Rất nhiều bạn thân từ hồi cấp 3 của tôi vẫn đang hoàn thành năm cuối đại học, rất ít người đã đi làm và tôi là một người trong số ít đi làm từ rất sớm. Thỉnh thoảng gặp lại vài người bạn cũ, tôi gần như bị lạc lõng bởi quan điểm, lối sống của họ. Những điều tôi nói họ không hiểu, còn những gì họ nói, tôi không hứng thú. Những con đường khác nhau nên tư tưởng và suy nghĩ cũng khác biệt, những câu chuyện không tìm ra tiếng nói chung và nụ cười xã giao trở nên thường trực. Tôi chia sẻ với họ rằng, tôi rất yêu chuộng những người bạn lớn tuổi hơn, tôi thích sự chậm rãi, từ tốn khi chia sẻ, hài hước, thâm thúy khi bình luận và chiều sâu trong suy tư.
Nói đến đây, tôi đã làm một người bạn cũ tổn thương. Cậu ta nổi giận, suốt buổi gặp cậu ta không ngớt nhắc đến hai chữ “chiều sâu”, bởi đó là thứ mà tôi đã khẳng địng rằng cậu ta không có. Khi về nhà, cậu ta vẫn chưa chịu để tôi yên, tiếp tục “điều tra” về “chiều sâu” – thứ mà tôi chắc chắn đến bây giờ cậu ta vẫn không thể hiểu rõ.
Cuộc sống này đa diện, đa chiều. Tôi luôn nhìn nó ở góc độ cá nhân và tiêu cực nhất. Tôi luôn dự trù tình huống xấu nhất có thể xảy ra, và từ đó, cuộc sống với tôi dù luôn vui vẻ, suôn sẻ nhưng luôn phải suy nghĩ không ngừng. Tôi nói với cậu bạn rằng tôi đã từng như thế. Đã từng suốt ngày bắt bẻ một câu nói của người khác, và từng đau khổ vì một cái đặt ly mạnh tay hơn bình thường của người đối diện. Rồi lấy đó làm dằn vặt mãi về sau. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn là kẻ thiệt thòi nhất. Bởi tôi buồn bực, tôi dằn vặt, người ta cũng có biết gì đâu? Họ vô tư sống trong khi tôi không ngừng buồn bực, điều đó không công bằng. Chính lúc đó, tôi ngộ ra, một người thông minh, có chiều sâu là người biết sống vui vẻ và không để trong lòng quá nhiều thứ vụn vặt không hay.
“Chiều sâu” của một con người được hội tụ qua nhiều yếu tố: sự tinh ý biết người khác cần gì, ngại gì mà kịp thời “stop” lại những tình huống khó xử; biết buông những chuyện vớ vẩn, để gặp nhau chỉ để nói cười, biết nhường nhịn những gì đáng phải nhường; biết đưa một cánh tay ra những khi bạn cần; hiểu bạn mình nói gì bằng cả trái tim chứ không phải bằng sự xét nét đúng sai.
Sự im lặng đáng giá hơn một ngàn lời nói vô nghĩa. Khi đúng thời điểm, một lời nói có thể giết chết một trái tim, cũng có thể làm sống lại một cuộc đời. Khi nói, đừng chỉ vận dụng cái miệng, hãy vận dụng sự kết hợp giữa bộ não, trái tim và cái miệng để tạo cho người đối diện một sự tin cậy, ấm áp.
Tôi xin khẳng định bản thân tôi rất khờ. Còn nói đến đây, độc giả sẽ đặt câu hỏi về độ khờ của tôi? Điều ấy còn phải xét ở góc độ tôi giả vờ là thằng khờ khá thành công hay tôi nỗ lực là một người thông minh trong mắt mọi người nhưng thất bại.
Nghi vấn này bạn vẫn chưa trả lời tôi và độc giả. Nhưng tôi tin chắc rằng độc giả sẽ không giống như tôi và bạn, họ sẽ không mất quá nhiều thời gian để phán xét về khái niệm chiều sâu. Bởi điều ấy được thể hiện rất rõ ở văn hóa ứng xử của mỗi người.
Hamlet Trương