“Mẹ La Mã Bến Tre – Mẹ của người dân lam lũ … Khi có dịp được về với miền đất Giồng Trôm, nơi tọa lạc trung tâm hành hương Đức Mẹ La Mã Bến Tre. Bạn sẽ không khỏi trầm trồ vì vẻ đẹp duyên dáng của miền đất Nam Kì và của những người dân nơi đây. Có lẽ vì Mẹ Maria cũng rất yêu mến nơi này nên Mẹ đã ban muôn ơn lành cho đoàn con cái muôn phương thông qua việc sùng kính bức linh ảnh với danh hiệu Mẹ Maria – Mẹ Hằng Cứu Giúp. Đến với La Mã hôm ấy, đoàn con được Mẹ thương ban nhiều ơn. Nhiều ơn hoán cải, nhiều ơn chữa lành biết bao vết thương tâm hồn … tạ ơn Mẹ, xin Mẹ ban muôn ơn cho đoàn con cái.”
– John Bắp –
“Khi nhắc đến Bến Tre, chắc hẳn ai trong chúng ta nghĩ đến hình ảnh xứ dừa ngập khoảng xanh ngát màu lá, hình ảnh những chiếc đò trôi là đà trên những con nước đục màu phù sa đất, hay hình ảnh người con gái miền Tây khoác trên mình chiếc áo bà ba với nét người duyên dáng mà mộc mạc. Đối với riêng mình, thứ làm cho mình ấn tượng nhất lại không phải là những hình ảnh trên, mà đó chính là sự chân thành và lòng hiếu khách của con người nơi đây. Thật sự mà nói, mình yêu những câu nói đậm chất “nhà quê”, những nụ cười dân giã trên khuôn mặt của họ, cả những ánh mắt tò mò, đầy bất ngờ khi thấy một đám sinh viên leo “lúc nhúc” trên chiếc xe đò. Chứng tỏ người dân nơi đây, tuy nghèo nhưng họ không hề vô cảm, tuy khổ nhưng trong họ là đầy sự hiều khách và chân chất.”
–Hòa Hiệp-
“Mình gọi đó là ngày của những lần đầu tiên – lần đầu tiên đến với miền Tây sông nước, lần đầu tiên đến với Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu giúp, lần đầu tiên đi bộ “140m Cái Mơn”, lần đầu tiên ngồi trên xe ba gác hát vang trời và lần đầu tiên được uống nước dừa ngọt đến như vậy! Chuyến đi hành hương không chỉ là một dịp mang mình đến gần với Mẹ Maria hơn mà còn là dịp để gần gũi hơn với mọi người, để có một thanh xuân rực rỡ.”
-Cá Cánh Cụt-
“Đây là lần đầu mình có cơ hội đi một hành trình xa với Nhóm. Lần này là đi Bến Tre hành hương, miền tây quê mình nên thật lòng mà nói, mình cũng không quá ngóng đợi…nhưng khi thấy sự hăng hái của các anh, chị, mình cũng bị cuốn theo không khí ấy luôn. Khi đến nơi, có một chút cảm giác thân thuộc như được về nhà vậy, khiến mình cũng có chút nhớ quê… Nhưng đối với anh, chị chắc đây là một nơi xa lạ nhỉ? Được nghe anh, chị nói về vùng đất mình sinh sống, được giới thiệu về quê mình thì ai mà không cảm thấy tự hào chứ. Có một chút ngoài dự định đó là phải “lội bộ” 1 quãng đường khá xa, vừa “lội bộ” vừa nói chuyện vừa được ngắm cảnh cũng đâu có tệ. Rồi lần đầu được ngồi xe ba gác, mọi người “chen chúc” nhau mà còn phải đứng mới đủ chỗ, đúng là không có dịp này thì khó mà biết được cảm giác đó vui đến chừng nào… Không những được chơi, được ăn mà còn học hỏi biết thêm nhiều điều về Đạo của mình nữa chứ…. Chiếc xe 45 chỗ, 45 con người trên chuyến đi, mình không biết hết được mọi người, thậm chí có những người lần đầu em được gặp, nhưng khi về xa lạ nữa, chẳng còn cái gọi là khoảng cách khi mọi người đều hoà chung với nhau trong lời nói, bài hát hay cùng nhau thưởng thức những chiếc bánh nhỏ, cảm giác như là đang ở trong một gia đình lớn vậy!!!”
-Hoàng Anh-
“Nhà Thờ Cái Mơn – Bến Tre
Thật biết ơn khi có dịp được tham quan nơi này..
Không quá đồ sộ về kiến trúc, không thật sự công phu trong từng đường nét, nhưng không gian xung quanh thật hài hoà và khiến cho chúng ta có cảm giác thật dễ chịu giữa thiên nhiên và con người.
Và đặc biệt hơn thế nữa, chuẩn bị lên xe trở lại thành phố thì vô tình gặp cha xứ nơi đây. Ngài không quên chia sẻ nhà thờ Cái Mơn còn là nơi ghi nhận về ông Trương Vĩnh Ký (1837-1898) – 1 trong số 18 nhà bác học của thế giới (thế giới thập bát văn hào) với tư cách người học trò nghèo từng vào đây ăn học và thành tài…”
-Cecillia-
Tổng hợp: Thông tấn xã NVHB