Tôi vẫn hay mơ được sống trong thế giới trẻ con, ở đó tôi có thể vẫy vùng gọi tên những khờ dại, rồi thì nhởn nhơ, vô tư cả một góc trời. Nhưng mà:
“Trẻ con rồi cũng lớn lên,
đứa nào đứa nấy chông chênh những buồn”
Tôi bước qua những ngây ngô ngày ấy, du miên ở một thế giới lạ lùng, thế giới chỉ dành cho người lớn, sống phải nghĩ suy, sân si đủ điều. Và rồi những tưởng chiếc vé trở lại tuổi thơ chỉ là mộng ước hão huyền… Thế nhưng, cái thời gian tôi bắt đầu chiến dịch Mùa hè xanh cùng nhóm Nữ Vương Hòa Bình, ý niệm của tôi lại khác. Ừ thì nếu không sống lại thời con nít thì thử sống cùng, sống với, sống cho, sống chung, chia buồn sớt vui với tụi con nít xem sao?! Dần dà tâm hồn cũng trẻ hóa thôi! Và hành trình của tôi bắt đầu…
Tôi là cô giáo của những cô cậu học sinh loắt choắt, tí hon. Nói vậy thôi chứ chúng chơi trò gì cũng giỏi hết, đó là tất thảy những trò mà “tuổi thơ dữ dội” của tôi đã một thời “oanh tạc”. Nào là: nhảy dây, bắn bi, năm hòn, ô ăn quan, năm mười, tắm mưa, chơi u… Tôi tham gia vào những trò chơi ấy như một đứa con nít ham chơi, tinh nghịch chứ chẳng phải là một cô giáo tình nguyện của bọn chúng nữa. Có lần, tôi cùng lũ nhỏ ham chơi quên giờ giấc, lúc 11, 12h trưa nóng như đổ lửa, ánh nắng chói chang, thế mà tụi tôi vẫn lặn ngoài biển, mò cua đá, bắt vòm, bắt sò cùng lũ nhỏ. Trưa đó về, chúng tôi bị la, giờ nhìn lại, thấy mình với Thùy sai dữ lắm, nhưng mà nhờ có cái sai ấy, tôi và học trò mới có những tràng cười vô tận, rồi thì lẻn vào bếp luộc cua, luộc vòm ăn trong thinh lặng. May mắn thay, hôm sau tụi nhóc đi cùng không đứa nào bị cảm, nếu có thì đến bây giờ, có lẽ tôi vẫn day dứt vì lỗi lầm của mình mất! Một lần khác, tôi rủ học trò đi chợ mua quà bánh ăn liên hoan chia tay tôi về lại thành phố “hụt”. Mấy cô trò lang thang la cà, thấy học sinh là hú hí rủ thêm vài đứa, có mấy đứa rủ vào nhà chơi nữa. Rồi thì tụi nó chặt dừa, hái những trái cóc non choẹt cho tôi ăn. Tôi dường như đã qua cái độ tuổi mà: Ăn gì cũng thấy ngon, chơi gì cũng thấy vui, làm gì cũng thấy lạ, mơ gì cũng thấy hay… Ừ qua rồi, nhưng nay nhìn lại những tháng ngày đã qua ở Cà Mau, và những lúc ngồi ăn cùng lũ học trò, à chỉ là những trái cóc chua chua, những gói thạch dừa năm trăm đồng, sao mà thơm ngon quá đỗi. Chợt nghĩ rồi thấy khóe mắt cay cay, giờ ăn gì cũng sợ không hợp vệ sinh, không ngon thì lối nào cho tôi về ấu thơ nhỉ? Buổi hôm đó, tôi đèo một cô bé lớp 6, ngồi sau lưng tôi, cô bé hỏi tôi những câu hỏi lạ lắm. Đúng là trẻ thơ, thích tìm tòi, học hỏi, khám phá đủ điều. Rồi trò chuyện sâu hơn với cô bé, tôi mới hay cha cô bé mất rồi. Cô bé bảo tôi: “Cha mất, con có dượng, dượng cũng thương con nhưng con vẫn nhớ cha nhiều lắm, không gì có thể thay thế cha con được… Cô Thảo hạnh phúc nhất rồi, cô có cả cha lẫn mẹ“. Từ thăm thẳm đáy lòng, tôi thấy thương cô bé vô cùng. Trẻ con- nó ngây ngô thật, hạnh phúc nhất của cuộc đời nó đơn giản chỉ là được sống luôn mãi cùng cha cùng mẹ, chỉ thế là đủ, nhưng có mấy em được như thế ở cái đất Cà Mau này! Tôi ngàn lần muốn ôm cô bé vào lòng và nói: “Cha vẫn luôn bên cạnh dõi theo con mà, con ráng ngoan, học giỏi, cha vui”. Nhưng sợ cô bé khóc, tôi đành im lặng. Cô bé ấy rất ngoan, rất giỏi, cha cô bé hẳn sẽ an lòng thôi. Con người ta vẫn luôn tìm đường đến hạnh phúc mà chẳng biết hạnh phúc ở ngay hành trình họ đang bước đi. Có lúc tôi cũng vị kỷ, tham lam, đua đòi theo người đời, may mắn sao vẫn còn những khoảnh khắc tựa như thế này, cho tôi tìm lại sự an nhiên nơi tâm hồn để sống một đời giản dị.
Kí ức Cà Mau với tôi còn nhiều lắm. Đó là mấy lần dạy học, bực dọc chuyện cá nhân nên làm mặt lạnh với học trò, đôi lần còn tằng hắng, hạch họe bọn chúng; là mấy lần đang dạy, thấy học trò đáng yêu quá nên chạy ra ngoài mua bánh kẹo vào liên hoan; là ngày nào cũng cho học trò mò tóc bắt chí, “dóc” đủ kiểu tóc, đội đủ thứ bông đủ thứ lá vào đầu làm cô dâu, có lần thấy ngứa râm ran vì kiến “đậu” nhưng vẫn để đó… cho đẹp; là mấy lần đạp xe chở học trò đi dạo rồi mắc mưa, học trò mặc áo mưa ngồi sau cứ bảo: “Thôi trú mưa đi cô, mai cô bệnh thì sao”, tôi rằng: “Không sao đâu con, cô thích mưa lắm, về đây cô mới được tắm mưa mà, cho cô tắm đi”, tôi như năn nỉ ỉ ôi để vừa đạp xe vừa tắm mưa. Rồi tôi thấy mình trở thành đứa con nít nghịch ngợm lúc nào chẳng hay. Sai nhiều, mắc lỗi nhiều nhưng vẫn chẳng hối tiếc điều gì cả. Và có những lần tôi thấy tụi nó khóc trên vai mình về đủ thứ chuyện. Đứa thì cha mẹ đi làm xa một tháng về một lần. Đứa thì cha với mẹ không còn ở với nhau nữa. Mỗi đứa một hoàn cảnh, mà con nít nó rất dễ bị ảnh hưởng bởi những thứ xung quanh, gần gũi với nó. Một lần Cha kể cho tụi tôi nghe, có một đứa tâm sự với Cha: “Cha ơi, người lớn kì quá hà, người lớn hứa mà không giữ lời. Người lớn thề thốt với nhau đủ điều rồi quên hết. Vậy mà bắt chúng con phải giữ lời”. Câu nói Cha kể lại làm tôi ám ảnh suốt một khoảng thời gian dài. Ừ, là vậy, tụi con nít tụi nó cũng sâu sắc lắm, tụi nó cảm nhận được hết mọi thứ đó. Tôi chỉ mong, cái đất Cà Mau dễ dàng lập nghiệp, mưu sinh hơn, để người lớn và con nít không phải xa nhau, để con nít không thấy người lớn “kì” nữa, để học trò tôi, để lớp trẻ sau này vững tin hơn với cuộc sống.
Còn nhiều chuyện bất tận mà tôi chẳng thể nào dùng ngôn từ nói hết. Tôi vẫn ám ảnh bởi Mùa hè xanh 2016, tôi được hết mình sống hoài tuổi 21 với những người tôi chỉ mới gặp lần đầu, tôi được trẻ hóa tâm hồn thành một đứa con nít chuyên sai, chuyên mắc lỗi, lắm những ngây ngô, bộc trực. Tôi rời chốn ấy, chốn mà tôi gọi là Mảnh đất linh hồn ấy với một sự xúc động nghẹn ngào, tôi vẫn tiếc vì chú chở tôi ra bến xe vội quá, tôi chưa kịp chào lũ con nít. Ừa, phải luôn có sự tiếc nuối, kém tròn trịa sau mỗi chuyến đi, để mai này, còn có duyên quay về. Chắc chắn sẽ quay trở lại!
THT