Cộng hoà Venitia lâm chiến với các vương quốc. Xuất thân từ một gia đình quí tộc. Gêrônimô Emilianô nhập ngũ từ hồi niên thiếu. Phục vụ cho quê hương từ hồi 15 tuổi, ngài sống cuộc đời phóng túng trong quân ngũ, cũng như tỏ ra rất can trường.
Vì vậy mà ngài được nắm quyền chỉ huy cứ điểm Castelneve trên núi Trêvis. Pháo đài bị chiếm và Gêrônimô bị bắt tù. Bị xiềng cổ, tay, chân vào một quả cầu bằng thạch cao để hết trốn thoát nổi. Ngài phải nằm bẹp trong nhà giam. Trong cơn thất vọng tột cùng, đức tin thời còn trẻ trung chỗi dậy như một ánh sáng và như lời quở trách … Cuộc đời Kitô hữu tồi tệ vẽ ra trước mắt. Gêrônimô nhận biết mình đã phản nghịch Chúa cách nặng nề.
Ngài tự nghĩ lại mình không đáng chịu nỗi bất hạnh này sao ? Khi ấy với trọn tâm hồn, ngài nguyện cầu Đức Trinh Nữ Maria và khấn hứa nếu được giải thoát ngài sẽ đi chân không tới viếng Đền Đức Bà Trêvisa và lôi kéo khách hành hương tới đó. Và ngài đã được giải thoát cách lạ lùng. Đức Trinh nữ Trêvisa trở thành Bà Chúa của ngài. Trên bàn thờ Đức Mẹ ngài đặt xiềng xích và treo quả thạch cao để phổ biến lòng nhân hậu của mẹ đối với mình.
Trở lại Venitia, Giêrônimô là một anh hùng và được lãnh nhận những vinh dự của quê hương. Nhưng ngài không quên rằng : chính vì một sứ mệnh đối với Tin Mừng mà ngài được gỡ khỏi cảnh tù đày. Hết rồi cuộc sống sáng tươi và phân tán, từ nay ngài sẽ sống đời bác ái cao độ và thành quả của ngài sẽ dẫn về cho Chúa những người nghèo, các em bị bỏ rơi, lang thang, nhơ bẩn, những kẻ không biết rằng mình có linh hồn.
Giêrônimô trở thành cha của chúng. Ngài đi học để chịu chức Linh mục. Năm (1518) 37 tuổi ngài thụ phong Linh mục, hiến mình làm việc bác ái, chia sẻ mọi lợi quyền cho người nghèo khó. Khi nạn đói, ngài bán hết đồ đạc trong gia đình để phân phát cho họ. Ngài thuê nhà để qui tụ các trẻ em không nơi cư ngụ, nuôi dưỡng giáo dục và chuẩn bị cho chúng thành những công nhân Kitô hữu biết hòa trộn kinh nguyện với việc làm, Ngài hướng chúng tới niềm vui tôn giáo. Chẳng hạn vào những ngày lễ, người ta thấy chúng mặc đồ trắng, từng đoàn dắt nhau đi viếng các nhà thờ ở Venitia, và ca hát trên các công trường. Dân chúng mừng rỡ góp phần trợ giúp công cuộc cảm kích này.
Chân phước Gaelan và Phêrô Caraffa, người sẽ trở thành Đức Thánh Cha Phaolô IV đã đến Venitia. Lòng bác ái của Giêrônimô làm cho các ngài thán phục. Vị tông đồ khi đã thiết lập xong công việc bác ái của mình sẽ đi lập nhiều nhà thương và các cô nhi vịên ở những thành phố khác. Nơi nào ngài nghĩ rằng không ai biết mình, thì ngài hoà mình hoàn toàn vào các đám dân nghèo, sống của bố thí như họ, dịu dàng truyền bá Phúc âm cho họ, ngài cũng tìm chỗ nương thân cho các thiếu nữ không nơi nương tựa bị đe dọa thất thân.
Trẻ em cũng trở thành những trợ giúp đáng giá cho ngài. Ngài dạy dỗ chúng và khiến chúng thành giảng viên giáo lý cho các trẻ em khác. Ngài còn săn sóc cho thân thể chúng nữa, lau gội những mái đầu bị trứng tóc như một người mẹ. Người ta cũng thấy ngài gặt lúa với các nông dân, vừa làm vừa nói với họ những truyện trên trời. Rồi thánh nhân lui về một cái hang trong núi nhiều ngày đêm, để thờ lạy Chúa trong việc cầu nguyện, chay tịnh và sám hối.
Một nạn dịch xảy ra tàn phá xứ sở. Giêrônimô Emilianô chạy ngược xuôi săn sóc bệnh nhân, vác người chết đi chôn. Nhiều khía cạnh anh hùng trong đời sống bác ái của thánh nhân đã ảnh hưởng tới hàng giáo sĩ và các giáo dân. Ngài lập một hội dòng để dạy dỗ trẻ em và các linh mục tương lai. Cộng đoàn đầu tiên được Ngài thành lập tại Somasca. Ngài sẽ thiết lập cả trăm học viện, đại học và chủng viện.
Đức Piô XI đã đặt thánh Giêrônimô Emilianô làm thánh bảo trợ các trẻ em bị bỏ rơi.