Đứng thẳng được (27.10.2014 – Thứ hai Tuần 30 Thường niên)

Lời Chúa: Lc 13, 10-17

Ngày sabát kia, Đức Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. Trông thấy bà, Đức Giêsu gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!” Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa. Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giêsu đã chữa bệnh vào ngày sabát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sabát!” Chúa đáp: “Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sabát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? Còn bà này, là con cháu ông Ápraham, bị Xatan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sabát sao?” Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.  

Suy niệm:

Trong dòng tiến hóa từ vượn lên đến người,

có một thay đổi bên ngoài khá rõ nét.

Càng tiến hóa thì lưng con vật càng thẳng hơn.

Khi con người có thể đứng thẳng, tầm nhìn sẽ rộng hơn, xa hơn.

Hai chi trước được tự do nên có thể làm được nhiều điều phức tạp.

Đứng thẳng đúng là một nét đặc trưng của con người
Người phụ nữ trong bài Tin Mừng hôm nay bị còng lưng đã lâu.

Mười tám năm không thể nào đứng thẳng lên được (c. 11).

Lưng bà còng hẳn xuống khiến tầm nhìn của bà bị giới hạn.

Có lẽ bà chỉ nhìn thấy mảnh đất nhỏ trước mặt hơn là thấy bầu trời cao.

Bệnh này thật khó chịu, khiến bà đi đứng khó khăn.

Vậy mà bà vẫn có mặt ở hội đường vào ngày sabát, khi Đức Giêsu giảng.

Dù bà thấp vì còng lưng, Ngài vẫn trông thấy bà.

Dù bà chẳng xin gì, Ngài vẫn chủ động gọi để gặp bà (c. 12).
Đức Giêsu nhìn thấy sự trói buộc do cơn bệnh dai dẳng.

“Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền.”

Chữa bệnh chính là đem lại giải thoát cho người phụ nữ.

Hơn nữa, Đức Giêsu còn đặt tay trên bà như một cử chỉ yêu thương.

Tức khắc bà còng lưng đã có thể đứng thẳng lên được.

Điều mơ ước từ mười tám năm, bỗng chốc thành hiện thực.

Bà có thể nhìn thấy bầu trời và cất lời tôn vinh Đấng ngự trên đó (c. 13).

Đức Giêsu coi bệnh của bà như một sự trói buộc của Xatan (c. 16).

Không phải chỉ là trói buộc bằng dây như người ta cột bò lừa (c. 15),

mà là trói buộc bằng xiềng xích.

Chính vào ngày sabát, Đức Giêsu đã cởi xiềng xích đó cho bà,

để bà được tự do, được đứng thẳng như một người bình thường.
Bà còng lưng bị trói buộc bởi gánh nặng của bệnh tật.

Nhưng có bao thứ trói buộc khác làm con người mất tự do.

Như người phụ nữ này, chúng ta muốn và cố làm cho mình đứng thẳng,

nhưng hoàn toàn bó tay từ nhiều năm qua.

Có những thứ trói buộc do tác động bên ngoài,

nhưng có thứ xiềng xích do chính chúng ta đúc nên để tự giam mình.

Tôi bị trói buộc bởi lòng ích kỷ, tham vọng, thèm muốn…

Chúng ta cần thú nhận mình không tự giải thoát mình được,

không tự đứng thẳng được, không tự cắt đứt những thứ trói buộc mình.

Chúng ta cần Đức Giêsu đặt tay của Ngài trên đời ta để ta được tự do.
Đâu phải chỉ người phụ nữ còng lưng mới bị trói buộc.
Tôi cũng bị trói buộc bởi những giá trị mập mờ của thế tục.

Làm sao để tôi được tự do với cái cell phone tôi đang dùng,

với những hình ảnh mà tôi tìm kiếm trên internet,

với lối sống mà ngày nay bao người coi là đáng ước mơ?

Xin cho tôi không chỉ cúi xuống nhìn thấy miếng đất be bé trước mặt,

nhưng có thể ngước lên để thấy bầu trời mênh mông trên cao.

Cầu nguyện:

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế Người là tất cả của tôi.

Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,

đến với Người trong mọi sự,

và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.

Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,

nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người

và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.

(R. Tagore)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

nguồn: http://hdgmvietnam.org