Công việc chuẩn bị thật gấp rút khiến chúng tôi có phần mệt mỏi. Sáng lên lớp, chiều đi dạy, thêm vào đó là công tác nấu ăn và dọn nhà. Vậy nên đến tối, chúng tôi mới có thời gian để vừa soạn giáo án vừa thực hiện các bước chuẩn bị cho chương trình sinh hoạt.
Và khi mọi thứ dường như đã hoàn tất, chúng tôi chỉ chờ đợi ngày hôm nay phải thật đẹp. Thời tiết buổi sáng khá ráo hoảnh. Theo dự báo của đài khí tượng thủy văn ngày hôm qua và sự phán đoán của chúng tôi “Trời thế này, chơi ngoài trời là đúng bài rồi”, chúng tôi thiết nghĩ. Đang loay hoay với mớ đồ, dây rợ, loa, mic ngổn ngang, thì những cơn gió tới tấp ùa về. Ngay sau đó, cơn mưa vẫn tới như thường lệ, vô tình và lạnh lẽo. Những nét nghi ngại thoáng hiện trên khuôn mặt mọi người phần vì không gian sinh hoạt trên dự tính đã không sử dụng được (sân trước và sân bên hông nhà thờ), phần lo cho các em đường xa đã cách trở, nay việc đi lại còn khó khăn hơn vì trơn trượt: “Không biết, các em có đi được không, hay đi rồi lại ướt nhẹp hết cả người?”
Mặc cho thời tiết không ủng hộ, mọi người vẫn cùng nhau tìm mọi cách thức để tạo một không gian đủ cho chúng tôi có thể “bày binh bố trận”. Hết chuyển cái này, lại dẹp cái kia, cuối cùng sân chơi “dự bị” đã xong.
Đúng 7h30, chương trình bắt đầu diễn ra. Mới đầu, các em được chia tổ, đặt khẩu hiệu cho tổ của mình. Có lẽ vì hiếm khi tự mình thực hiện khâu này nên ban đầu các em khá lúng túng, nhưng khi đã đặt được tên cho tổ, các em hào hứng hẳn lên, hô vừa to vừa rõ tên của mình, những cái tên vừa ngộ nghĩnh, vừa mang một ý nghĩa thật trong sáng như các em vậy! “sư tử-hùng mạnh”, “siêu nhân gao, bay lên cao, siêu nhân gao, rớt xuống ao, siêu nhân gao, yeah, yeah, yeah,…”
Không khí dường như náo động hơn khi trò chơi đầu tiên bắt đầu: trò “Cướp cờ”. Trong không gian có phần hạn chế dưới tầng hầm nhà thờ, chúng tôi và các em vẫn chơi, chơi và chơi mặc cho ngoài trời mưa vẫn như trút nước. Tiếng cười, tiếng hét xen lẫn tiếng cỗ vũ dường như đã lấn át hoàn toàn tiếng mưa ngoài kia. Bịch, bịch, bịch,… tiếng bước chân dáng xuống nền xi-măng, từng cặp, từng cặp chơi nắm tay nhau cùng chạy lên hòng lấy cho kỳ được lá cờ đỏ chính giữa. Chỉ sau vài lần rơi vào tay các em, lá cờ của chúng tôi đã trở nên tan tác. Vậy là một thành phần dự bị ngoài mong đợi xuất hiện: “Cờ dép”. Và chắc cũng từ đó, trò chơi “Cướp dép” đã được khai sinh tại Họ đạo Khánh Hưng.
Hết trò thứ nhất, trời đã ngớt mưa, ông Cố (Cha) ra hiệu cho chúng tôi di chuyển địa bàn. Oh yeah!!! Chúng tôi (cả thầy và trò) như con chim vừa được xổ lồng, gói ghém mọi thứ di chuyển ra sân trước để tiếp tục. “Kéo co” chắc là trò chơi thể hiện rõ nhất tinh thần đồng đội. Súng tay, súng miệng của Cha vừa vang lên là sợi dây căng ra trong thấy. “Xuống tấn”, “1,2,3.. zô”, “cố lên, cố lên…” đó là tiếng hô hào không ngớt của đội cổ vũ nhiệt tình. Còn các chiến binh của chúng ta (đến từ 2 trong 4 đội) dù phải vận hết sức, chân trụ, tay kéo, người ngã hẳn về phía sau nhưng vẫn nhoẻn miệng cười dù mồ hôi đã rơi lã chã trên má. Vậy mới thấy, dù là một trong những trò chơi dân gian lâu đời, nhưng kéo co vẫn luôn mang lại những cảm giác mới mẻ, hào hứng.
Thoắt cái, đồng hồ đã điểm 10h00, trò chơi cuối cùng tiếp diễn sau những bài vũ mẫu sôi động. Nhằm tạo sự mới mẻ cho các em, chúng tôi đã quyết định kết hợp nhiều trò chơi dân gian lại, đồng thời thêm vào đó những chi tiết hiện đại. Từ nhảy bao bố, nhảy dây, quay gạch, thổi bóng cho đến đập bể bóng bằng mông, các em vẫn chơi hết sức nhiệt tình dù đã thấm mệt bởi vừa dùng khá nhiều sức cho 2 trò trước và bởi nắng trưa đã xuất hiện từ lâu. “hịc, hịc,..”, “phù , phù,..”, “Đốp”,.. phát ra liên thanh, dồn dập từ đầu tới cuối trò chơi. Nếu ai mà quan sát chặng quay gạch và thổi bóng của các em thì chắc ai cũng phải lăn ra cười, cái thì “chu mông – phồng mỏ”, cái thì “chân tả đá chân xiêu”, … nom thật dễ thương.
10h30, kết thúc ngày sinh hoạt thứ 2 cùng các em. Trong không khí vui tươi, các em cùng nhau chia quà bánh ra ăn chung. Cười cười, nói nói, chúng tôi cũng cùng hòa theo với các em…
Đúng là không uổng phí tâm huyết của chúng tôi và sự giúp đỡ của Cha, thầy và Ánh (một sinh viên của Họ đạo), chương trình đã diễn ra khá thành công, tốt đẹp. Thành công nhất không phải ở việc chạy chương trình suôn sẻ, đúng dự tính mà chính là tinh thần của các em. Ngày hôm nay, các em dường như không còn ngại ngùng, e thẹn như mấy hôm đầu nữa. Thay vào đó, các em chơi hết mình, cố gắng hết sức trong tất cả trò chơi của chúng tôi. Nói như Cha: “Hôm nay các thầy, các cô phá băng các em được rồi đấy”.
**Phá băng: phá tan sự xa cách, lạnh lùng; làm cho khoảng cách gần lại, mối quan hệ trở nên gần gũi, thắm thiết hơn.
Nghỉ mệt sau ngày sinh hoạt dài, mệt, vui,.. vô vàn cảm xúc, chúng tôi cùng nhìn phía xa xa, chốc chốc phá lên cười… “ Haha… dọn nhà thôi…”
** Xin mời các bạn đón đọc tin tức tuần sau nhé… Chúc mọi người một ngày vui vẻ !**
Trích “NKHX Cà Mau 2016”