Làm thế nào để nghe tiếng Chúa khi (bạn nghĩ) Ngài thinh lặng ?

Dường như có một mẫu sẵn về cách thức Thiên Chúa nói với chúng ta. Đôi khi, chúng ta nghĩ về cuộc hoán cải của Sa-un (tên cũ của thánh Phao-lô), người đã nghe tiếng Thiên Chúa qua những đám mây: “Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” Có những lúc chúng ta chờ đợi và muốn nghe tiếng của Ngài khi chúng ta cảm thấy bối rối và cần câu trả lời. Ngày nay, tôi không nghĩ rằng sẽ không thể nghe tiếng Chúa theo nghĩa đen. Tôi biết nhiều người nói rằng họ đã nghe tiếng Chúa và mô tả cách thức họ đã nghe như thế nào.

 

Tuy vậy, sẽ rất nguy hiểm, nếu chúng ta bị cuốn vào những ý tưởng đó mà chính chúng ta không nghe thấy tiếng Thiên Chúa xung quanh chúng ta. Thực vậy, chúng ta thường chờ đợi những khoảnh khắc ‘ngoại thường’ mà chúng ta bỏ lỡ những cách thức mà Thiên Chúa đang nói với chúng ta.

 

Chúng ta có thể làm gì để khắc phục những lúc như vậy? Trước hết, chúng ta nên biết rằng việc học cách nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa không phải là chuyện một sớm một chiều, nhất là khi chúng ta đã bị định hình bởi một ý tưởng nào đó trong một thời gian dài. Thứ đến, ngay cả khi chúng ta học cách nghe Ngài nói với chúng ta, thì chúng ta vẫn bị lôi cuốn vào những chuyện thường ngày mà có thể dễ dàng bỏ lỡ tiếng Chúa. Chúng ta cần phải dành thời gian và phải có một trái tim quảng đại và tâm trí rộng mở mới có thể nghe được lời Ngài.

 

Sau đây là 5 cách mà chúng ta có thể nghe thấy tiếng nói của Thiên Chúa.

 

  1. Một trực giác:

    Chúng ta thi thoảng cũng có một “cảm giác” phải làm gì đó mà chúng ta không biết tại sao. Cảm giác ấy có thể là phải rời xa ai hay một tình huống nào đó, phải cầu nguyện cho ai đó, hoặc cảm thấy một điều gì đó sắp xảy ra và bạn cần sự trợ giúp của người khác. Một trong những kinh nghiệm về trực giác gần đây nhất của tôi là khoảng bốn tháng trước. Tôi đã có mặt tại một hội nghị và có cơ hội tuyệt vời để gặp Hallie Lord và nhận được cuốn sách đã được cô ấy ký tên: “Phía sau sự sợ hãi: Cách Tôi Tìm Thấy Bình An”. Trong khi xếp hàng, tôi cảm thấy cần phải gửi một bản sao cho người bạn linh mục của tôi. Tôi không hiểu tại sao, nhưng tôi chỉ biết là phải làm điều ấy. Vào sáng thứ Hai sau đó, tôi đã đi đến cửa hàng chuyển phát nhanh và gửi nó cho cha bạn, cuốn sách được ký bởi Hallie và với một lưu ý giải thích lý do tại sao tôi đã gửi nó cho cha. Khoảng một tuần sau, tôi nhận lại được một tin nhắn từ cha với nội dung: linh tính của tôi rất đúng và cha ấy đã tìm thấy một cuốn sách chứa đầy sự khôn ngoan. Khoảnh khắc đó làm tôi xác tín rằng Thiên Chúa thực sự nói với chúng ta qua “trực giác”.  Hãy lắng nghe nó, theo dõi nó, vì chính Thiên Chúa đang nói với chúng ta.

  2. Âm thanh của thế giới xung quanh chúng ta:

    Đôi khi, chúng ta không thấy Thiên Chúa đáp lời, vì đã có những lần chúng ta không cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta ước ao có được “cảm nghiệm trọn vẹn” về Thiên Chúa sau khi lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, hoặc gặp gỡ Ngài khi xưng tội. Nhưng chúng ta lại không có được những cảm giác ấm áp, yêu thương, vui tươi và yên bình trong tâm hồn mình. Nếu bạn gặp giằng có như thế, bạn hãy thử nhìn ngắm thế giới xung quanh bạn. Chắc chắn, có rất nhiều điều trong thế giới này chưa được đẹp. Nhưng cũng có rất nhiều điều tuyệt vời là một phần công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Đó là cầu vồng trên bầu trời sau cơn bão, âm thanh của tiếng chim hót líu lo, một đứa trẻ cười, sóng biển vỗ bờ, và mặt trời chiếu sáng trên chúng ta, giúp chúng ta có ánh sáng và có cuộc sống tốt đẹp. Hãy nhìn vào tất cả những điều đẹp ấy và nhớ rằng Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa. Thậm chí chỉ cần học biết cách thức thế giới hoạt động như thế nào, một hệ thống hoạt động phức tạp có thể minh chứng cho sự vĩ đại của Thiên Chúa. Khi nhìn thấy những gì chúng ta có thể làm, chúng ta mới chỉ bắt đầu hiểu hơn Thiên Chúa thực sự là ai.

 

  1. Hành động giữa người khác:

    Trong tác phẩm Những Người Cùng Khổ, Victor Hugo viết rằng: “Yêu người khác là phải nhìn thấy khuôn mặt của Thiên Chúa” và khi chúng ta nhìn mọi người với lòng yêu thương, và sống tử tế với người khác, chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa tỏ lộ nơi người ấy. Thiên Chúa là tình yêu, cho nên tất cả mọi hành động yêu thương thực sự phản chiếu hình ảnh Thiên Chúa. Ngay cả khi một người nào đó thực hiện những hành động yêu thương mà chưa nhận ra Thiên Chúa, thì tôi cũng chẳng nghi ngờ rằng Thiên Chúa đang làm việc thông qua người đó.

 

  1. Cầu nguyện:

    Liệu đây có phải là một gợi ý đúng đắn hay không? Nhưng hãy nghĩ về điều này… làm thế nào có động lực để cầu nguyện khi chúng ta không cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa? Đôi khi chúng ta cảm thấy như chúng ta đang rơi xuống tận đáy vực thẳm của công việc. Nhưng còn hơn như thế…vào một ngày khác, liệu chúng ta chỉ cảm thấy thường thường thôi chăng? Không phải lúc nào chúng ta cũng cầu nguyện, nhưng hãy nhớ: đôi khi Thiên Chúa chỉ chờ chúng ta hướng lòng lên Ngài để Ngài có thể nói chuyện với chúng ta. Hoặc, có lẽ chúng ta cần thử áp dụng một cách thức cầu nguyện cụ thể: lắng nghe nhiều hơn là nói. Cầu nguyện là một cuộc trò chuyện với Thiên Chúa, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta luôn là những người nói thao thao bất tuyệt. Thực vậy, làm thế nào chúng ta có thể nghe tiếng Chúa khi chúng ta không cho Ngài cơ hội để nói chuyện? Điều này không có nghĩa là chúng ta KHÔNG BAO GIỜ nên nói với Thiên Chúa những gì chúng ta đang trải qua. Chúng ta nên thân thưa với Ngài, và Thiên Chúa cũng muốn chúng ta làm như vậy. Tuy nhiên, Ngài cũng muốn chúng ta hướng lòng lên Ngài, vì có thể chúng ta chỉ nghe thấy tiếng Ngài trong sự thinh lặng của tâm hồn. Ngoài ra, chúng ta cũng nên viếng Thánh Thể. Hãy ở cùng Ngài trong sự hiện diện đích thực của Ngài. Còn điều gì tuyệt hơn những giây phút đó?!

 

  1. Kinh Thánh:

    Một trong những cách cầu nguyện yêu thích của tôi là Lectio Divina. Về cơ bản, đó là cách đọc cẩn thận bản văn Kinh Thánh, hiểu bản văn, suy gẫm ý nghĩa bản văn, và cầu nguyện với bản văn. Hãy để tôi nói cho bạn cách cầu nguyện này tuyệt vời như thế nào! Ngay cả khi bạn đã đọc cùng một đoạn 20 lần, Thiên Chúa vẫn có khả năng chỉ ra điều gì đó cho bạn mà bạn chưa từng nhận ra trước đây. Sau hết, bạn nên đọc Lời Chúa, đọc ngay cả khi đó không phải là Chúa Nhật và để cho Ngài nói chuyện với bạn. Hãy nhớ … có thể không phải là Ngài im lặng … nhưng có thể là chúng ta không lắng nghe.

 

Pr. Nguyễn Văn Đương, S.J. 
(dongten.net 05.08.2018/ catholic-link.org)