Phút Cầu Nguyện: Ôi Trái Tim Nhân Hậu

  1. Làm dấu Thánh Giá.
  2. Kinh lạy Cha
  3. Cầu nguyện 1 phút cuối ngày
  4. Đọc lời Chúa

Tin Mừng Chúa Giêsu-Kitô theo thánh Gioan

Hôm đó là ngày áp lễ, người Do thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực ; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin. Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh : “Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập”. Lại có lời Kinh Thánh khác : “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu”. Đó là Lời Chúa.

                                                                                       

  1. Suy niệm

Người ta thường nói, trái tim hoàn hảo nhất là trái tim có nhiều mảnh vá. Đó là biểu hiện của một trái tim đã chịu nhiều đau khổ từ người khác và sẵn sàng tha thứ tất cả cho họ, nhằm hoán cải nhưng ai gây thương tích cho nó.

Đức Giê-su, sau khi chịu chết đau đớn nhục nhã trên thập giá, đã bị một người lính lấy giáo đam thấu trái tim. Chỉ vì yêu thương nhân loại tội lỗi lầm than, Đức Giê-su đã để trái tim của Người đón nhận mọi thương tích do nhận loại gây ra. Trái tim Người chịu nát tan để chữa lành tất cả những vết thương về thể lý cũng như tinh thần của mỗi người.

  Đúng như lời của một triết gia đã nói “trái tim có những lý lẽ mà lý trí không thể hiểu được”. Quả vậy, trái tim của Chúa Giêsu, tình yêu của Ngài đã khiến cho cả vũ trụ này phải lặng câm, vì với lý trí tự nhiên của con người thì không thể hiểu được tại sao Ngài là Con Một Chúa Cha phải chết ô nhục trên thập giá. “Có “tình yêu điên rồ” nào hơn là điều đã làm cho Con Thiên Chúa trở thành một với chúng ta đến độ chịu đau khổ vì hậu quả tội lỗi chúng ta như của chính Ngài ?” (Đức Bênêđictô XVI, Sứ điệp mùa chay 2007). Nhưng cuối cùng Ngài đã cho nhân loại thấy tình yêu của Ngài, trái tim của Ngài lớn hơn tất cả những gì loài người suy nghĩ, Ngài đã chết thay cho chúng ta. Ngài đã biến cả cuộc đời của mình, mà cao điểm là cái chết thập giá, với  trái tim bị lưỡi đòng đâm thâu để máu và nước chảy ra tuôn trào nguồn ơn cứu độ, trở thành một nguồn suối liên tục cho tới ngày Ngài lại đến trong vinh quang.

Mang thân phận yếu đuối của kiếp người, chắc hẳn chung ta nhiều lần làm tổn thương chính mình, cho người khác cũng như làm tổn thương đến trái tim Đức Giê –su. Mỗi lần phạm tội là mỗi lần chúng ta lại làm cho trái tim của Đức Giê-su bị rướm máu.

“Khi một người yêu thương, người ấy có thể làm điều tốt cho người khác, hoặc khi người ấy nhìn thấy mọi sự đều diễn ra tốt đẹp cho người khác, thì chính họ cũng cảm thấy vui, và bằng cách ấy, họ tôn vinh Thiên Chúa, vì ai vui vẻ dâng hiến thì được Thiên Chúa yêu thương” (2Cr 9,7).

“Lạy Chúa, xin ban cho con trái tim của Chúa!

Xin đừng để con khép kín tâm lòng mình bao giờ!

Xin cho con trái tim quảng đại như Chúa,

vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường,

để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con lướt thắng mọi oán hờn nhỏ nhen,

và mọi thù hằn ti tiện!

Xin cho con luôn luôn bình an tươi sáng,

không một biến cố nào làm con bất ổn,

không một đam mê nào khuấy động hồn con!

Xin cho con đừng quá vui khi thành công,

cũng đừng bối rối khi bị chỉ trích chê bai.

Xin cho con trái tim đủ lớn để có thể yêu cả người thù địch.

Xin cho vòng tay con luôn rộng mở

để có thể ôm hết tất cả mọi người trong tình yêu Chúa.  Amen!

 ( Rabbouni, Lời Kinh đẹp nhất Thiên Niên Kỷ, trang 94)

 

  1. Kinh Tin Kính
  2. Hát bài: Trong Trái Tim Chúa.
  3. Làm dấu kết thúc.

Nguồn tham khảo:

–  Chấm nối chấm (Học viện Đaminh)

– simonhoadalat.com