“Tôi khóc thương cho các tín hữu Hồi giáo và Kitô giáo đơn sơ, những người sống trong các ngôi làng của một khu vực chẳng còn gì vì nguồn thực phẩm đang cạn dần và người ta lại không dám ra khỏi nhà. Ngay cả những người khá giả cũng không mua được thực phẩm bởi vì tất cả các cửa hàng đều đóng cửa. Tôi muốn đến với họ để giúp đỡ họ nhưng không thể được vì tôi cũng phải sống tách biệt ở nhà mình”, Đức giám mục Youhannes Zakaria, giám mục giáo phận Luxor thuộc Giáo hội Công giáo Copt, đã nói như trên hôm thứ Sáu 16-08 (ngày diễn ra cuộc biểu tình của Phong trào Huynh đệ Hồi giáo ủng hộ Tổng thống Morsi).
Cả Đức giám mục Zakaria cũng bị mưu toan tấn công: “Những người biểu tình ủng hộ ông Morsi sau khi bị đuổi khỏi trung tâm Thành phố Luxor, đã tiến về Tòa giám mục và hô to, ‘Giết hết các Kitô hữu’. May mắn là cảnh sát đã đến kịp để cứu chúng tôi. Hiện nay cảnh sát và quân đội bảo vệ Tòa giám mục với hai xe bọc thép”.
“Tình hình tại Luxor là rất nghiêm trọng mặc dù không giống như ở Hạ Ai Cập (Minya, Assiut) hoặc Cairo. Tuy nhiên, ngay cả ở đây cũng có những cuộc bạo loạn trong đó một số nhà của người Kitô hữu bị đốt cháy. Mười ngày trước trong một ngôi làng gần đây có 5 Kitô hữu và 1 người Hồi giáo đã bị giết. Vì lý do an ninh, chúng tôi phải hủy bỏ lễ Đức Mẹ Lên Trời – được tổ chức ở đây vào ngày 22 thay vì ngày 15. Mọi người đều bị kẹt trong nhà mình. Tôi đã bị kẹt trong Tòa giám mục khoảng 20 ngày. Các lực lượng an ninh khuyên tôi không nên đi ra ngoài”.
Theo Đức cha, chiến dịch chống các Kitô hữu do những người ủng hộ Phong trào Huynh đệ Hồi giáo tiến hành, vì “họ cho rằng các Kitô hữu là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của ông Morsi”. Ngài nói thêm: “Đúng là các Kitô hữu có tham gia vào các cuộc biểu tình chống ông Morsi, nhưng Ai Cập có 30 triệu dân, đa số là người Hồi giáo, họ đã xuống đường chống lại Tổng thống bị lật đổ. Khi tấn công người Kitô hữu, họ muốn đẩy Ai Cập vào tình trạng hỗn loạn”.
Cha Rafic Greiche, người phát ngôn của các Giám mục Công giáo của Ai Cập cho biết những ngày vừa qua đã có 58 nhà thờ và các cơ sở Kitô giáo bị tấn công và thiêu hủy. “Trong số 58 nhà thờ này có 14 nhà thờ Công giáo, số còn lại là của Giáo hội Chính thống Copt, Chính thống Hy Lạp, các cộng đồng Anh giáo và Tin Lành”. Các cuộc tấn công vào các nhà thờ đã diễn ra trên khắp Ai Cập, nhưng đặc biệt tập trung tại các khu vực Al Minya và Assiut, bởi vì đây là thủ phủ của các chiến binh jihad, những người chịu trách nhiệm về nạn bạo lực này.
Cha nói: “Cần nhấn mạnh rằng nhiều người Hồi giáo sống trong vùng lân cận của các nhà thờ bị ảnh hưởng đã giúp đỡ các tu sĩ dập tắt các đám cháy”.
Cha Greiche kết luận: “Đây không phải là một cuộc nội chiến giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo. Không phải là một cuộc nội chiến, nhưng là cuộc chiến chống khủng bố. Và đa số dân chúng đều chống lại chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo”.
Riêng Đức giám mục Zakaria tổng kết con số tổn thất trong những ngày gần đây: “Hơn 80 nhà thờ và nhiều trường học Kitô giáo đã bị đốt cháy. Tôi muốn nói rằng ở Ai Cập, Giáo hội Công giáo điều hành hơn 200 trường học – từ Alexandria đến Aswan – trong các trường học này, các học sinh Kitô hữu và người Hồi giáo ngồi cạnh nhau”.
Và ngài kết luận: “Chính tôi cũng kêu gọi Đức giáo hoàng Phanxicô cầu nguyện cho hòa bình ở Ai Cập. Chỉ có thông qua đối thoại và tôn trọng lẫn nhau người ta mới có thể thoát ra khỏi tình trạng bi kịch này”.
(Theo Agenzia Fides)