Lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Kitô

Tôi luôn nhớ kỷ niệm được rước lễ lần đầu trong ngày lễ trọng kính Mình và Máu Chúa Ki-tô. Ngày nay, hầu hết các họ đạo cũng tổ chức cho các em lễ rước lễ lần đầu trong ngày lễ trọng đại này. Tại sao các nhà thờ thường cho các em rước lễ lần đầu trong ngày lễ Mình và Máu Chúa Kitô? Bởi vì nó rất có ý nghĩa đối với chúng ta và nó cũng có ý nghĩa qua phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Chúa Giêsu yêu thương chúng ta nên Người đã lập Bí tích Thánh Thể cho chúng ta và qua Bí Tích Thánh Thể, Người ở cùng chúng ta luôn mãi. Bí tích Thánh Thể có bao nhiêu nghĩa? Theo Giám mục Terrassa có nhiều ý nghĩa và theo tôi, có một số ý nghĩa chính sau:

Trước hết, Bí tích Thánh Thể là tình yêu.

Thật vậy, Thiên Chúa yêu thương chúng ta rất nhiều, Ngài sai người con duy nhất đến trần gian để cứu độ chúng ta “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai  ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51).

Tiếp đến, Bí tích Thánh Thể là hy sinh.

 Thật thế, Chúa Kitô hy sinh Mình và Máu châu báu của Ngài đã đổ ra cho tất cả chúng ta. Điều này đã được minh chứng trong Bữa ăn tiệc ly và trong suốt dòng lịch sử, nó sẽ được lặp lại mỗi khi chúng ta cử hành Bí tích này. Qua Bí tích Thánh Thể, chúng ta được nuôi dưỡng, trao ban sự sống  và sức mạnh cho mỗi Ki-tô hữu trên con đường về với Chúa Cha.

Hơn nữa, Bí tích Thánh Thể là mầu nhiệm đức tin.

Đây là Bí tích trung tâm của Giáo hội và là chìa khóa của đời sống Ki-tô hữu. Nó là nguồn và cội rễ sâu xa của sự tồn tại các Kitô hữu. Không có sự hiện diện Thánh Thể, đức tin Ki-tô giáo sẽ bị mai một.

Ngoài ra, Bí tích Thánh Thể là sự hiệp thông.

Sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người; giữa con người với con người, như trong lời cầu kinh nguyện Thánh Thể II “Xin cho tất cả chúng ta, cùng được chia sẻ trong Mình và Máu của Chúa Kitô và được hiệp thông với Chúa Thánh Thần”. Hơn nữa, khi Chúa Giêsu rao giảng, Ngài nói: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56).

Kế tiếp, Bí tích Thánh Thể là sự chia sẻ:

Chúa Giêsu chia sẻ mọi sự của Ngài cho chúng ta, đến giọt nước cuối cùng, khi Ngài bị treo trên thập giá. Vì vậy, qua Chúa Giêsu, chúng ta kết hợp với Cha luôn mãi như Chúa Giêsu nói: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết”  (Ga 6,54).

Cuối cùng, Bí tích Thánh Thể là sự hiện diện của Chúa Kitô giữa chúng ta – Christus Vivit.

Chúa Kitô phục sinh và vinh quang của Ngài luôn ở cùng chúng ta một cách bí ẩn nhưng có thật, trong Bí tích Thánh Thể. Sự hiện diện của Chúa giúp chúng ta có tâm tình thờ phượng và hiệp thông đặc biệt với Ngài. Sự hiện diện của Bí tích Thánh Thể là bảo chứng giúp chúng ta tin rằng Ngài luôn ở với chúng ta và đang thực hiện chương trình cứu rỗi cho chúng ta “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”  (Mt 28, 20).

Thiên Chúa yêu chúng ta và sẽ ở cùng chúng ta luôn mãi, đáp lại chúng ta nên yêu mến Chúa và ở lại trong Chúa như thánh Phaolô đã nói “Tôi sống, nhưng không phải là tôi mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Xin cho Mình và Máu Chúa Kitô ở cùng chúng ta luôn mãi và ban phúc lành cho tất cả, để chúng ta được bình an và cảm nhận hạnh phúc trong cuộc sống, không chỉ hiện tại mà còn mãi tương lai. Amen. 

Lm. Biển Xanh