CHÚA GIÊSU CHỊU CHẾT NĂM NÀO?

Chúng ta đang ở trong Tuần Thánh tưởng niệm cuộc thương khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Đây không chỉ là sự tưởng niệm về một biến cố trong quá khứ, nhưng còn là lời mời gọi mọi Kitô hữu cùng thông chia vào vinh quang thập giá Chúa Giêsu, Đấng đã chịu đóng đinh vào thập giá, đã chết và đã sống lại.

Trong bài đăng trên websites Nhóm Sinh viên Nữ Vương tháng 12/2015 vừa qua, chúng ta đã tìm hiểu về ngày Chúa Giêsu sinh ra. Nhân dịp này, chúng ta sẽ tìm hiểu về ngày Chúa Giêsu đã chịu tử nạn và phục sinh.

  1. Chúa Giêsu đã chết vào ngày thứ Sáu và sống lại vào ngày Chúa Nhật ?

** Quan điểm cho rằng Chúa Giêsu chết vào ngày thứ Sáu được dựa trên các chứng từ Kinh Thánh sau:

  • Mc 15,42 : Chiều đến, vì hôm ấy là ngày áp lễ, tức là hôm trước ngày sa-bát…
  • Lc 23,54 : Hôm ấy là áp lễ, và ngày sa-bát bắt đầu ló rạng…
  • Ga 19,14 : Hôm ấy là ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng mười hai giờ trưa…

Như thế, ở đây, trong các trích đoạn về cuộc thương khó của Chúa Giêsu, chúng ta thấy có hai dữ kiện về ngày cần tìm hiểu: ngày sa-bát và ngày lễ Vượt Qua.

  • Ngày sa-bát của người Do Thái bắt đầu vào tối thứ Sáu, lúc mặt trời lặn, và kết thúc vào ngày thứ Bảy, cũng vào lúc mặt trời lặn (x. J.A. Hardon, Từ điển Công giáo phổ thông, tập II , tr.252).
  • Ngày lễ Vượt Qua của người Do Thái diễn ra vào ngày 15 tháng Nixan theo niên lịch Do Thái, để tưởng niệm biến cố Đức Chúa giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập.

Như vậy, lời tường thuật của 3 tác giả Tin Mừng trên đây có sự mâu thuẫn nào không? Thưa không, vì vào năm Chúa Giêsu chịu chết, ngày lễ Vượt Qua cũng trùng vào ngày Sa-bát, như thánh Gioan đã nêu rõ ngay sau Ga 19,14 ở trên: Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. (Ngày lễ lớn ở đây chính là lễ Vượt Qua đã nói ở câu 14).

  • Kết luận: Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá vào ngày thứ Sáu.

** Quan điểm cho rằng Chúa Giêsu sống lạiv ào ngày Chúa Nhật được dựa trên các chứng từ Kinh Thánh sau:

  • Mt 28,1 : Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a, đi viếng mộ.
  • Mc 16,2 : Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ
  • Lc 24,1 : Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ
  • Ga 20,1 : Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ

Như vậy, cả 4 tác giả Tin Mừng đều tường thuật việc các phụ nữ đi viếng mộ Chúa vào ngày thứ nhất trong tuần, và đã chứng kiến ngôi mộ trống. Tuần lễ của người Do Thái bắt đầu vào ngày thứ nhất sau ngày sa-bát, tức là ngày Chúa Nhật.

  • Kết luận: Chúa Giêsu đã phục sinh vào ngày Chúa Nhật.

Ở đây, xin được mở rộng thêm, sẽ có người thắc mắc: Thế thì tính từ ngày thứ Sáu tới ngày Chúa Nhật, chưa đủ 3 ngày như lời Chúa tiên báo. Điều này giải thích thế nào?

Xin được mượn lời của thánh Tôma Aquinô, tiến sĩ Hội Thánh, trong bộ Summa Theologiae, phần III, Quaestio 53, articulus 2 (ST III, q.53 a.2 ad3):

« Như người ta đã lưu ý trước (Q.51, a.4, sol 1 và 2), Chúa Kitô đã sống lại lúc tảng sáng, khi sự sáng bắt đầu xuất hiện, ngõ hầu tiêu biểu Ngài do việc sống lại dẫn đưa chúng ta vào sự sống vinh phúc; cũng vậy, Ngài chết lúc gần chiều tối và gần sự tối tăm, ngõ hầu chứng tỏ Ngài nhờ sự chết của mình mà phá hủy sự tối tăm của tội và của hình phạt. Tuy nhiên, người ta nói Ngài đã sống lại vào ngày thứ ba, người ta hiểu tiếng ngày theo ý nghĩa là ngày tự gồm khoảng 24 tiếng đồng hồ. Theo thánh Augustinô (De Trin. 4,6), ban đêm cho tới buổi sáng mà sự sống sống lại của Chúa Kitô đã được tỏ ra thì thuộc về ngày thứ ba. Quả thế, Thiên Chúa đã phán: “Sự sáng phải ra ngoài sự tối tăm, ngõ hầu ân sủng của Tân ước, do sự thông phần vào sự sống lại của Chúa Kitô chúng ta hiểu biết được ý nghĩa của lời nói này: “Vì xưa kia anh em là tối tăm, nhưng nay, trong Chúa, anh em là sự sáng ở nơi Thiên Chúa” (Ep 5,8). Do đó, thánh nhân theo một thể cách nào đó khêu gợi cho chúng ta biết ngày bắt đầu từ sáng đến đêm tối, vì sự sa ngã sau này của nhân loại; mà ban ngày ở trong mồ được tính từ sự tối tăm đến sự sáng, vì sự cải hóa nhân loại. Và như vậy, rõ ràng điều này, cho dầu Chúa Kitô đã sống lại vào nửa đêm, người ta vẫn còn có thể nói được Ngài đã sống lại vào ngày thứ ba, bằng cách hiểu điều đó về ngày tự nhiên. Song, bởi vì Ngài đã sống lại lúc tảng sáng, người ta có thể nói Ngài đã sống lại vào ngày thứ ba cho dầu người ta hiểu điều đó về ngày theo mặt trời, bởi vì mặt trời đã bắt đầu soi sáng không khí. Như vậy, thánh Maccô (16,2) đã nói các người phụ nữ đến mồ lúc mặt trời đã mọc; điều đó không mâu thuẫn với lời nói của thánh Gioan: “Khi đó trời còn tối; bởi vì theo sự nhận xét của thánh Augustinô (De Consenau Evang. 3,24), khi mặt trời mọc, sự tối tăm biến mất dần dần, theo mức độ sự sáng đi lên. Còn về sự xác nhận của thánh Maccô: “Khi mặt trời đã mọc, người ta không nên hiểu điều đó dường như mặt trời đã xuất hiện trên chân trời, nhưng như gần mọc lên đối với các vùng đó.”

Hơi khó hiểu đúng không ?

Chúng ta có thể tóm lược lại thế này : Ngày ở đây không nên hiểu theo nghĩa 24 giờ nhưng được hiểu theo nghĩa thần học hơn. Theo trích dẫn từ các chứng từ Kinh Thánh và các Giáo phụ, chúng ta có thể coi từ ánh sáng đến bóng tối là một ngày, và từ bóng tối đến ánh sáng là một ngày, ý nghĩa của việc này đã được thánh Tôma Aquinô trưng dẫn ở trên. Như thế, từ chiều thứ Sáu tới sáng thứ Bảy là một ngày, từ sáng thứ Bảy tới chiều thứ Bảy là ngày thứ hai, và từ chiều tối thứ Bảy đến sáng Chúa Nhật là đủ ba ngày.

Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể giải thích thêm một chút, nhưng vẫn đảm bảo ý nghĩa, dẫu cho coi một ngày là 24h. Ta có thể dẫn chứng Kinh Thánh Cựu Ước trong Hs 6,1-2: “Sau hai ngày, Người sẽ hoàn lại cho chúng ta sự sống; ngày thứ ba, sẽ cho chúng ta trỗi dậy”. Và việc Đức Giêsu có lưu lại trong cõi chết một thời gian, đó là hoàn toàn do ý Người muốn như vậy. Đồng thời cũng để hàm ý rằng Người đã thực sự chết cho con người, vì tội lỗi con người.

Hoặc những ai muốn trưng dẫn 4 sách Phúc Âm thì cũng có thể dựa vào các chứng từ mà Chúa Giêsu nói về việc phá đền thờ Jêrusalem, và “nội trong ba ngày” Người xây dựng lại ở Mt 26,61; 27,40;  Mc 15,29; Ga 2,20…

  1. Vậy còn ngày tháng cụ thể của biến cố này ra sao ?

Trong bài viết “Chúa Giêsu sinh ra năm nào”, chúng ta đã nói đến những cách tính niên lịch khác nhau và đưa đến sai số trong việc xác định năm Chúa sinh ra đời. Ở đây cũng vậy, việc xác định ngày tháng năm Chúa Giêsu chịu chết quả không dễ dàng.

  • Dữ kiện thứ nhất là Tin Mừng Lc khi nói về sứ vụ của Gioan Tẩy giả: Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê, Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê, người em là Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-khô-nít, Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên, Kha-nan và Cai-pha làm thượng tế…
  • Gioan Tẩy giả bắt đầu sứ vụ của ông năm thứ 15 triều hoàng đế Tiberius. Theo sử liệu Roma, Tiberius làm hoàng đế từ năm 18 – 36 SCN. Vậy chúng ta xác định được năm này là năm 29. Mà Gioan Tẩy giả đi rao giảng trước, khi Chúa Giêsu đến thì đã có số đông theo làm môn đệ Gioan. Như thế thì sứ vụ của Chúa Giêsu bắt đầu sau vài năm. Vì cũng Lc 3,23 nói Chúa Giêsu khi bắt đầu rao giảng, Người “trạc 30 tuổi” chứ không nói chính xác 30 tuổi. Vậy Chúa Giêsu khi ấy hơn kém 30 tuổi vài năm, tương ứng với những gì chúng ta đã nói ở mùa Vọng.
  • Theo lịch sử Roma, Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê từ năm 26 – 36. Vậy Chúa Giêsu chết trong khoảng thời gian từ năm 29 (Gioan đi rao giảng) đến năm 36 (hết đời tổng trấn Phong-xi-ô Phi-la-tô)
  • Ở trên, chúng ta đã xác định Chúa Giêsu chết vào thứ Sáu, áp lễ Vượt Qua. Từ khoảng năm 29-36, có những lễ Vượt Qua sau:

+ Thứ Hai, 18 tháng 4 năm 29.

+ Thứ Sáu, 7 tháng 4 năm 30.

+ Thứ Ba, ngày 27 tháng 3 năm 31.

+ Thứ Hai, ngày 14 tháng 4 năm 32.

+ Thứ Sáu, 3 tháng 4 năm 33.

+ Thứ Tư, ngày 24 tháng 3 năm 34.

+ Thứ Ba, ngày 12 tháng 4 năm 35.

+ Thứ Bảy, ngày 31 tháng 3 năm 36.

  • Để phù hợp với ngày Thứ Sáu, chỉ có thể xảy ra hai trường hợp: ngày 7/4/30 hoặc ngày 3/4/33.
  • Dữ kiện thứ hai là trong Tin Mừng Gioan (2,13; 6,4; 11,55), Chúa Giêsu đã dự ba lễ Vượt Qua. Như vậy có thể suy đoán là không thể vào ngày 7/4/30, vì năm 29 Gioan mới đi rao giảng, Chúa Giêsu còn khởi đầu sứ vụ sau Gioan. Vậy chỉ có thể là vào ngày Thứ Sáu, 3/4/33.
  • Dữ kiện thứ ba mang tính khoa học hơn, với các chi tiết được lấy trong Kinh Thánh khi Chúa Giêsu tắt thở: bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung đá vỡ (Mt 27,51; Mc 15,38; Lc 23,45). Các nhà khoa học đã nghiên cứu các trận động đất diễn ra tại khu vực Jerusalem vào khoảng thời điểm đó, và thông tin được đưa ra cũng cho thấy vào khoảng thời gian 3/4/33 đã có những trận động đất và dư chấn diễn ra trong khu vực. Mới đây nhất (http://khoahoc.tv/xac-dinh-duoc-ngay-chua-jesus-bi-hanh-hinh-39729), các nhà địa chất Mỹ cũng đã đưa ra kết luận của nghiên cứu địa chấn vùng Biển Chết, cho biết có 2 cuộc động đất lớn gây ảnh hưởng lên lõi cấu trúc địa chất, xảy ra vào năm 31 TCN và năm 33 SCN.
  • Kết luận: Kết hợp sử liệu La Mã, lịch Do Thái, các tính toán thiên văn và khoa học địa chất, cùng các dữ liệu trong Kinh Thánh, chúng ta có thể khẳng định một cách tương đối nhất về ngày Chúa Giêsu chịu chết, đó là ngày Thứ Sáu, 3/4/33.