Ngày 26/05: Thánh Philipphê Nêri, linh mục

1. ĐÔI HÀNG TIỂU SỬ

Thánh Philipphê Nêri sinh năm 1515 tại Florentia, nước Ý. Tên riêng của ngài hồi còn nhỏ là “bé Phil tốt lành.” Thánh Philipphê Nêri có tính tình vui vẻ và thân thiện đến nỗi ai gặp ngài cũng đều quý mến ngài. Suốt ba năm, Philipphê Nêri nghiên cứu môn thần học và triết học; và ngài đã là một sinh viên xuất sắc. Nhưng đặc biệt Philipphê Nêri là một Kitô hữu năng động. Ngài sống đơn sơ và rất chăm chỉ. Ngài cũng làm nhiều việc tốt cho những người sống xung quanh ngài. Philipphê Nêri giúp đỡ các trẻ em, thăm viếng những người đau yếu bệnh tật, làm bạn với những người cô đơn phiền sầu. Nói tóm lại, vì tình yêu Chúa Giêsu, Philipphê Nêri đã đến với mọi người mỗi khi có thể.

Thánh Philipphê Nêri giúp thiết lập một hội giáo dân chuyên giúp đỡ và chăm lo cho những người hành hương túng nghèo. Hội này vẫn từng bước hoạt động như một bệnh xá danh tiếng tại Rôma. Vị linh mục hướng dẫn ngài nhận thấy rằng Philipphê Nêri đã hy sinh rất nhiều để giúp các Kitô hữu Rôma hâm nóng lại lòng hăng say nhiệt thành. Nhưng phải đợi đến năm ba mươi sáu tuổi, Philipphê Nêri mới có ơn kêu gọi làm linh mục. Sau đó, thánh nhân bắt đầu thi hành thừa tác vụ hết sức cao cả của mình. Mỗi ngày, Philipphê Nêri sẵn lòng dành ra nhiều giờ để ban bí tích Hòa giải. Hối nhân đến xưng tội với ngài ngày một đông hơn. Nhưng cha Philipphê rất bình thản. Ngài chẳng bao giờ đánh mất đi sự nhẫn nại dịu dàng!

Giáo dân dần dần nghiệm thấy rằng đôi lúc cha Philipphê Nêri có thể đọc được tâm hồn của họ. Trong một vài trường hợp, ngài có thể tiên báo tương lai. Thiên Chúa cũng đã dùng cha Philipphê Nêri để làm những công việc lạ lùng. Nhưng trên tất cả, điều mà Philipphê Nêri muốn làm là đem Đức Chúa Giêsu đến cho tha nhân. Để tránh sự ngưỡng mộ của họ, đôi lúc cha Philipphê Nêri đã hành động cách ngớ ngẩn. Thánh nhân muốn được mọi người làm lơ và quên đi việc họ nghĩ ngài thánh thiện.

Dù vậy, trông cha Philipphê Nêri vẫn toát ra một sự khác lạ và nhờ ngài mà cả thành phố Rôma đã sống tốt lành hơn. Có lần thánh Philipphê Nêri đã nghĩ đến chuyện muốn trở nên một nhà thừa sai truyền giáo nơi các miền đất lạ. Thánh nhân bị lôi cuốn mạnh mẽ bởi gương sáng đời sống của thánh Phanxicô Xaviê, người đã mất năm 1552 tại cửa ngõ nước Trung Hoa. Philipphê Nêri chỉ mới làm linh mục được một năm thì thánh Phanxicô qua đời.

Vậy thánh nhân có bỏ Rôma để tình nguyện dấn thân cho những xứ truyền giáo không? Một đan sĩ Xitô thánh thiện đã nói với ngài: “Rôma chính là vùng đất truyền giáo của cha đấy!” Sau đó, cha Philipphê Nêri thấy tâm hồn mình tràn ngập bình an.

Thánh Philipphê Nêri dùng năm năm cuối đời của ngài để ban bí tích Hòa giải cho giáo dân. Thánh nhân về trời năm 1595, hưởng thọ tám mươi tuổi. Đến năm 1622, Đức Thánh cha Grêgôriô XV đã tôn phong Philipphê Nêri lên bậc hiển thánh.

II.CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH.

Con đường nên thánh của thánh Philipphê Nêri là con đường chính Chúa Giêsu đã đi. Đó là con đường sống tốt lành và làm cho những người khác cũng biết sống tốt lành như Chúa.

Chúng ta thấy ngay từ khi còn thơ ấu người ta đã gán cho Philipphê Nêri một danh xưng rất đẹp: “Bé Phil tốt lành

Chúng ta còn nhớ câu chuyện Chúa chữa một người vừa câm vừa điếc ở miền Thập Tỉnh. Sau khi được chứng kiến phép lạ Chúa làm, dân chúng đã phấn khởi và hô lên rằng: “ Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”

Thánh Augustinô sau này cũng khuyên các giáo dân của Ngài: “ Vậy thưa anh em, không những chúng ta phải lo sống tốt lành, mà còn phải lo cư xử tử tế trước mặt người đời nữa”

Như vậy con đường nên thánh không phải là con đường xa lạ khó tìm. Nó là con đường có mặt ngay trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Lịch sử còn ghi: “Nhưng trên tất cả, điều mà Philipphê Nêri muốn làm là đem Đức Chúa Giêsu đến cho mọi người”

Philipphê ý thức thật rõ cuộc sống không có Chúa là cuộc sống như thế nào. Đó là cuộc sống bất hạnh, đầy tội ác

Hôm đó ở Tréblinka, đại tá SS.Wirth chỉ huy trưởng trại giam tù binh của Quốc xã Đức nổi giận vì phòng hơi ngạt lại hỏng vào đúng khi có tin điện: Một chiếc tàu chở người Do Thái từ Varsovie tới, và bất hạnh hơn nữa chính là ngày Himler và Erich đến thanh tra trại.

Không làm sao được hắn phải tập trung tất cả các xe có hơi ngạt, nhưng mỗi lần chỉ được 20 người. Thời gian không cho phép chậm trễ, hắn bắt các nạn nhân giơ tay lên trời để cho có thể nhét thêm người. Vào phút chót, hắn khám phá ra còn hai phần trống giữa các đầu người và trần xe, hắn cho nhét thêm chục đứa trẻ.

Khi xe đã đầy tới mức tối đa, quân Đức đóng cửa lại cho động cơ chạy, chỉ trong khoảng một phút, không khí bên trong đầy Oxyde da carbonne. Khi xe tiến vào Tréblinka để ngừng lại trước các hố đào sẵn, tất cả nạn nhân đều đã chết ngạt. Bấy giờ họ chỉ việc đẩy xác xuống, lục lọi miệng để nhổ răng bạc và vàng, rồi sau đó lấp hố.

Ngược lại khi có Chúa thì tất cả đều tốt đẹp và hoàn toàn hạnh phúc.

Có một người đàn bà đạo đức nọ, trong cơn bệnh thập tử nhất sinh, chỉ có hy vọng duy nhất để cứu sống bà, đó là giải phẫu. Người đàn bà chấp nhận giải phẫu vì hy vọng còn sống cho người con trai của bà. Khi người ta bắt đầu giải phẫu, bà yêu cầu cho con bà được chứng kiến giờ đau khổ của bà. Vào thời mà thuốc tê chưa có, bệnh nhân thường qua những cơn đau khủng khiếp. Mặc dù đau đớn, nhưng người đàn bà vẫn can đảm chịu đựng. Thế nhưng, vào cuối giờ mổ, khi các y sĩ chạm đến gần tim, người đàn bà rùng mình và kêu: “Lạy Chúa”.

Chứng kiến cảnh đau đớn của mẹ, đứa con trai không làm chủ được cảm xúc, đã thốt lên những lời xúc phạm đến Chúa. Lúc đó, người đàn bà nghiêm chỉnh bảo con:

– Hỡi con, hãy im đi. Con đã cho mẹ làm đau đớn hơn các bác sĩ nhiều; con đã làm sỉ nhục Đấng ban sức mạnh và an ủi cho mẹ.

Nói xong, bà mở tay cho mọi người xem một tượng chịu nạn nhỏ bà nắm chặt trong tay suốt giờ mổ, và đó là thuốc tê đã làm dịu cơn đau của bà. Sau mấy tháng quằn quại đau đớn, người đàn bà đã an nghỉ trong Chúa. Trước khi lìa đời, bà trao ảnh chuộc tội cho con trai và căn dặn: – Con hãy giữ lấy ảnh này, vì đó sẽ là niềm an ủi cho con