Thánh lễ

Em chào Anh Ba. Em xin hỏi:

1) Thỉnh thoảng trong giáo xứ có lễ cưới vào giờ lễ chính ngày Chúa nhật. Có qui định nào cho giáo dân được xin lễ cưới vào giờ lễ chính chủ nhật không? Cha xứ có quyền từ chối là căn cứ vào qui định hay là do cảm tính?

2) Nếu chỉ tham dự thánh lễ cưới trong ngày Chúa nhật (bài đọc Sách Thánh và bài Phúc Âm dành cho lễ cưới), giáo dân có được xem là đã tham dự thánh lễ của ngày Chúa nhật không? Có buộc phải tham dự thêm thánh lễ trong giờ lễ chính ngày Chúa nhật không?

3) Giáo dân có quyền xin cha xứ chỉ ban bí tích hôn nhân mà không có thánh lễ, trong trường hợp đột xuất không? (như chạy tang, người thân bị tai nạn,cháy nhà…).

4) Thánh lễ tại gia có ảnh hưởng đến việc Chúa thưởng phạt linh hồn người mới qua đời không? Nếu đã có thánh lễ an táng thì có cần phải có thánh lễ tại gia không?

5) Nhiều người cho rằng đọc kinh cầu nguyện và xin lễ cho các linh hồn, chỉ đem lại ơn ích cho người sống. Một linh hồn đã phạm tội trọng phải sa hỏa ngục thì dù có đọc kinh bao nhiêu, xin bao nhiêu lễ cầu hồn thì cũng không có thay đổi. Hiểu như vậy có đúng không?

Em xin cám ơn Anh Ba rất nhiều.

Tên: Vũ thị Toàn Email: yeuduoibattoan@gmail.com

Trả lời: Bạn Vũ Thị Toàn thân mến,

1) Việc cử hành thánh lễ cưới vào ngày Chúa nhật là tùy vào bối cảnh mục vụ của từng giáo phận và giáo xứ, đương nhiên là theo những quy định của giáo phận đó, nhất là những trường hợp và nhu cầu mục vụ đặc biệt nào đó mà cha xứ nhận thấy nên hoặc không nên.

2) Theo ý kiến riêng của Anh Ba Nếp nếu như thánh lễ cưới được tổ chức trong ngày Chúa nhật thì như thế là đủ! Tuy nhiên, người tín hữu cũng không nên có đầu óc tính toán theo kiểu nệ luật, sợ luật, mà cần hiểu rằng luật “giữ ngày Chúa nhật” là một điều hữu ích cho chính tín hữu khi họ được cơ hội đến chia sẻ Bàn Tiệc Thánh cùng với Giáo hội và lãnh nhận ân sủng từ thánh lễ. Làm sao để việc tham dự thánh lễ luôn trở thành nhựa sống cho các tín hữu trong cuộc sống hằng ngày, trong đời sống đức tin và tình yêu của mình với tha nhân, chứ không phải là một gánh nặng, đi cho xong, đi cho an tâm vì mình đã chu toàn luật lệ!

3) Những nguyên tắc trong mục vụ hôn nhân đều có những quy định cho những trường hợp đặc biệt mà linh mục chánh xứ cần cân nhắc kỹ càng, sau khi đã kiểm tra kỹ lưỡng sự việc.

4) Ân ích từ thánh lễ đều như nhau, còn việc “thưởng phạt” thế nào thì chỉ có Chúa mới là Đấng phán xét mà thôi! Việc có thánh lễ tại gia hay không là tùy vào bối cảnh mục vụ của từng giáo phận.

5) Việc “đọc kinh cầu nguyện và xin lễ cho các linh hồn” đem lại ơn ích cho cả hai, người sống cũng như đã qua đời. Cầu nguyện, xin lễ là bổn phận của các tín hữu, còn chuyện phán xét ai phải sa hỏa ngục hay thế nào đó, theo đức tin người Công giáo, là thẩm quyền của Thiên Chúa trong ngày phán xét chung. Không ai được quyền phát xét người khác trước thời hạn của Chúa, cho dẫu ai đó trước mắt người đời là rất tội lỗi! Bổn phận người tín hữu là cầu nguyện, xin lễ cho những người đã khuất, còn những chuyện khác hãy phó thác vào lòng từ bi, thương xót, nhân từ, chân thật và công bằng của Thiên Chúa.

Đôi lời cùng  bạn.

Anh Ba Nếp