“Những người mặc áo trắng kia là ai vậy?
Họ từ đâu đến?” (Kh 7,13).
Bạn thân mến,
Thú thật tôi chưa tham gia lễ hội Halloween bao giờ, nên chưa biết nó rùng rợn và thú vị đến mức nào. Nhưng vào những ngày cuối tháng 10, chúng ta dễ bắt gặp những người hóa trang lạ thường, khiếp đảm không chỉ với con nít mà cả với người lớn nữa. Khi thấy những điều ấy, người ta biết ngay chúng xuất phát từ lễ hội hóa trang Halloween.
Điều ngạc nhiên đối với các tín hữu là nguồn gốc của lễ hội này bắt nguồn từ Kitô giáo. Halloween là cách viết khác của cụm từ “All Hallows Eve”, nghĩa là “Lễ Vọng Các Thánh”. Theo đó, người Kitô hữu chuẩn bị tâm hồn hướng lòng mình đến ngày lễ Các Thánh được Giáo Hội cử hành long trọng vào mùng 1 tháng 11, để chung vui với những người đã khuất đang hưởng nhan thánh Chúa. Cả ngày lễ vọng và ngày lễ chính đều được cử hành từ đầu thế kỷ VIII. Hai lễ này được ĐGH Grêgôriô III thiết lập ở Rôma; một thế kỷ sau, ĐGH Grêgôriô IV mở rộng cho cả Giáo Hội.
Là lễ vọng các thánh, dĩ nhiên Giáo Hội không có những nghi thức hóa trang, giả dạng ma quỷ hay rước quỷ ma vào nhà. Đó là những phát sinh xa đà sau này, khi người ta “quên” đi nguồn gốc ban đầu của ngày lễ. Đầu tiên phải kể đến văn hóa của người dân Celtic. Họ là một nhóm đa dạng các bộ lạc, bộ tộc sống vào thời Trung Cổ ở Châu Âu. Sau khi thu hoạch mùa xong, họ thường đốt lửa ăn mừng (như lửa trại vậy) để nhảy múa thâu đêm. Họ thường chạm trổ củ cải đỏ (ngày nay dùng quả bí ngô). Trong ngày lễ này, người ta đi từ nhà này sang nhà khác để ca hát và nhận quà.
Vả lại, quỷ ma hay thế giới huyền bí cũng xuất phát từ thế giới Công giáo. Trong Tin Mừng chúng ta thường nghe Chúa Giêsu bị ma quỷ cám dỗ, Người trừ quỷ và nhất là Người đã chiến thắng thần chết khi Người phục sinh. Cần phải thêm rằng ngày xưa người Công giáo tin rằng vào thời điểm nào đó trong năm, tấm màn ngăn cách thế gian với luyện ngục, thiên đàng, và cả hỏa ngục, trở nên mỏng manh hơn, các linh hồn nơi luyện ngục và ma quỷ có thể được nhìn thấy![1]
Vậy nguồn gốc tốt đẹp như thế tại sao chúng ta lại bài trừ! Thực ra, đó là những cuộc phản đối của những người muốn chống lại Giáo Hội. Vào thời Cải cách ở Anh quốc thế kỷ 17, luật pháp cấm họ cử hành lễ Vọng Các Thánh và cả lễ Giáng Sinh nữa. Cuộc chống đối ấy sớm rơi vào quên lãng và Lễ Vọng Các Thánh – Halloween – tiếp tục được cử hành. Tuy nhiên một vấn đề phát sinh là người ta sáng tạo ra nhiều thứ trong ngày lễ này khiến nó dần mất đi ý nghĩa thánh thiêng.
Trước sự hấp dẫn của ngày lễ này, thị trường thương mại nhảy vào nhằm đáp ứng những nhu cầu hóa trang, thị hiếu của người dân, nhất là của giới trẻ về một thế giới quỷ ma huyền bí. Hơn nữa, có nhiều phim kinh dị, nhất là phim bạo lực hồi thập niên 1970 và 1980, làm cho lễ hội Halloween mang tiếng xấu. Bởi đó người chống Kitô giáo lại có dịp phản đối ngày lễ này vì cho rằng lễ hội Halloween là “đêm của ma quỷ”. Cuối thập niên 1990 (ngày nay cũng vậy), nhiều cha mẹ Công giáo cấm con cái tham gia lễ hội Halloween. Thực ra cha mẹ có lý vì không muốn con cái của họ tiếp xúc với những hóa trang khiếp khủng ấy.
Thực ra lễ hội Halloween dường như cũng chung số phận với lễ hội Giáng sinh khi người ta lạm dụng để thương mại, để vui chơi hơn là chú tâm vào ý nghĩa ban đầu của nó. Thực vậy, thay vì mừng “Bữa Tiệc Lễ Các Thánh”, ngày nay người ta mừng đón ma quỷ ác thần. Thay vì ăn mặc giống các vị thánh, họ hóa trang thành những người kinh dị. Thay vì có những nghi thức giúp người ta hướng đến Thiên Đàng, họ lại tạo ra những thứ liên quan đến Hỏa Ngục, vân vân và vân vân.
Do đó, ngày nay nhiều giáo xứ trở về nguồn của ngày lễ này bằng những lễ hội lành mạnh. Họ hóa trang thành những nhân vật trong Kinh Thánh. Họ hát thánh ca mừng các thánh và họ nhắc nhở nhau về một thế giới vĩnh hằng, Nước Thiên Chúa đang chờ đón họ. Để ngày hôm sau, ai ai cũng thấy được niềm vui của Các Thánh trên Thiên đàng.
Như vậy, chúng ta thấy nhiều người chống đối Halloween vì nó đi quá xa với ý nghĩa ban đầu. Người ta lạm dụng hóa trang kinh tởm, hành động kỳ dị. Trong ý hướng này, chúng ta không nên theo bởi tính bạo lực của nó. Ngược lại, trong ngày lễ Vọng Các Thánh, chúng ta cùng nhau tạo một không gian lành thánh cho các em, cho người trẻ và cộng đoàn. Nơi đó, cũng như đêm vọng Phục Sinh, chúng ta chờ mong mừng ngày Lễ Các Thánh[2]. Ngày đó quan trọng vì chúng ta được chung vui với các thánh là những ông bà tổ tiên của chúng ta được hạnh phúc trong Nước Thiên Đàng.
Chúc các bạn một ngày Halloween lành thánh và vui tươi!
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] Có thể quan niệm này bắt nguồn từ thời Cựu Ước khi họ tin rằng: “Ngươi sẽ mắc bức trướng vào những cái móc. (Xh 36,35–38). Trong sách Khải Huyền, người ta cũng tin có bức màn ấy: “Tôi thấy có cái gì như biển trong vắt pha ánh lửa, và những người thắng Con Thú, tượng của nó và con số tương đương bởi tên nó thì đứng trên biển trong vắt ấy.” (Kh 15,2).
[2] Giáo hội Công giáo Rôma cử hành Lễ Các Thánh và Lễ Các Đẳng Linh hồn vào ngày kế tiếp đó. Bởi theo Màu nhiệm các thánh thông công, Giáo Hội tin rằng có sự cầu nguyện hiệp thông giữa những người đang sống ở trần thế (Giáo hội Chiến đấu) với những người ở trên thiên đàng (Giáo hội Khải hoàn) và những người đang thanh tẩy trong luyện ngục (Giáo hội Đau khổ).
Nguồn: dongten.net