Dịch viêm phổi Vũ Hán đã lan ra hơn 100 quốc gia và hậu quả gây ra thật nặng nề trên nền kinh tế quốc dân, nhất là trên những người nghèo cùng khổ trong xã hội.
Hàng nghìn doanh nghiệp tan tác
Dịch viêm phổi Vũ Hán mới chỉ diễn ra chưa đầy ba tháng, nhưng nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản hoặc phải ngưng hoạt động do không có nguyên liệu sản xuất vì tất cả nguồn nguyên liệu đều nhập từ Trung quốc. Một khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, trên 1.200 doanh nghiệp, hôm 5/3/2020 công bố nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp cho biết sẽ phá sản mà nguyên nhân là do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng…Theo kết quả khảo sát, những nhóm ngành bị tác động nghiêm trọng và tức thì bởi Covid-19, là du lịch (lưu trú, khách sạn, ăn uống), giáo dục ngoài công lập, dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ… Tuy nhiên những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch viêm phổi Vũ Hán chính là người nghèo.
Làm gì để giúp người nghèo?
Mọi công dân, trong khi chờ đợi nhà nước có những chính sách cụ thể để giúp người nghèo, có thể giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này bằng một cách đơn giản là không mua dự trữ lương thực, thực phẩm, các dụng cụ y tế một cách quá đáng, bởi khi mọi người dân đều đổ xô đi mua lương thực dự trữ, sẽ làm cho các mặt hàng lên giá, và người nghèo sẽ là nạn nhân đầu tiên. Đối với những nhà kinh doanh, không nên lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để nâng giá bán các mặt hàng nhằm trục lợi, vì như thế, không chỉ nhẫn tâm với đồng loại mà còn góp phần làm cho hệ quả của dịch bệnh lan tràn nhiều hơn. Điều quan trọng, chính là sống tình liên đới, sẵn sàng chia sẻ với người nghèo, bởi chỉ có tình thương mới giúp con người hôm nay, có thể vượt qua được mọi thứ dịch bệnh.
Thu Cúc
Nguồn: giadinhdocat.com