Anh Chị và các bạn thân mến! Trong thời gian vừa qua, Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ có đăng tải một bài viết để trả lời cho những câu hỏi then chốt mang tính luân lý đạo đức về các loại Vắc-xin Covid 19. Dưới đây là bài dịch được thực hiện để đem đến những thông tin hữu ích về các loại Vắc-xin. Mời Quý Anh Chị và các bạn cùng đón đọc.
Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ
Văn phòng Hoạt động Phò-sinh
Tháng Giêng năm 2021
Trả lời cho những câu hỏi then chốt mang tính luân lý đạo đức về các loại Vắc-xin COVID-19
Sự phát triển của các loại Vắc-xin chống lại đại dịch COVID-19 đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng, đồng thời khơi lên một số câu hỏi mang tính luân lý đạo đức liên quan đến việc phát triển và sử dụng chúng. Tài liệu này nhằm cung cấp những trả lời ngắn gọn cho các câu hỏi ấy và liên kết đến những nguồn thông tin chuyên sâu hơn.
Có đúng là có mối liên hệ giữa một số loại vắc-xin và việc phá thai hay không?
Đúng. Vài thập kỷ trước, người ta đã sử dụng mô (tissue) lấy từ cơ thể của những bào thai bị phá bỏ để tạo ra một số dòng tế bào phục vụ các mục đích nghiên cứu. Thực vậy, những tế bào trong các dòng này là hậu duệ của những tế bào được lấy ra từ ban đầu. Chúng được tạo ra để tự sao chép và một số dòng tế bào có thể sinh sản vô hạn. Các dòng tế bào lấy từ việc phá thai này được sử dụng như một “nhà máy” để sản xuất một số loại vắc-xin (ví dụ: vắc-xin rubella, thủy đậu, một số loại vắc xin COVID-19, v.v…)[1]. Tuy nhiên, chính các tế bào này lại không có trong các loại vắc-xin được tiêm cho bệnh nhân.
Quan điểm của Giáo Hội về các dòng tế bào lấy từ việc phá thai và mối liên hệ của chúng với các loại vắc-xin?
Thông qua Bộ Giáo lý – Đức tin (GLĐT) và Hàn lâm Viện Giáo hoàng về Sự sống, Tòa Thánh đã bốn lần đưa ra chỉ dẫn về chủ đề này[2]. Chỉ dẫn đã làm sáng tỏ:
- việc tạo ra các dòng tế bào lấy từ việc phá thai và việc các công ty dược phẩm sử dụng chúng là không đúng;
- nên tránh sử dụng những loại vắc-xin được sản xuất từ các dòng tế bào đó nếu có sẵn những lựa chọn khác tương đương vốn không liên quan đến phá thai;
- với những lý do nghiêm trọng (chẳng hạn: gây hại sức khỏe nghiêm trọng), có thể sử dụng vắc-xin được sản xuất từ các dòng tế bào này khi không còn lựa chọn thay thế nào khác;
- những người quan tâm đến tính thánh thiêng của sự sống nên phản đối việc sử dụng các dòng tế bào này và ủng hộ sự phát triển các loại vắc-xin không liên quan đến phá thai.
Các loại vắc-xin COVID-19 có sử dụng những dòng tế bào lấy từ việc phá thai không?
Tính đến thời điểm của bài viết này (tháng Giêng năm 2021), hàng trăm loại vắc-xin COVID-19 đang được phát triển trên khắp thế giới, và hơn mười hai loại đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Một số loại hoàn toàn không sử dụng các dòng tế bào lấy từ việc phá thai, một số sử dụng các dòng tế bào đó để kiểm tra hiệu quả vắc-xin, cũng có số khác đang sử dụng các dòng tế bào này trong giai đoạn phát triển và/hoặc sản xuất. Hiện nay, có hai loại vắc xin (Pfizer và Moderna) đang được phân phối để sử dụng ở Mỹ, cũng có những loại khác có khả năng sẽ được cung cấp trong vài tháng tới (chẳng hạn: AstraZeneca, Janssen, v.v…)[3]. Cả Pfizer và Moderna đều không sử dụng dòng tế bào lấy từ việc phá thai trong quá trình phát triển hoặc sản xuất vắc-xin. Tuy nhiên, một dòng tế bào lấy từ việc phá thai đã được sử dụng để kiểm tra hiệu quả của hai loại vắc-xin trên. Do đó, mặc dù cả hai đều không thể hoàn toàn tránh được việc sử dụng các dòng tế bào lấy từ việc phá thai, nhưng việc sử dụng của hai loại vắc-xin này khác xa với chủ đích tội ác phá thai ngay từ ban đầu. Vắc-xin AstraZeneca và Janssen làm gia tăng những lo ngại về tính luân lý vì dòng tế bào lấy từ việc phá thai không chỉ được sử dụng để thử nghiệm mà còn cả trong quá trình phát triển và sản xuất.
Về mặt luân lý, có thể tiêm loại vắc-xin sử dụng các dòng tế bào lấy từ việc phá thai không?
Đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe do COVID-19 gây ra, xét về mặt luân lý, có thể tiêm loại vắc-xin sử dụng các dòng tế bào lấy từ việc phá thai trong trường hợp không có loại vắc-xin nào khác tương đương về độ an toàn và hiệu quả mà không liên quan đến phá thai. Tuy nhiên, nếu có thể chọn một trong số các loại vắc-xin COVID-19 có độ an toàn và hiệu quả như nhau thì nên chọn loại vắc-xin ít liên quan nhất tới các dòng tế bào lấy từ việc phá thai[4]. Nếu không sẵn có một loại vắc-xin không liên quan tới các dòng tế bào lấy từ việc phá thai, thì vẫn nên ưu tiên chọn những loại vắc-xin chỉ sử dụng chúng để kiểm nghiệm hơn là các loại dùng chúng để sản xuất liên tục. Tuy nhiên, những lựa chọn như vậy có thể không khả thi, đặc biệt trong giai đoạn đầu của quá trình phân bổ vắc-xin. Trong trường hợp này, người ta có thể tiêm bất cứ loại vắc-xin nào theo khuyến cáo lâm sàng mà không trái lương tâm, miễn là việc tiêm vắc-xin đó không liên quan đến sự cộng tác vô luân vào việc phá thai.[5]
Tiêm vắc-xin COVID-19 có phải là nghĩa vụ luân lý hay không?
Gần đây, Bộ GLĐT đã lưu ý rằng “theo quy định, việc tiêm vắc-xin không phải là nghĩa vụ luân lý, và vì thế, nó phải là tự nguyện. Trong bất kỳ trường hợp nào, theo quan điểm đạo đức, tính luân lý của việc tiêm vắc-xin không chỉ phụ thuộc vào bổn phận bảo vệ sức khỏe của bản thân mà còn là bổn phận đối với lợi ích chung.”[6] Và Bộ còn khẳng định rằng, “trong trường hợp không còn biện pháp nào khác để chặn đứng hay thậm chí ngăn ngừa dịch bệnh”, việc tiêm vắc-xin có thể thúc đẩy lợi ích chung , “đặc biệt để bảo vệ những người yếu ớt nhất và dễ nhiễm bệnh nhất.” Để vắc-xin có hiệu quả trong việc bảo vệ xã hội, hầu hết mọi người cần được tiêm vắc-xin để phá vỡ chuỗi lây nhiễm từ người này sang người khác trong cộng đồng. Bộ GLĐT còn thêm, những ai từ chối tiêm vắc-xin cần phải để ý cao độ, bằng cách tuân giữ mọi biện pháp phòng ngừa, để tránh “trở thành phương tiện truyền bệnh. Đặc biệt, họ phải tránh xa mọi rủi ro gây hại đến sức khỏe của những người không thể tiêm vắc-xin vì lý do y khoa hay những lý do nào khác, và những người dễ bị tổn thương nhất”.
Những người bảo vệ tính thánh thiêng của sự sống có thể làm gì để phản đối việc sử dụng các dòng tế bào lấy từ việc phá thai và khuyến nghị sử dụng những loại vắc-xin hợp luân lý?
Đầu tiên, hãy cập nhật thông tin cho bản thân và thông báo cho người khác về một số loại vắc-xin có liên quan đến việc phá thai khi sử dụng các dòng tế bào lấy từ việc phá thai, và về những loại vắc-xin sử dụng các dòng tế bào đó. Thứ hai, hãy thông báo cho bác sĩ của bạn về mối liên hệ này và đề nghị họ cung cấp những loại vắc-xin hợp luân lý. Thứ ba, hãy kêu gọi các công ty dược phẩm và những nhà nghiên cứu y khoa ngừng sử dụng các dòng tế bào lấy từ việc phá thai, và hãy cảm ơn họ nếu họ đồng ý làm điều đó.[7]
Các loại vắc-xin COVID-19 có an toàn và hiệu quả không?
Các Giám mục không phải và cũng không tuyên bố mình là cơ quan có thẩm quyền về tính an toàn và hiệu quả của các loại vắc-xin. Anh chị em nên dựa vào thông tin từ các nguồn chính thức trong lĩnh vực y tế và sức khỏe cộng đồng, như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe có chuyên môn. FDA khẳng định rằng, các loại vắc-xin được phép sử dụng khẩn cấp tại Mỹ đã đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn cần thiết về độ an toàn và hiệu quả để có thể được cấp phép sử dụng.
Tôi có thể tìm thêm thông tin về chủ đề này ở đâu?
Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ (www.usccb.org/prolife/biomedical-research)
Trung tâm Đạo đức Sinh học Công giáo Quốc tế (www.ncbcenter.org)
Viện Charlotte Lozier (www.lozierinstitute.org/category/genetics)
[1] X. Charlotte Lozier Institute tại www.lozierinstitute.org/category/genetics.
[2] Bộ GLĐT, Hướng dẫn về một số vấn đề đạo đức sinh học (Dignitas Personae) (2008), số 35-36, và “Lưu ý về tính luân lý của việc sử dụng một số loại vắc-xin chống COVID-19” (21.12.2020). Hàn lâm Viện Giáo hoàng về Sự sống, “Những suy tư luân lý về các loại vắc-xin được bào chế từ các tế bào lấy từ bào thai người bị phá bỏ” (9.6.2005); và Lưu ý về vấn đề vắc-xin của Ý (31.7.2017).
[3] https://www.hhs.gov/coronavirus/explaining-operation-warp-speed/index.html;
[4] Tính từ ngày viết trả lời này, không có loại vắc-xin COVID nào hoàn toàn không liên hệ tới các dòng tế bào lấy từ việc phá thai; nhưng có một vài loại đang được phát triển có thể không có liên hệ.
[5] Bộ GLĐT “Lưu ý về tính luân lý của việc sử dụng một số loại vắc-xin chống COVID-19” (21.12.2020), số 3.
[6] Bộ GLĐT, sđd., số 5.
[7] Văn phòng Phò-sinh USCCB cổ võ hoạt động này thông qua Trung tâm Hành động USCCB. Để nhận thông báo, vui lòng đăng ký tại: www.usccb.org/prolife/biomedical-research.
Chuyển ngữ: Ban Điều Hành Nhóm Sinh Viên Nữ Vương Hòa Bình
Anh Chị và các bạn có thể theo dõi bài viết gốc tại link này:
https://drive.google.com/file/d/1Mz1HA61st4kBN_B1fW1dyDh8P03xCtgn/view?usp=sharing
Ban Điều Hành