Nội san thắp sáng 12 – Thánh lễ: Nguồn sức sống của nhóm NVHB

Không khí và thực phẩm là nguồn nuôi sống thể xác con người. Con người không thể tồn tại nếu thiếu không khí để thở, thiếu thực phẩm để ăn. Cũng vậy, đời sống người Kitô hữu không thể sống và sống dồi dào nếu không được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa (x.Ga 10,10). Nhóm Sinh viên Công Giáo Nữ Vương Hoà Bình (NVHB) đang sống và sống một cách dồi dào, điều này chắc hẳn là nhờ ơn ban của Thiên Chúa qua một hoạt động đức tin căn cốt không thể thiếu của Nhóm: đó là Thánh Lễ.

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Thánh Lễ đã trở thành một nét sinh hoạt đặc trưng quan trọng nhất, có giá trị dẫn đạo cho Nhóm.1 Thánh Lễ chính là điều đặc biệt của các Nhóm Sinh viên Công Giáo so với các tổ chức, các đoàn thể thanh niên – sinh viên của xã hội. Vậy điều gì khiến Nhóm NVHB chọn Thánh Lễ là tâm điểm của mọi sinh hoạt, là nguồn sức sống của Nhóm ?

Đâu là giá trị mà Thánh Lễ mang lại cho mỗi người tín hữu khi tham dự Thánh Lễ ?

Trước hết, Thánh Lễ không phải là một sáng kiến của con người nhưng là một sự nối truyền mệnh lệnh của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly : “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Khi cử hành Thánh Lễ, Hội Thánh hiện tại hoá Hy Tế của Chúa Kitô, nơi đó chính Chúa Kitô đã trao ban Mình và Máu Thánh Người để cứu chuộc nhân loại. Thánh Lễ là đỉnh cao của các cử hành phụng vụ trong Hội Thánh (x. GL 1324).

Thánh Lễ – Hy Tế tuyệt vời – mà Chúa Giêsu vừa là Thượng Tế vừa là Tế Vật dâng lên Thiên Chúa Cha. Những người tham dự Thánh Lễ cùng dâng lên Thiên Chúa Cha những lời nguyện “nhờ” và “cùng” với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, nên đạt được một hiệu quả lớn lao vô cùng mà không một hành vi đạo đức nào khác có thể sánh bằng. Thánh Lorenzo Giustiniano đã dùng một biểu tượng cái cân hai đĩa : nếu một đĩa đặt tất cả mọi việc lành, cầu nguyện, ăn chay, phạt xác, hành hương và đủ mọi việc đạo đức khác; còn đĩa cân kia chỉ cần đặt một Thánh Lễ mà thôi, thì cán cân lệch hẳn về Thánh Lễ. Vì chính trong Thánh Lễ, Đức Kitô hiện diện với đầy đủ Thần tính và Nhân tính của Người để dâng lên Thiên Chúa Cha, nơi Người chứa đựng công nghiệp cứu chuộc vô hạn, và lời chuyển cầu của Người có sức mạnh vô biên.2 “Cũng như đầu là phần cao quí nhất của thân thể, không bộ phận nào khác cao quí bằng, thì cũng thế, lời cầu nguyện do Đức Kitô là Đầu dâng lên khi Người cầu nguyện cho chúng ta trong Thánh Lễ, có giá trị vượt xa lời cầu nguyện của mọi tín hữu là chi thể của Người”.3 Như thế, không một ai có thể chối bỏ hiệu quả ân sủng Thiên Chúa ban một cách vượt trội của Thánh Lễ so với các hành vi đạo đức khác. Vậy NVHB đã đón nhận và sống tinh thần Thánh Lễ ra sao trong sinh hoạt của Nhóm?mass1

Theo nhận định của một anh cựu đồng hành: “Sự phát triển của Nhóm NVHB như ngày hôm nay khởi đi từ một hoạt động không thể thiếu của người Kitô hữu, đó là Thánh Lễ. Thánh Lễ là đỉnh cao của sự hiệp thông huynh đệ trong gia đình NVHB”.4 Trong điều kiện cho phép, hầu hết các sinh hoạt Nhóm đều khởi đầu bằng một Thánh Lễ. Qua Thánh Lễ, mọi khoảng cách về tuổi tác, quê quán – vùng miền, giữa các thành viên cũ – mới,… đều được xoá bỏ, chỉ còn một sự hiệp nhất trong cùng một đức tin và cùng chia sẻ một Tấm Bánh Linh Thiêng là chính Chúa Giêsu – nguồn mạch sự sống. Nhờ sức mạnh trong sự kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô mang lại cho mỗi thành viên một cảm nghiệm ấm áp của một cộng đoàn phụng vụ hiệp nhất. Tinh thần hiệp nhất ấy không phải là một sự khép kín nội bộ nhưng là một sự hiệp thông trong Hội Thánh Chúa bằng tất cả tâm tình trao ban, một sự mở ra của tâm hồn, một sự trao tặng chính sức sống và lòng nhiệt thành của tuổi trẻ cho những lý tưởng, những sứ vụ mà mỗi thành viên của Nhóm mang trong mình là : “Sống ơn gọi Kitô hữu và sống có ích trong môi trường xã hội hôm nay, đặc biệt trong môi trường đại học”.5 “Ơn gọi NVHB” được cụ thể hoá qua sự dấn thân chia sẻ tình yêu của Chúa cho những mảnh đời kém may mắn qua những chuyến công tác xã hội, những tháng Mùa Hè Xanh đầy sức sống ở những vùng xa xôi hẻo lánh – một sự hiện diện ấm áp của tình Chúa và tình người. Sự dấn thân trao ban tình thương cho những anh chị em con cùng một Cha trên trời là một sự nối tiếp của hiệu quả ân sủng từ Thiên Chúa, được kín múc và nuôi dưỡng bởi Mình và Máu Thánh Chúa qua Thánh Lễ. Thánh Clêmente thành Alexandria đã nói rằng: “Đối với các Kitô hữu đích thực, tất cả cuộc sống là một ngày lễ liên tục, bởi vì tất cả cuộc đời ta được hiến dâng cho Thiên Chúa và dành cho việc cảm tạ Ngài”.6

Đồng thời, điểm đặc biệt trong Thánh Lễ của Nhóm là một cộng đoàn phụng vụ năng động. Nếu ai đã từng tham dự thì chắc rằng sẽ cảm nhận rõ điều này. Một sự chủ động và nhiệt thành trong việc chuẩn bị cho Thánh Lễ thêm phần sốt sắng : từ việc chuẩn bị không gian cho Thánh Lễ, đến việc đệm đàn, tập hát cho ca đoàn, giúp lễ, đọc sách,… đều được các bạn sinh viên tự chuẩn bị và phối hợp một cách nhịp nhàng. Chính những hy sinh, cộng tác ấy, đã góp phần làm nên hiệu quả của việc cử hành phụng vụ vì “ngay cả những người giúp lễ, đọc sách, dẫn giải, và những người thuộc ca đoàn cũng chu toàn tác vụ phụng vụ đích thực”.7

Bên cạnh đó, niềm vui của những buổi tiệc không chỉ hệ tại việc ăn và uống, nhưng căn bản nhất hệ tại ở ý nghĩa tinh thần mà bữa tiệc mang lại. Mọi người cùng trao cho nhau cái bắt tay, nụ cười thân thiện và ánh mắt trìu mến. Trong những bữa tiệc mừng một ai đó nhân ngày vui : sinh nhật, cưới hỏi, thượng thọ… thì mọi khách mời được kết nối nhờ vào nhân vật chính của buổi tiệc. Ngay cả những người chưa quen biết cũng nhân cơ hội ấy mà trở nên thân quen, gắn bó với nhau hơn. Cũng vậy, Thánh Lễ là bữa tiệc tuyệt vời nhất mà không một bữa tiệc nào trên trần gian có thể sánh bằng vì mọi con cái của Chúa cùng thông phần Hiến Tế và ăn tiệc của Chúa.8 Nơi đó, người Kitô hữu được gặp gỡ “Nhân Vật” trung tâm không phải là một con người nhưng chính là Chúa Giêsu Kitô. Không những thế, mọi người tham dự “Bữa Tiệc” còn được chia sẻ cùng một Tấm Bánh là chính Mình và Máu của Người làm lương thực nuôi sống tâm hồn. Ý thức tầm quan trọng của Thánh Lễ, tâm tình mà các Kitô hữu và cách riêng mỗi bạn sinh viên cần phải có khi tham dự Thánh Lễ là một thái độ sẵn sàng, một ước muốn sâu xa, một tâm tình xứng hợp của tâm hồn, cũng như những cách thức bề ngoài phù hợp để xứng đáng tham dự và lãnh nhận ân ban từ Thiên Chúa.

Ngày lễ Bổn mạng của Nhóm – Mừng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa – cũng là ngày mừng Sinh Nhật Tuổi Mười Bốn, một cơ hội để nhìn lại chính mình, để ý thức hơn Nguồn sức sống nuôi dưỡng Nhóm cách chung và mỗi thành viên với tư cách là Kitô hữu, không gì khác hơn chính là Chúa Giêsu Kitô hiện diện nơi bí tích Thánh Thể, một bữa tiệc của Ân Sủng. Chính nhờ bàn tiệc Thánh Thể, mọi thành viên được gắn bó mật thiết với nhau, vì cùng xuất phát từ một nguồn ơn là Đức Giêsu. Từ đó, ơn ban ấy được lan toả vào những sinh hoạt của Nhóm một cách mạnh mẽ để tình thương của Chúa không đóng khung trong nội bộ Nhóm, nhưng là một sự lan toả đến với những con người mà Nhóm có cơ hội chia sẻ. Chủ đề Nội san năm nay : “Nữ Vương Hoà Bình – Một Góc Nhìn Mới” hẳn là dịp cần thiết để có một “Góc Nhìn Thiêng Liêng, Góc Nhìn Tĩnh Lặng” ở bề sâu của tâm hồn để mọi người cùng ý thức về Thánh Lễ là nguồn sống của Nhóm và của mỗi Kitô hữu chúng ta.

Viết chì nhỏ

——————————————————————————————————-
1 x. Quy chế hoạt động Nhóm NVHB, tr. 11.

2 x. MARTINUS VON COCHEM, Thánh Thể – Hy tế tuyệt vời, Nxb Tôn Giáo, Sài Gòn 2009, tr. 219.

3 Sđd, tr. 120.

4 Kỷ yếu thành lập Nhóm NVHB, 10 năm – Nối tiếp một hành trình, tr. 12.

5 Quy chế hoạt động Nhóm NVHB, tr. 3.

6 CLAUDE DUCHESNESU, Trích sách Khi họp nhau cử hành phụng, tr. 123.

7 Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Phụng Vụ, số 29.

8 x. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Phụng Vụ, số 10.