Lễ Lá: “Chúa Giê-Su Vào Thành Thánh Thời Dịch Bệnh”.

“Tôi là vua, nhưng nước tôi không thuộc về thế gian này …” (Ga 18, 36)

Anh Chị và các bạn thân mến,

Chúa nhật Lễ Lá hôm nay, chúng ta bắt đầu bước vào tuần Thánh là tuần lễ quan trọng bậc nhất của năm Phụng Vụ Ki-tô giáo. Trong bối cảnh thế giới đang  phải đương đầu với Virut Vũ Hán, lệnh giới nghiêm được các quốc gia sử dụng như phương cách để hạn chế sự lây nhiễm của virut này. Cùng với hiện tình xã hội, Giáo Hội cũng đang hạn chế sự tập hợp của cộng đồng dân Chúa tại Nhà thờ, thay vào đó là cử hành những nghi thức thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

Đây là những hình ảnh mang tính thời đại, vì gợi cho chúng ta những suy tư rất thiết thực trong bối cảnh đặc biệt này. Có lẽ hơn bao giờ hết, Giáo hội khắp nơi trên toàn thế giới đang nghĩ ra những phương thức mục vụ cho tín hữu: “Thánh lễ Online”, “Thánh lễ qua loa phóng thanh”, “Phép lành Thánh thể từ nóc nhà thờ hay từ máy bay”, … Đây có lẽ là những sáng kiến đặc biệt để giúp cho những bệnh nhân hoặc những người đang cách ly cảm nhận được sự đồng hành của Giáo hội.

Lễ Lá hôm nay, thật tiện để chúng ta suy niệm về hình ảnh Chúa Giê-su tiến vào thành thánh trong bối cảnh dịch bệnh, tôi mạn phép đặt cho bài suy niệm này một chủ đề mang tính thời đại: “Chúa Giê-su vào thành thánh thời dịch bệnh”.

Nếu vào mỗi Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta tham dự phụng vụ với những cành lá trên tay để tưởng niệm cuộc vào thành Giê-ru-sa-lem long trọng của Chúa Giê-su trước khi Người chịu khổ hình và chết. Đó là hình ảnh cho ta thấy Chúa biết giờ của Ngài đã đến, Ngài biết mình phải làm gì và Ngài tự nguyện bước vào sự chết để sinh ơn cứu độ cho nhân loại. Hình ảnh này gợi cho ta hình ảnh của hạt lúa mỳ đã gieo vào lòng đất và chết đi để sinh nhiều hoa trái. Trong bối cảnh hiện nay, Giáo hội cũng đang theo Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem. Thành Thánh ngày hôm nay là bệnh viện, là đường phố là những nơi người dân đang tuyệt vọng trước dịch bệnh. Giáo hội sẵn sàng bước vào để đem niềm hi vọng và sự an ủi cho bệnh nhân. Ngày hôm nay chúng ta bắt gặp hình ảnh của những linh mục hi sinh hết mình để chiên được sống. Họ là hình ảnh của một Giáo hội năng động không thụ động, một Giáo hội muốn được chết vì Đức Ki-tô hơn là sống an toàn, một Giáo hội mà như Đức Thánh Cha nói “bị bầm dập, tổn thương và dơ bẩn hơn là đóng khung trong một hàng rào an toàn…” (Tông huấn Evangelii Gaudium).

Giáo Hội ngày hôm nay đang theo sát Đức Ki-tô vào thành Thánh để sẵng sàng bước vào cuộc khổ nạn, thì chính chúng ta, những chi thể sống động của Giáo Hội cũng không thể làm ngơ. Chúng ta được mời gọi dùng lời cầu nguyện, sự hi sinh và chay tịnh để cùng Chúa Giê-su bước vào cuộc khổ nạn, nhờ đó chúng ta cùng Giáo Hội chiến đấu với cơn đại dịch Vũ Hán hôm nay.

Nếu chúng ta thường xuyên theo dõi các kênh thông tin đại chúng, những tin tức về các nguyên thủ quốc gia bị nhiễm Virut Vũ Hán đã không còn xa lạ. Trong cuộc chiến này, Vi-rut Vũ Hán không trừ một ai, kể cả thái tử hoàng gia cho đến thủ tướng và các bộ trưởng, các Hồng y, Giám mục, Linh mục cũng không loại trừ, … Đây là lúc mà con người cảm thấy yếu đuối và chơi vơi, họ nhận ra mình chỉ là bọt biển giữa đại dương vô tận. Họ tìm về Thiên Chúa, tìm lại Đức tin đã đánh mất, họ nhận ra một chân lý bất diệt: “ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian” (TV 118). Đây là những điểm chính để chúng ta khảng định ý nghĩa thứ 2 mà Chúa Nhật Lễ Lá hướng đến, đó là nhắc nhớ chúng ta tôn kính Chúa Ki-tô là Vua. Cần phải nhắc nhớ vì con người thường cố tình lãng quên, họ quen với hình ảnh ông Giê-su trần truồng, dập nát trên Thánh Giá. Nhưng sự trần truồng, sự dập nát đó diễn tả hình ảnh của Vua Giê-su. Ngài dùng Thánh Giá để khai mở vương quốc mới, vương quốc của sự thật và sự sống, của tình yêu và bình an như chính Người đã khẳng định trước quan Phi-la-tô: “Tôi sinh ra và đến trong thế gian này để làm chứng cho sự thật” (Ga 18, 37). Để vào vương quốc đó thì khổ đau, bất hạnh và thánh giá là những sự thử thách của lòng người. Và chỉ qua đó, chúng ta mới đến được vinh quang của vương quốc Vua Giê-su. Không một ai, không một quyền lực nào, không hình thái xã hội nào cho chúng ta đủ bình an, vậy trong cơn dịch bệnh này, chúng ta hãy kêu cầu lên Vua Giê-su để xin Ngài ban cho chúng ta bình an trong tâm hồn trước những nghịch cảnh thương đau này. Vì vậy Chúa Nhật Lễ Lá thời dịch bệnh hôm nay, chúng ta có cơ hội để tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào Đức Giê-su, là Vua các vua, là Vua của đất trời vạn vật và là Vua của mọi cõi lòng.

Chúa Nhật Lễ Lá khởi đầu cho hành trình bước vào đau khổ, là dịp nhắc cho chúng ta biết sống trên đời là đối đầu với đau khổ. Là khởi đầu của tuần Thánh, Lễ Lá đưa chúng ta vào hành trình đau khổ và chứng kiến cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su. Ý nghĩa này của Lễ Lá là lời khích lệ và động viên cho các các bệnh nhân, các y bác sĩ, các nguyên thủ quốc gia hiểu được tình trạng hiện nay của thế giới giống như tình trạng của Chúa Giê-su trong cuộc khổ nạn. Lễ Lá hôm nay làm tương đồng hình ảnh của thế giới với hình ảnh của Đấng Cứu Thế, để nhắc nhớ mỗi người chúng ta phải bằng lòng chấp nhận vác thập giá đời mình mà theo chân Chúa Giê-su lên Can-vê. Chúng ta đang được mời gọi chia sẻ gánh nặng với Chúa Giê-su để chính Chúa cũng san sẻ gánh nặng mà thế giới đang gặp phải. Nhưng với trọn niềm tin, chúng ta không vác thánh giá trong than vãn và khóc lóc, nhưng chúng ta vác trong hy vọng. Vì đã vác Thánh Giá theo Chúa, thì không có gì quan trọng hơn là từ bỏ những hy vọng riêng để đặt trọn niềm hy vọng vào sự phục sinh của Chúa.

Ý nghĩa của Lễ Lá là những nghịch lý trong suy nghĩ của con người. Nhưng từ những nghịch lý đó, Chúa Giê-su vẫn đang tiếp tục tiến vào Giê-ru-sa-lem, tiếp tục tiến vào giữa dịch bệnh, đói nghèo, chiến tranh, và tiếp tục tiến vào giữa cuộc đời ta… Để chính Người xoa dịu, cứu chữa, nâng đỡ và an ủi những đau khổ về thể xác cũng như tinh thần của những ai tin tưởng chạy đến với Người. Chúa Giê-su là niềm hi vọng của nhân loại, là Đấng đã gánh hết tội, Ngài cũng là Đấng gánh lấy mọi đau khổ của con người và mời gọi con người nghỉ ngơi bồi dưỡng khi mang lấy ách của Ngài.

Chúng ta xin Chúa cho thế giới được hòa bình, dịch bệnh được đẩy lui và tình bác ái trở thành sợi dây nối kết của các quốc gia, các dân tộc. Xin cho chúng ta được hòa mình vào bình an trong vương quốc của Chúa. Amen.

Suy tư Lễ Lá trong biến cố đại dịch Virut Vũ Hán

04/04/2020 

Ioannis Baptistae