Học để làm gì ?

“Việc học ngày nay chán nửa rồi

Mười thằng đi học bảy thằng chơi

Ba thằng vào lớp hai thằng ngủ

Còn lại thằng kia cũng gật gù”

Đó là những câu thơ mà người viết đã từng đọc được trên bức tường của giảng đường hồi người viết còn học dưới mái trường đại học. Những tưởng rằng việc học ở môi trường xã hội đã và đang sa sút đi, phần nào vì những chính sách giáo dục thiếu thực tế, hay có thể nói là sai lệch của những người tự cho mình là “đỉnh cao của trí tuệ nhân loại” đề xướng, nhưng phần không nhỏ cũng nằm ở ý thức học tập của mỗi cá nhân chúng ta. Vậy các bạn sinh viên Nữ Vương Hòa Bình, bạn nghĩ sao ?

Bỏ qua các lý do khách quan liên quan đến cách thức truyền đạt của giáo sư, chương trình học…, ở đây, người viết muốn đề cập đến khía cạnh mục đích việc học dẫn đến thái độ học tập sa sút này. Bởi thực tế cho thấy, nhiều năm gần đây, phần đông các cử nhân, kỹ sư ra trường không biết phải làm gì và tương lai sẽ như thế nào, dẫn đến tình trạng thất nghiệp “dài hạn” hay phải đi làm những công việc trái nghề, mà bằng cấp chẳng có giá trị đối với công việc. Có phải chăng nhà trường chưa hướng sinh viên theo mục tiêu cụ thể nào, mà vẫn lối học giàn trải, cái gì cũng chuyên, mà chẳng chuyên thứ nào? Người viết nghĩ không hẳn như vậy. Thế thì chính các bạn sinh viên, bạn đang học để làm gì? Mục tiêu học tập của bạn là như thế nào?

Tạm gác câu hỏi đó lại cho mỗi người chúng ta cùng nhau suy nghĩ. Ở đây, người viết xin chia sẻ một chút tâm tình của bản thân về việc học. Những mong những cảm nghĩ cá nhân này sẽ là một cái gì đó đọng lại nơi các bạn, để các bạn tự tìm cho mình con đường tương lai trong những ngày tháng “mài đũng quần trên ghế nhà trường”.

“Thuở còn nhỏ, tôi chưa biết học để làm gì và học như thế nào, chỉ biết rằng được ba mẹ cho đến trường, tôi nghe và học những gì thầy cô dạy. Lớn lên một chút, tôi biết đọc thêm sách vở, xem thêm báo chí, phương tiện truyền thông… Rồi cứ thế, càng học lên cao, tôi càng tích lũy cho mình nhiều kiến thức với những cách học ngày càng phong phú hơn. Nhưng cũng theo thời gian, thái độ “biết rồi” đã khiến tôi “ngủ quên” trên mớ kiến thức cỏn con mà tôi có được, khiến tôi không còn say mê việc học hành, say mê kiếm tìm những tri thức mới, cho đến ngày tôi bắt gặp câu nói của triết gia Aristotle: “Điều kiện đầu tiên để có được nhiều tri thức là phải biết nhìn đời bằng cặp mắt của trẻ thơ, thấy điều gì cũng mới lạ và khiến cho ta ngạc nhiên,” tôi mới giật mình nhận ra mình đã đánh mất đi sự hiếu học, ham mê tìm tòi, khám phá, thấy bao điều mới lạ của những ngày đầu tiên cắp sách đến trường. Để rồi giờ đây lần trở lại con đường học vấn của mình, tôi bắt đầu xây dựng lại cho bản thân một phương pháp học tập, một con đường dẫn tôi đến những tri thức mới với sự hiếu kỳ, hiếu động, và một chút hiếu thắng muốn chinh phục những miền tri thức mới.

Ý NGHĨA CỦA VIỆC HỌC

  1. Học để biết mình

Con người ta, ai cũng có giới hạn, nhân vô thập toàn. Chính vì thế, phải nhận ra bản thân, biết được vị trí của bản thân trong gia đình, xã hội mới là mục đích đầu tiên của việc học. Học hành giúp ta rèn luyện bản thân về cả nhân cách và học vấn, giúp ta biết cách đối nhân xử thế, để ta trưởng thành hơn, hoàn thiện hơn trong đời sống.

  1. Học để yêu người

Con người không thể sống mà không có tha nhân. Chúng ta sống cùng, sống với tha nhân, chính vì thế, chúng ta phải biết sống cho tha nhân nữa. Học tập không chỉ giúp chúng ta biết mình, xây dựng cho mình, và việc học đích thực còn phải giúp chúng ta biết nhận ra tha nhân quanh mình nữa.

Học tập phải là hành trang để đưa ta đến với những người cần đến ta nữa. Chúng ta phải lấy tri thức để yêu thương, phục vụ con người. Thấy người thua kém thì giúp đỡ cho họ tiến bộ lên, thấy người đơn côi phải ủi an chia sẻ… Có sống được như vậy, việc học của chúng ta mới không trở nên vô ích.

  1. Học để xây dựng cuộc đời

Xã hội luôn khuyến khích mọi người học tập. Tri thức sẽ giúp cho con người xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn, ấm no hơn, hạnh phúc hơn. Con người, qua học tập sẽ tích lũy cho mình một tri thức nhất định. Nếu vận dụng tốt tri thức ấy vào cuộc sống sẽ không chỉ sinh ích cho bản thân, mà còn góp phần làm phong phú thêm cho xã hội.

  1. Học để nên thánh

Con người sinh ra đều hướng tới cho mình một cùng đích thánh thiện. Nếu nói như cha Timothy Radcliffe, nguyên BTTQ dòng Đa Minh, thì “học hành là con đường nên thánh”. Việc học sẽ giúp ta biết bình, biết người, để rồi biết yêu thương cuộc đời, xây dựng cuộc đời qua việc sống bác ái, phục vụ tha nhân. Như thế, việc học sẽ giúp ta sống thánh thiện giữa cuộc đời, để vươn tới cùng đích thánh thiện mà mỗi con người đều có chung với nhau, đó là thiên đàng của Kitô giáo, là cõi Niết bàn của Phật giáo vậy.

PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP

  1. Học qua sách vở

Văn hào Nga, Maxim Goorky, đã từng nói: “Sách mở rộng trước mắt tôi những chân trời mới”. Như đã nói ở trên, việc học chính là tìm kiếm sự mới lạ của tri thức, vì thế, chân trời mới mà sách vở mang lại chính là động lực thôi thúc ta đến với việc học. Có thể nói rằng, không ai có thể học mà không có quyển sách nào. Ngày nay, ngoài sách vở được in ấn, còn có rất nhiều nguồn sách mà ta có thể kiếm tìm trên Internet, đó cũng là nguồn sách mà ta có thể học hỏi.

  1. Học qua kinh nghiệm của người khác

Người đầu tiên mà ta có thể học tập là thầy cô của mình. Nghề nghiệp của họ chính là việc truyền đạt kinh nghiệm cho người khác. Do đó, thầy cô chính là nơi ta có được kiến thức và nhân cách mà không phải qua trải nghiệm của bản thân.

Bạn bè, người thân quanh ta cũng cho ta những tri thức rất mới mẻ qua cuộc đời của họ. Những thành công, thất bại trong cuộc đời của họ là bài học cho bản thân ta.

Nói cho cùng, mọi người đều có những kinh nghiệm riêng và đều đáng cho ta học tập.

  1. Học qua trải nghiệm của bản thân

Qua chính thành công, thất bại trong cuộc đời mình, chúng ta rút ra bài học để làm kinh nghiệm cho mình. Đó cũng là một cách học rất bổ ích.

  1. Học qua cuộc sống

Thiên nhiên vạn vật quanh ta đều có những vận hành, những quy luật. Nắm được các điều đó, chúng ta sẽ có thật nhiều tri thức trong cuộc sống.

  • Thái độ học tập

Trước tiên, ta phải nhận diện khả năng của mình, để tìm được cách thức và môi trường thích hợp, phù hợp cho ta trong việc học tập.

Thứ đến, ta phải có thái độ khiêm tốn, đón nhận những điều mới, vì những gì ta biết chỉ là giọt nước, còn những điều ta chưa biết là cả đại dương.

Bên cạnh đó, ta phải luôn chăm chỉ, chuyên cần và phải biết tìm ra niềm vui cho bản thân với những sự mới mẻ mà tri thức mang lại.

Thiết nghĩ, đó là phương pháp học tập của bản thân người viết, những hy vọng sẽ có thể giúp ích cho ai đó khi cần đến. Bởi không phải cách nào cũng tốt, thầy nào cũng giỏi. Điều quan trọng là ta phải biết nhận diện và lựa chọn đúng cho mình cách học tập thích hợp.

TẠM KẾT

Quả thật, việc học luôn thôi thúc và đưa dẫn chúng ta đến những điều mới lạ. Triết gia Aristotle có lẽ không muốn tái khẳng định sự mới mẻ của tri thức cho bằng khuyến khích mọi người tìm đến tri thức với thái độ tự nguyện, dấn thân và yêu thích. Người viết đã bắt gặp một lần nữa sự khuyến khích ấy trong tác phẩm “Sống đẹp” của nhà văn Kim Dung: “Việc học là như thế này: trước đây, ta hiểu vấn đề đó là như vậy, nay ta hiểu nó một cách khác đi. Đó là việc học.” Như thế, việc học tập đối với người viết bây giờ như một thế giới mới mẻ, lạ lẫm trong mắt đứa trẻ. Có khác chăng là người viết đã có được cho chính mình một phương pháp để học và để việc học có hiệu quả.

Thảo Nguyên Xanh