Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ Ma-ri-a 17-6 (Lễ nhớ)

 Bài Tin Mừng: Lc 2,41-51

Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc.  Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.

Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người : “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con !” Người đáp : “Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.

Việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria

Việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ được dựa trên nền tảng Phúc Âm. Trong Tân Ước, sách Tin Mừng theo Thánh Luca có hai lần nhắc đến Trái Tim Mẹ Maria trong đoạn 2 câu19: “Maria ghi nhớ những điều này và suy niệm trong lòng” và “Còn Mẹ Ngài thì ghi nhớ những điều này trong lòng.” (Lc 2, 51). Trong Cựu Ước, trái tim dược xem như biểu tượng thẳm sâu trong tâm lòng con người, là trung tâm của mọi chọn lựa và cam kết. Đối với nhân loại, đó là biểu tượng của tình yêu. Trong sách Đệ Nhị Luật ta đã nghe rằng: “Ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết tâm lòng, hết sức lực và trí khôn ngươi.” (6,5). Khi các biệt phái chất vấn Đức Kitô về giới răn nào trọng nhất, Ngài đã nhắc lại đoạn Kinh Thánh này để trả lời cho họ (Mác-cô 12, 29-33).

Cũng chính Trái Tim Mẹ đã đáp trả bằng tiếng “Xin vâng” với Thiên Chúa. Đó là lời đáp cho sứ thần Truyền Tin. Do sự ưng thuận vì tình yêu, Mẹ Maria trước hết đã cưu mang Đức Giêsu trong trái tim mình và rồi cũng cưu mang trong cung lòng của Mẹ. Đức Kitô, chính Ngài: khi được người phụ nữ trong đám đông ca tụng phúc cho cung lòng người nữ đã sinh thành ra Chúa, thì Ngài đã trả lời: “Ai nghe và giữ Lời Thiên Chúa thì có phúc hơn.” (Lc 11,28). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong thông điệp đầu tiên, Đấng Cứu Chuộc Con Người, đã viết, “Mầu nhiệm của Cứu Độ đã được hình thành trong trái tim của Đức Trinh Nữ Thành Nazaret khi Mẹ thưa lời Xin Vâng.’ (RH #22).

Theo lịch sử, việc tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ được tìm thấy đầu tiên vào thế kỷ 12 với nhiều sử gia như Thánh Anselm (1109) và Thánh Bernard thành Clairvaux (1153) là thánh viết rất tài tình về việc tôn sùng thánh thiện này. Thánh Bernadine thành Siena (1380-1444) đã được gọi là Tiến Sĩ về lòng sùng kính Trái Tim Mẹ vì những trước tác về Trái Tim Mẹ. Ngài viết, “từ trái tim Mẹ, như lò lửa của Tình Yêu Rất Thánh, Đức Trinh Nữ Maria đã nói lên ngôn ngữ tuyệt vời nhất của một tình yêu mãnh liệt.” Thánh John Eudes (1601-1680) qua các bài viết của Ngài đã giúp khơi lại lòng sùng kính này. Đức Thánh Cha Lêô XIII và Piô X gọi ngài là “cha, thầy dạy và là tông đồ phụng vụ lòng sùng mến Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria.” Trước hai thập niên trước khi những phụng vụ vinh danh Trái Tim Rất Thánh Chúa Giêsu, Thánh John Eudes và những người theo ngài đã dành ngày 8 tháng 2 trong khoảng năm 1643 để kính nhớ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Về sau, Đức Piô VII cho mở rộng ngày mừng kính để các giáo xứ hoặc hội đoàn nào muốn tôn sùng thì cũng được phép.

Việc tôn sùng Trái Tim Mẹ Maria có một truyền thống đẹp đẽ hơn nữa qua tấm ảnh đeo của Thánh Catarina Laboure năm 1830 và việc hiện ra của Đức Mẹ tại Fatima. Từ ngày 13 tháng 5 đến 13 tháng 10 năm 1917, Mẹ đã hiện ra với 3 trẻ, Jacinta, Francisco Marto và người chị họ là Luica DosSantos tại Fatima, Bồ Đào Nha. Trong ngày 13 tháng 7, Mẹ đã cho các trẻ này biết rằng” “để cứu những người tôi lỗi, Thiên Chúa đã ước ao thiết lập việc sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ.” Toàn bộ lời nhắn nhủ của Mẹ là một lời cầu nguyện, thống hối và bằng những việc hy sinh, đền bù phạt tạ Thiên Chúa về những xúc phạm đến Ngài.

Vào năm 1942, kỷ niệm 25 năm biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, Đức Thánh Cha Piô XII đã dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Cũng vào năm ấy, ngài đã chọn mừng lễ này vào ngày 22 tháng 8, một tuần sau lễ Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời. Ngày 4 tháng 5 năm 1944, ngài loan báo mở rộng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm cho Giáo Hội hoàn vũ. Với những cải cách về phụng vụ trong Công Đồng Vatican II, lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ được dời về một ngày ngay sau Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, chính là ngày là thứ bảy sau chúa nhật thứ hai sau Lễ Hiện Xuống.

Lời cầu nguyện nhập lễ của phụng vụ trong lễ Trái Tim Vô Nhiễm giúp chúng ta hướng về sứ điệp quan trọng của lễ mà chúng ta mừng kính này: “Lạy Chúa, Chúa đã chuẩn bị trái tim tinh tuyền của Mẹ Maria để trở thành nơi trú ngụ của Chúa Thánh Thần. Xin cho chúng con là dân Chúa tuyển chọn, được trở thành những đền thờ của vinh quang Ngài. Xin Mẹ giúp chúng con, là những người con thiêng liêng của Mẹ, được kết hiệp luôn mãi trong tình thắm thiết với Con của Mẹ và không bao giờ để tội lỗi làm chúng con lìa xa Chúa.”

ƠN CỨU ĐỘ DÀNH CHO MỌI NGƯỜI

Câu nói của Đức Giêsu hôm nay đã làm cho không biết bao nhiêu người sững sờ, chưng hửng:“… nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.

Đây là nỗi băn khoăn, lo lắng, thắc mắc của bao nhiêu người, đặc biệt dân Do Thái thời đó.

Thật vậy: “… những người không do lỗi của mình mà không biết đến Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài, nhưng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và nhờ ơn sủng của Ngài mà hành động để làm trọn thánh ý Ngài theo như lương tâm của họ mặc khải và truyền dạy cho họ, thì những người này có thể đạt tới ơn cứu độ muôn đời” (x. SGLGHCG, số 847; LG, số 16; DS 3866-3872).

Còn: “Những ai đã biết rằng Giáo Hội Công Giáo, được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giêsu-Kitô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không gia nhập hoặc không muốn kiên trì sống trong đó thì không thể được cứu rỗi” (x. LG, số 14; SGLGHCG, số 846).

Như vậy, điều quan trọng là muốn được cứu hay khước từ? Nếu muốn được hưởng ơn cứu độ của Chúa thì:

Trước tiên, “hãy phấn đấu qua cửa hẹp mà vào”. Cửa hẹp là những gian nan thử thách, dù gặp khổ cực đến đâu phải biết quyết tâm sống theo lời Chúa dạy. Phải chịu rèn luyện mới được gặt hái những hoa trái; phải “có công mài sắt mới có ngày nên kim”; phải chịu: “lửa thử vàng, gian nan thử đức”.

Thứ hai, hãy vào cho kịp thời: “Một khi chủ đã đứng dậy và khóa cửa lại mà anh còn đứng ngoài… thì chỉ còn ở đó, khóc lóc nghiến răng thôi”. Nước trời không dành cho những người khô khan lười biếng, thờ ơ, chểnh mảng, say sưa, ăn chơi, gian ác vì nước đến chân nhảy không kịp nữa. Chúa sẽ bảo: “Hỡi quân gian ác, đi cho khuất mắt Ta”.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết làm theo ý Chúa muốn để được vào Nước Trời, chính là vào qua cửa hẹp và vào kịp thời để không bị loại ra ngoài. Amen.

ĐỒNG CẢM VỚI TRÁI TIM CHÚA

Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con !” (Lc 2,48)

Thảm họa chìm phà Sewol ở Jindo, Hàn Quốc ngày 16/4 đã cướp đi sinh mạng của hơn 400 hành khách trong đó có 324 học sinh trung học. Thân nhân, trong đó rất nhiều bà mẹ, đau đớn than khóc vì mất con; họ chỉ con mong tìm lại được thân xác con mình đang chìm trong làn nước giá lạnh. Đức Ma-ri-a cũng thổn thức trái tim của người mẹ “cực lòng đi tìm” con yêu dấu bị lạc mất. Đức Ma-ri-a chưa kịp bày tỏ niềm vui khi tìm lại được con thì Đức Giê-su lại hé mở cho Mẹ thấy việc “lạc mất con” còn mang một ý nghĩa thiêng liêng mầu nhiệm: con phải làm tròn việc “bổn phận trong nhà Cha con”. Mẹ được chuẩn bị để đón nhận việc “lạc mất con”lớn hơn trong cuộc Thương Khó của Đức Giê-su. Trong lần này, trái tim Mẹ đã đồng cảm với trái tim Chúa Giê-su để cùng với Con mình làm tròn việc bổn phận Chúa Cha trao phó là cứu chuộc toàn thể nhân loại

Hôm qua, Giáo Hội mời gọi chúng ta kính Thánh Tâm Chúa Giêsu để chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại chúng ta. Hôm nay, Giáo Hội muốn chúng ta hướng về trái tim vô nhiễm của Đức Maria, một trái tim của một thụ tạo luôn hướng về Thiên Chúa và sẵn sàng cho mọi ý định của Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã chọn Mẹ Maria để cưu mang Đấng Cứu Thế, để cộng tác cho công trình cứu chuộc của Người. Công trình này xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa. Đức Maria đã cộng tác với Thiên Chúa để mang tình yêu của Người cho nhân loại.

Maria được như thế chắc chắn là do tình thương của Thiên Chúa dành cho Mẹ. Nhưng tình thương đó của Thiên Chúa cũng đòi hỏi sự đáp trả của con người. Mẹ Maria đã sẵn sàng xin vâng dù đôi lúc Mẹ cũng chẳng hiểu rõ ý Chúa. Luôn sống trong thái độ xin vâng và luôn suy đi nghĩ lại những gì Chúa phán để càng hiểu rõ hơn ý Chúa. Nhờ thế, mà Mẹ Maria luôn sống đẹp lòng Chúa.

Chúa cũng mời gọi sự cộng tác của mỗi người chúng ta. Mỗi người đều có một vai trò và vị trí đặc biệt trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Điều Thiên Chúa cần nơi mỗi người chúng ta là noi gương Mẹ Maria, luôn sẵn sàng vâng phục thánh ý của Chúa.

Cần phải cầu nguyện nhiều để mỗi ngày chúng ta nhận ra thánh ý của Chúa.

Cần phải quyết tâm và tấm lòng khiêm tốn như Mẹ Maria để chúng ta sẵn sàng vâng theo ý của Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết cộng tác với kế hoạch Chúa trong khả năng, địa vị và hoàn cảnh của con.

Xin Mẹ Maria dạy con luôn biết thưa “xin vâng” với Chúa như Mẹ.

***

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con xin được tôn kính và thờ lạy Chúa là Thiên Chúa uy nghi cao cả. Vì yêu thương chúng con nên đã xoá mình để trở nên tấm bánh đơn sơ tặng ban cho chúng con. Xin cho chúng con được rước Chúa với lòng yêu mến và biết ơn. Xin Chúa Giê-su Thánh Thể cũng khơi dạy nơi chúng con tình yêu hiến dâng để phục vụ tha nhân trong tinh thần hy sinh quảng đại.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa là Thiên Chúa đầy yêu thương. Chúa yêu thương nhân loại chúng con mà không phân biệt màu da sắc tộc, tôn giáo hay không tôn giáo. Chúa luôn nhìn đến con người đang cần giúp đỡ. Chúa không xét lý lịch. Chúa không phân loại sang hay hèn. Chúa thi ân giáng phúc cho hết thảy mọi người.

Nhưng Chúa ơi, ở đời chúng con lại quá ích kỷ và cục bộ. Chúng con chia nhóm. Chúng con phân loại để đối xử. Chúng con thiếu tình yêu vô vị lợi. Thế nên, ở đời vẫn còn đó những kiểu lợi dụng lẫn nhau. Ở đời vẫn còn đó cái đắng cay của sự lừa dối, của ích kỷ và thiếu lòng bác ái bao dung. Xin tha thứ và giúp chúng con canh tân sửa đổi. Xin Chúa uốn lòng chúng con nên giống trái tim tình yêu của Chúa. Amen.