Đôi lúc, tự ngẫm thấy bản thân vô cùng may mắn. May mắn vì nhiều điều, nhưng hơn hết đó là hành trình tên “hạ xanh” ở một vùng đất đầy nắng, lắm gió, nhiều mưa Cà Mau. Có lúc, mình nghĩ sẽ đơn độc thôi, nhưng trên chuyến đi đó, mình cũng vô tình bắt gặp những con người cũng muốn “về nhà” như mình.
Đường về nhà – về lại họ đạo nơi tụi mình dạy học ở đó. Việc làm chính của mình tại vùng đất này là làm thầy cô giáo dạy học cho những cô bé, cậu bé ở đây. Thật lòng mà nói, ngay từ đầu đến lớp, mình cảm thấy ngại với kiểu xưng hô này, vì những đứa học trò mình dạy, có đứa nhỏ thật, có đứa hơn tuổi em gái mình, mà cả đám cứ thầy cô ríu tít, nên riết cũng quen. Mới ngày đầu tiên đã có mấy bé lên nhà thờ nghe ngóng tình hình rồi, còn tụi mình thì có chút ngại ngùng sao ấy, cứ ở mãi trong phòng. Ló mặt ra thì đã có bé lớp 6 rủ mấy cô ra chơi nhảy dây. Tụi nó có nhiều kiểu nhảy vui lắm, mình gọi là nhảy “ Xe Đạp” nó lại gọi là kiểu “ Hoa sen Đà Lạt”, cũng ngộ ngộ, mà thôi chơi đã rồi tính.
Lớp học đầu tiên mình đứng là lớp 7, phải nói đây là cái lớp showbiz nhất trong những lớp mình dạy. Chúng nó học môn tiếng anh của mình, ngày đầu nó đón mình bằng những ánh mắt xa lạ, có đứa còn chẳng buồn chào khi mình vô lớp, mình chỉ vội nhớ tên thằng nhóc phá nhất lớp “ Thằng Bình” , và cô bé trầm tư nhất lớp “ Bé Thư” . Sau này, chúng nó quậy quá, bản thân mình thì sau buổi sinh hoạt tuần 2 cũng không nói được, thế là mình hù chúng nó từ nay mình không dạy nữa, đi về Sài Gòn luôn. Hôm sau, mình cũng chủ động lơ tụi nó, tụi thằng Bình thấy cứ gọi cô ơi, cô hỡi. Nghĩ bụng thương lắm, nhưng thôi cho chừa cái tội phá.
Đường về nhà – về nơi có người chủ nhà gọi là Cha, tụi nhỏ ở đây nó toàn gọi bằng Ông Cố. Ngày đầu tụi mình còn cảm giác xa lạ lắm, đi đâu cũng khép nép, gặp Cha cứ né né. Dần đà cũng quen, trong các bữa ăn, toàn Cha pha trò cho tụi mình cười, toàn là những người bạn của Cha nấu cho tụi mình những món ăn mà trên đời trời đất chưa bao giờ nếm thử, Cha cũng là người gắn ghép cho mấy anh trong nhà với mấy cô gái xứ đó, tiếc sao chẳng thành. Có những tối tụi mình mở nhạc ầm ầm, chơi bời la hét, Cha biết nhưng hôm sau Cha cũng chỉ cười chứ không nói gì. Những lần tụi mình tắm sông, Cha cũng ra xem rồi bảo bắt chuồn chuồn cắn rốn đi, sẽ biết bơi. Cha tạo cho tụi mình quyết tâm tập bơi dữ lắm, nhưng đến lúc về chỉ lủm chủm vài nhịp rồi chìm. Ngày cuối, Cha đưa tụi mình ra tận ngoài cầu, chẳng biết là có ngày gặp lại không, nhưng có Cha, bữa ăn của tụi mình vui hơn, chẳng trách những lần cả đám nấu ăn trễ làm Cha đợi.
Về nhà, là về căn phòng mà tụi mình ở cùng nhau cả tháng trời. Ngày đầu, nó chẳng có gì noài bụi bặm, mạng nhện, mấy người tụi mình lau chùi cẩn thận, mấy anh kéo mạng về cho làng, mấy chị lau dọn, soạn đồ, còn mình cứ ôm cái toilet ngày qua ngày. Nghĩ mà vui, mình thích nhìn cảnh mấy anh xối nước rửa tay cho nhau, thích nhìn cảnh chị Uyên hì hục chọn hình, chả biết làm gì nhưng mất cả buổi, đến tối mới bật mí, xếp dán tỉ mỉ thành trái tim đến tận 2 giờ sáng. Chả trách những lần cả đám không ai biết chơi uno, nhưng bị phạt liên tục thì rành lắm rồi, cả những lần tụi mình vác hai cái nồi to tướng, bắt cặp chơi đánh bài quẹt lọ nghẹ, xong xuôi thì mặt đứa nào đứa nấy cũng như mấy ông kẹ, cả đám còn tính trò ra đường đứng mỗi đứa một góc, cầm đèn pin chỉa vô mặt hù ma người đi đường. Tất cả, đều diễn ra tại căn phòng đó. Nếu giờ được mở ra lại, mình chắc rằng, mình và mọi người vẫn tưởng tượng ra ngày đầu tiên, và trong suốt thời gian đó, tụi mình đã có nhau như thế nào.
“Nhà là nơi” có mấy anh em tụi mình, cũng có anh hai, cũng có em út, mà chắc mình là cái đứa ngổ ngáo nhất rồi. Tuần đầu tiên tụi mình thật vui, cũng có vài thứ muộn phiền, nhưng sau chót tụi mình cũng bỏ qua hết, vui với nhau từ những lần đi sông Đốc, những lần tắm sông, cứ nhảy cái tủm xuống thì chắc cú có anh vớt lên, hay lần mấy chị em tổ chức thi thố tài năng cho mấy anh trong nhà, rồi thì siêu phẩm “ The boy – Gương mặt bẩn bựa 2017” cũng ra đời sau một tối hò hét, thằng bé Đức sang gõ cửa phòng mấy lần vì anh chị ồn quá. Đã là nhà, đã là anh em thì có mấy lúc cơm không lành, canh chẳng ngọt, tụi mình giận nhau thật nhiều, không nói chuyện với nhau thật lâu, cũng chẳng còn tắm sông vui như trước nữa. Nhưng anh em mà, có bỏ được nhau đâu, rồi cũng thương nhau lại như ngày đầu, bữa cơm vui nhộn hơn bởi những lần chơi “ vợ- chồng”, bắt cặp mặc áo đôi đi lễ gia đình, giữa đêm bật vòi nước tắm heo, hay dần dần tụi mình tắm ngay trước cửa nhà thờ. Có những lần đêm hôm khuya khoắt kéo nhau đi đá banh, bật nhạc om sòm, mà sáng hôm sau có nhà kia sông mắc vốn. Nhà cũng là nơi có ông anh Hai, ham nhảy dây đến trật chân, nằm thui thủi tự trách bản thân mình, tự cảm thấy mình thật “ phế”, biết vậy đóng thùng gửi về Sài Gòn cho rồi. Cũng có bà chị tính như đứa con trai, nhưng tay nghề cắt tóc thì không ai bằng, chị ấy hớt cho mình quả đầu ưng hết ý, sau đó cả nhà cũng kéo nhau cắt tóc cho đồng bộ.Từ từ rồi mấy cái tên như Tí Đô, Tí Chề, Tí Chu, Tí Sảng, Tí Dảnh, Tí Lắc, Tí Men, Tí Bựa, Tí Bào cũng ra đời theo đặc điểm của mỗi người, trong một ngôi làng gọi là Homacho. Từ từ cũng có mấy hạng mục mới ra đời như ăn trứng không dùng muỗng, 1 lần hết 1 quả hay 1 miếng thanh long 1 lần ăn, hay những lần ốm đau, anh em chăm sóc nhau bằng những ly nước chanh, những tô cháo, vậy là một nhà rồi. Anh em chỉ cần nhau mấy lúc như vậy mà.
Đường về nhà, tình cờ là một vé trở về tuổi thơ chính hiệu cho những đứa trẻ đã lớn tồng ngồng như mình. Mình nhớ những chiều cùng nhau chạy men theo con đường đê dắt ra tới biển, trên đoạn đường tụi học trò cứ ba hoa đủ chuyện, mấy đứa nhỏ thiệt ngộ, “ác” nó nói là “độc” hay những câu nói nhắc chừng mấy thầy cô “ miểng nhóc đấy”, nghe vui tai phết. Mình nhớ những lần bơi qua sông bằng cái bè phao, hai người thì nổi mà ba người thì chìm, hai anh ở hai đầu kéo nhiệt tình. Mình nhớ những lần chơi u, quăng nhau đến chảy máu, hay những lần đá banh, có chị gái kia đẹp lắm, đuổi banh té cái uỵch, mà ai cũng xót cho cái sân, nhưng nhìn chỉ té mà thương lắm, mấy vết thương cũ riết thành sẹo, sẹo mang tên Cà Mau. Những lần kẻng bốn tiếng là lúc tụi mình lôi biệt danh nhau ra, những cái tên như “ Lê Quốc Toàn Dê” “ Trương Huỳnh Thảo Đẹp” cứ lần lượt ra đời. Rồi cả những khuya 12 giờ, tụi mình kéo nhau đi chơi trốn tìm, leo lên tận tháp chuông để trốn tiện thể ngắm sao, hay có cặp nằm vắt vẻo trên ngọn cây. Đôi lúc, mình cứ ngỡ 1 tháng vừa qua mình sống trong mơ, làm những điều mà trên phim mới có, nhưng mình đã làm, làm thật đấy.
“Nhà” đôi khi có người chị cứ âm thầm dõi theo phía sau, tuy chẳng nói chẳng rằng, cứ thế mà làm, mà vun đắp cho mấy đứa em, từ những hũ kho quẹt, mấy thẩu kim chi, mấy kí kho mắm. Thế mà mới sống qua mấy ngày đầu chân ướt chân ráo bước xuống Cà Mau này. Mỗi độ mùa hè xanh về lại thế, chị cứ làm từng món một rồi đóng thùng gửi đi, cái riết thành món truyền thống của NVHB , đi đâu cũng không quên được. Về đất Cà Mau này, bò, gà là hai cái thứ gì đó vô cùng xa xỉ, vậy mà cũng có người lặn lội xuống tận đây để nấu cho mấy đứa mình nồi bún bò ăn mấy ngày không hết. Hay những lần tụi mình lên tiết, sinh hoạt với học trò mà lại còn có thời gian quẫy cuồng nhiệt, đằng sau đó là cả một bà chị cứ thui thủi trong bếp nấu món này món kia, nhưng chị không cô đơn mà chị nhỉ, Cà Mau vẫn thương chị mà. Cảm ơn chị đến với tụi em, thương và chăm tụi em như mẹ, cảm ơn luôn ngụm cà phê em uống trực từ chị, nhờ vậy mà em không ngây ngây khi đứng trước học trò. Tụi mình thương luôn cả những lần người chị này đăng ảnh, chẳng hiểu sao những lúc nào cũng trông để xem mình có trong đó hay không, hay chỉ để xem những lần vắng mặt mọi người như thế nào. Với mình, ai nói sao cũng được, lại càng không muốn quy định nguyên tắc, nên nhìn hình mình cũng vui vô cùng và vì mình biết, chụp được tấm ảnh chị cũng sẽ rất vui.
Bình thường nghe hai chữ “ về nhà”, nó vui lắm, nhưng ngôi nhà này, sao mà khó về đến thế, biết đến bao giờ mới quay về được. Về Sài Gòn, là về với cuộc sống thường nhật, về với một gia đình khác, sẽ thôi những tháng ngày mơ mộng, thôi những giờ phút chỉ có cô và trò, nhưng sẽ không thôi nhớ nhau, không ngừng thương nhau, khi nghĩ về nhau vẫn có thể khóc, có thể phá lên cười, hay tự hào kể cho ai nghe về nhau. Vậy là đủ. “ Nhà là nơi” lớn lên, yêu thương, bên nhau. Tụi mình lớn lên từ những sai lầm của nhau, yêu thương nhau từ những giận hờn vụn vặt, bên nhau những lúc ốm đau, vui cùng vui, khóc cùng khóc, đến giờ chót, tụi mình vẫn bên nhau. “ Nhà” này, còn là nơi mình dành tình cảm đặc biệt cho hai người chị, đó là hai người suốt cả hành trình, mình thèm đem họ về đây với tụi mình, chẳng muốn đánh đổi gì cho ráo. Mình thèm chăm sóc họ những lúc Sài Gòn kia mệt mỏi quá, mình muốn ở bên họ những lúc Cà Mau bão kéo đến. Chỉ vậy thôi.
Đến cuối cùng, “ Nhà” đó vẫn là nơi khó về, cũng giống như “ Cà Mau đi dễ khó về” , ai rồi cũng có những bận rộn riêng, những niềm riêng, nhưng nhớ đến nhau, thương nhau nhiều như ngày bắt đầu, bên nhau những lúc cần nhất , thế thôi! Mình đã mong chờ mùa hè xanh này, những giây phút ở đây, chưa lúc nào mình cảm thấy hối hận, chỉ tiếc có vài thứ đến cuối vẫn chưa kịp làm, nhưng thôi, đi để trở về, để thấy mình chưa làm được gì, để mà còn cố gắng.
Tí Dảnh – Trích Nhật kí HOMACHO 2017