tuần thánh là ngày thầm lặng.
Theo cái nhìn của loài người thì đây là ngày buồn nhất trong năm. Không khí đượm màu tang tóc. Vì Chúa Giêsu đã chết, được an táng trong mồ. Nhưng như lời Chúa Giêsu đã tiên báo “Sau ba ngày Ngài sẽ sống lại” (x. Mc 8, 31; Mc 9, 31; Mc 10, 33- 34). Vì vậy, Giáo Hội tưởng niệm cái chết của Chúa trong niềm hy vọng phục sinh. Chính đêm nay, niềm hy vọng phục sinh đã bừng lên trong toàn thể Giáo Hội. Đức Kitô đã chiến thắng sự chết. Ngài đã sống lại, đó là niềm vui, niềm hy vọng và là nền tảng niềm tin của tất cả mọi người kitô hữu chúng ta. Bởi vì, Giáo Hội đã được khai sinh từ mầu nhiệm trọng đại này, và đó cũng là đích điểm của mọi người kitô hữu chúng ta. rong phần công bố Tin Mừng Phục sinh, Giáo Hội kêu mời mọi người kitô hữu chúng ta “Hãy vui lên”. Vui lên vì Chúa đã khải hoàn. Vui lên vì Chúa đã chiến thắng thần chết. Vui vì :
Đêm cực thánh khử trừ muôn tội vạ,
đêm vạn năng thanh tẩy hết lỗi lầm,
biến tội nhân thành con người công chính,
đem vui mừng cho hồn nặng sầu thương.
Trong phần phụng vụ Lời Chúa, Giáo Hội cho chúng ta đọc 9 bài sách thánh: 7 bài Cựu Ước, 1 bài Thánh Thư và một bài Tin Mừng. Tất cả các bài đọc hôm nay, giúp chúng ta suy niệm về chương trình ơn cứu độ của Thiên Chúa theo dòng lịch sử từ thời Cựu Ước sang thời Tân Ước. Việc Thiên Chúa yêu thương tạo dựng muôn loài, nhất là tạo dựng con người giống hình ảnh của Ngài (Bài đọc I). Đến việc ông Apraham vâng lệnh Chúa sát tế người con duy nhất của mình là Isaac, chính vì sự vâng phục này mà ông được gọi là “Cha của kẻ tin”. Ông còn được Chúa chúc phúc để trở thành cha của một dân tộc đông đúc như sao trên trời, như cát dưới biển. Việc sát tế này là hình ảnh tiên báo việc sát tế Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa sau này (Bài đọc II).
Rồi đến sự kiện dân Do Thái đi qua biển đỏ khô chân và được bình an. Đó là hình ảnh của cuộc giải thoát mới do công trình cứu độ của Đức Kitô. Đó cũng là cuộc giải thoát dân Do Thái khỏi kiếp nô lệ đến vùng tự do (Bài đọc III). Khi dân Do Thái đang sống trong kiếp lưu đày tại Babilon, vì đã bất trung với Thiên Chúa, nhưng họ đã sám hối nên Chúa lại tha thứ cho họ. Rồi Chúa lấy lòng nhân từ vô biên qui tụ họ lại để họ vui hưởng nền hoà bình lâu dài (Bài đọc IV). Chính tiên tri Isaia đã loan báo một thời thịnh đạt mà Israel sẽ vui hưởng, thời kỳ mà Thiên Chúa sẽ ký kết một giao ước vĩnh cửu với những hồng ân mà Ngài đã hứa với Đavít. Chính điều này sẽ được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô (Bài đọc V).
Nhưng dân Do Thái đã bỏ Chúa đi tôn thờ thần tượng, phạm đủ thứ tội nên họ bị lưu đày. Tiên tri Êzekiel đã chọ họ biết như vậy. Nhưng rồi Chúa sẽ qui tụ họ về, thanh tẩy họ, ban cho họ một quả tim và một thần trí mới để họ thực thi huấn lệnh Ngài (Bài đọc VI).
Bài đọc Thánh Thư dẫn chúng ta vào ý nghĩa của bí tích Rửa Tội. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta đã chịu Phép Rửa Tội, tức là chúng ta cùng chết với tội và chết cho Chúa Kitô để được sống lại với Người (x. Rm 6, 3-11). Đó cũng là mong muốn của Giáo Hội mời gọi mỗi người chúng ta tuyên thệ lại lời hứa khi chịu Phép Rửa Tội trong phần Phụng Vụ Thánh Tẩy. Nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu mà chúng ta được khỏi tội. Cho nên, qua nghi thức này, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta hãy hiên ngang dấn thân theo Chúa và trung thành phụng vụ Người. Hãy chết đi cho tội, cho ích kỷ, cho những gì làm cho chúng ta xa Chúa, để luôn sống xứng đáng thân phận làm con Chúa và Giáo Hội.
Cuối cùng, bài Tin Mừng Thánh Luca tường thuật về sự kiện ngôi mộ trống và việc Chúa Phục Sinh hiện ra với bà Maria Mađalêna. Đây là sự kiện đầu tiên và hết sức quan trọng cho niềm tin Phục Sinh của cộng đoàn Kitô hữu sơ khai và cho mỗi người qua mọi thời đại.
Mừng vọng phục sinh đêm nay, chúng ta cảm tạ tình thương bao la của Chúa. Đồng thời để đáp lại tình thương đó chúng ta quyết tâm sống cho Chúa và chết cho tội, để cùng Người sống lại vinh quang. Xin Thánh Thể Chúa Giêsu mà chúng ta cử hành trong phần cuối cùng của đêm nay luôn đồng hành, dưỡng nuôi tâm hồn chúng ta trên con đường về với Ngài. Amen.