Việc cầu nguyện cho những người đã qua đời có nguồn gốc từ Cựu Ước: “Ông Giuđa quyên được khoảng 2000 quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức, thì đây quả là một ý nghĩ đạo đức và thánh thiện. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Mcb 12,43-46).
Giáo hội từ những thế kỷ đầu cũng đã cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Thánh Augustinô (354-430) đã nói: “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ”. Sau đó, Thánh Odilo (962-1048), Viện phụ Đan viện Cluny (đan viện này thời đó nằm trong phần đất của đế quốc Đức) đã có sáng kiến tổ chức lễ Cầu hồn vào ngày 02/11 và trước hết cử hành trong Đan viện Cluny của ngài vào năm 998 (có sách nói 1030). Về sau lễ Cầu hồn đã được truyền sang nước Pháp; và tới giữa thế kỷ X, Đức Giáo hoàng Gioan XIV đã lập lễ Cầu hồn trong Giáo hội Rôma.
Đức Giáo hoàng Bênêđictô XV cho phép mọi linh mục được dâng 3 thánh lễ trong ngày này:
* Một cho các linh hồn mồ côi
* Một theo ý chỉ của Đức Giáo Hoàng
* Một theo ý chỉ của chính linh mục
Các linh hồn ở trong luyện ngục là ở trong tình trạng vui trong niềm hy vọng. Vui vì họ biết mình vẫn còn trong tình trạng ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, nhất là họ biết rằng họ sẽ được đảm bảo sự sống thiên đàng bên Chúa và các thánh của Người. Một niềm hy vọng rất thực tế và họ biết chắc là sẽ đạt được. Đây coi như là một giai đoạn chuẩn bị sau cùng để họ được vào cõi sống đời đời. Thử hỏi bạn rằng, khi bạn biết chắc chắn ngày mai bạn sẽ trúng số, tâm trạng của bạn sẽ như thế nào? Câu trả lời nằm trong tim của bạn. Có phải bạn sẽ rất vui không? Mà ở đây chắc chắn họ sẽ còn vui hơn trúng số nữa vì được hưởng cả một gia tài của sự sống bất diệt bên Đấng họ hằng khát khao và mong mỏi, mà điều cao quý nhất đó là chiếm hữu được chính Chúa – là nguồn sống thật. Chính vì thế, dù có phải trải qua lửa luyện tội đau đớn họ vẫn không hề bi quan nhưng luôn tràn đầy niềm lạc quan và hy vọng.
Sở dĩ chúng ta cần cầu nguyện cho họ là vì các linh hồn mất khả năng tự lập công cho mình nhưng chỉ nhờ công đức của chúng ta cầu thay nguyện giúp cho các ngài. Vả lại, việc cầu nguyện cho các ngài cũng là bổn phận của mỗi người chúng ta – những người đang sống. Vì chúng ta cùng sống trong mầu nhiệm các thánh thông công. Chúng ta là các chi thể của nhau trong cùng nột “thân thể duy nhất”, nên chúng ta không thể nào làm ngơ giả điếc khi có một chi thể bị đau đớn.
“Lạy Chúa, Con Một Chúa từ cõi chết sống lại đã tăng cường niềm tin của chúng con. Giờ đây, xin Chúa thương nhận lời chúng con khẩn nguyện mà làm cho lòng chúng con luôn trông vậy vững vàng: chính Ðức Giêsu sẽ cho các tín hữu đã lìa cõi thế được phục sinh vinh hiển.” (Lời nguyện nhập lễ – Lễ II cầu cho các tín hữu đã qua đời)