Nội san thắp sáng 12 – Mùa Hè Xanh

[h2]MHX ĐOÀN KẾT – MẢNH ĐẤT TÔI YÊU![/h2]

Hè về, một khoảng thời gian cho mỗi sinh viên được nghỉ ngơi sau những tháng ngày miệt mài đèn sách. Thế nhưng, hè về, cũng chứng kiến những tấm lòng sẵn sàng sẻ chia quỹ thời gian vắn vỏi ấy cho trẻ em nghèo. Hè về, nghe tiếng gọi, tiếng gọi của mùa hè xanh (MHX) NVHB.

Bao giờ cũng vậy, mọi hoạt động của Nhóm đều tin tưởng vào Sự Quan Phòng. Thánh Lễ xuất quân MHX cũng vậy, trong Thánh Lễ, cả Nhóm cầu nguyện, đặt mọi sự trong bàn tay yêu thương của Chúa. Sau Thánh Lễ, mỗi người một tay phụ giúp vận chuyển hành trang cho các chiến sĩ của MHX.

Xe lăn bánh, bỏ lại Sài Gòn với bao tất bật của cuộc sống thị thành, ồn ào, náo nhiệt. Mất chừng bảy tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được mảnh đất Đoàn Kết. Con đường với đá sỏi, ngoằn ngoèo, không khí trong lành, thời tiết se lạnh về khuya. Thánh đường nhỏ nhắn nhưng ấm cúng đứng hiên ngang trên gò đất thoai thoải, phía trước có hàng thông reo. Đối diện là ao cá được chủ nhân chăm chút khá tỉ mỉ và tinh tế. Được tiếp đón vô cùng nồng hậu, chúng tôi bẽn lẽn khi được mọi người gọi là “thầy”, “cô”. Nhờ cha chánh xứ đã PR từ trước, nên ngày đầu tiên “khai giảng” có hơn 200 em học sinh người Kinh cũng như K’Ho thuộc mọi “cấp độ” đã đến với chúng tôi. Sinh viên NVHB không phải là những thiên tài hay dị nhân, nhưng chúng tôi biết, mình đến mang theo tinh thần Nhóm và tình yêu Chúa Kitô. Trong khả năng của mình, mỗi người sẽ gắng sức giúp đỡ các em.

Về nơi dạy học, chẳng phải tiện nghi ghê gớm, những phòng học Giáo lý đã được tận dụng thành các lớp học khá đầy đủ, có sẵn bảng đen và bàn ghế. Số lượng học sinh khá đông, nhân lực và vật chất hạn chế nên chúng tôi phải phân chia thời khóa biểu rõ ràng: Sáng – Chiều – Tối. Thời gian biểu dày đặc, nhiều lúc khiến mọi người mệt mỏi nhưng trong lòng thì tràn ngập niềm vui vì thấy mình đã làm được điều gì đó có ích.

Ngày mới thường bắt đầu từ 4g30. Thức dậy, chuẩn bị cho Thánh Lễ lúc 5g00. Kết thúc Thánh Lễ, chúng tôi thay phiên nhau chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà, bữa cơm thường rất thân mật, đông vui và luôn có sự hiện diện của cha quản xứ. Cha là một linh mục khôn ngoan, được giáo dân thương mến. Được ở cùng cha, chúng tôi đã tích góp được nhiều bài học quý giá.

Sau giờ lên lớp buổi sáng, chúng tôi thường cùng với “ban ẩm thực” của giáo xứ chuẩn bị bữa cơm trưa. “Ban ẩm thực” là các bà hiền mẫu âm thầm hy sinh lo bữa cơm cho những người thợ đang xây dựng công trình ở giáo xứ. Chúng tôi vừa làm, vừa tán gẫu với các mẹ nên giờ chuẩn bị cơm trưa khá vui tươi.

Chiều đến, kết thúc giờ lên lớp cũng là quãng thời gian thư giãn của chúng tôi. Chúng tôi có đủ mọi hình thức giải trí: câu cá, thả diều, thăm viếng…; lúc về thế nào cũng rủng rỉnh quà: khi thì trái mít – thầy mang về ăn lấy thảo, lúc thì bịch rau má – cô đem về uống cho mát… thế là sau thời gian 5 tuần MHX (26/6Ỉ31/7) các thầy cô tăng ký vùn vụt không thương tiếc!

Các em người K’Ho tiếp thu chậm hơn nên chúng tôi thường gặp nhiều khó khăn, vừa dạy vừa khuyến khích các em đến lớp. Hoàn cảnh của đại đa số các em còn gặp rất nhiều khó khăn. Cha mẹ bận bịu với công việc đồng áng, các em phải tự lo cho việc học của mình, thêm cả chăm em và làm việc phụ giúp gia đình: coi rẫy, tưới hoa màu … Trường học thì khá xa nên số em đến trường cứ vì thế mà thưa thớt dần. Hè về cũng là lúc các em phải bận rộn phụ giúp cha mẹ.

Bên cạnh đó, cứ hết một tuần học căng thẳng là các trò lại được thầy cô tổ chức các buổi ngoại khóa vui nổ trời, làm các em xích lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, thương nhau hơn qua các thông điệp mà chúng tôi muốn gửi gắm.

Chúng tôi cũng tạo được mối quan hệ thân tình với các anh chị giáo lý viên và ca đoàn trong giáo xứ bằng các buổi tập hát, trò chuyện, cùng cộng tác làm chương trình trại tổng kết hoành tráng và khá suôn sẻ để tri ân và cũng là chia tay mọi người sau thời gian gắn bó với rất nhiều kỷ niệm. Đêm lửa trại phải hủy bỏ vì trời mưa – làm chúng tôi cảm thấy buồn hơn khi sắp xa mảnh đất này. Tuy nhiên, buổi văn nghệ vẫn được tổ chức với sự cố gắng của mọi người. Đêm văn nghệ cuối cùng cũng phải khép lại, thầy và trò cùng khóc. Khóc vì tình cảm gắn bó với mảnh đất thấm đẫm tình người, khóc vì tiếc nuối phải chia xa điều mà mình đã từng gắn bó. Khóc cũng vì một ngày mai tốt đẹp hơn. Khóc vì những giọt nước mắt hạnh phúc…

Sẽ nhớ mãi những buổi lên lớp với học trò tinh nghịch làm chúng tôi nhiều phen dở khóc dở cười, yêu mãi cái buổi đầu run run lên lớp làm thầy cô. Thương mãi người cha của vùng đất an lành, một đời tận tụy lo cho đoàn chiên. Không quên các buổi cô trò hàn huyên về một tương lai tốt đẹp, những buổi cầu nguyện chung của gia đình MHX dưới ánh nến. Nguyện giữ mãi những kỉ niệm đẹp về Đoàn Kết – vùng đất ấm áp tình người.

MHX Đoàn Kết 07/2011

[h2]HẠ XANH KONTUM[/h2]

Sau vài lần hứa hẹn với mùa hè xanh (MHX), lần này tôi cùng với năm thành viên trong gia đình mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ: tinh thần Nhóm và sự dấn thân với lòng say mê muốn cống hiến sẻ chia cho những trẻ em nghèo, trong lòng mang tâm trạng phấn chấn và khát khao lên đường.

Rời khỏi Sài thành để đi tới một miền cao nguyên, ôi! sao mà thấy xa quá. Ngồi trên xe 12 tiếng, toàn thân ê ẩm nhưng thấy hạnh phúc. Rồi cũng đến nơi. Gia đình chúng tôi bước chân vào ngôi làng Konhoraktu – nơi mà chúng tôi sẽ sống và lăn xả với mảnh đất này. Nơi dừng chân quá bất ngờ và xa lạ với những gì mà chúng tôi từng thấy. Ngôi nhà với bốn vách tường chưa hoàn chỉnh, nhà tắm thì thầy cô cùng với học trò chung tay góp sức để dựng nên. Nhưng không sao, đó chỉ là những hình thức bên ngoài, gia đình chúng tôi không lo. Cái quan trọng hơn đó là trong một tháng chúng tôi làm được những gì trên mảnh đất này.

mhx2

Lần đầu tiên gặp mặt học trò của mình, với số lượng học sinh không nhiều, hơn 150 em nhưng phân chia thành nhiều thành phần và học sinh tiểu học đương nhiên chiếm đa số. Số lượng học sinh nghỉ học để phụ giúp gia đình rất nhiều nên việc phân chia lớp và thời khóa biểu cũng chiếm nhiều thời gian của chúng tôi – những người mang trong mình ước muốn cho các em biết chữ, biết tính toán để giúp ích cho cuộc sống của các em sau này.

Tuần đầu tiên, ngoài việc làm quen với các em và dạy học, chúng tôi còn tổ chức hoạt động ngoại khóa. Tinh thần của các em: chơi hết sức, nhiệt tình và hết mình. Có lẽ lần đầu tiên các em được chơi vui vẻ như vậy, chúng tôi nhìn thấy niềm vui nơi các em, đó là thành công nhỏ đầu tiên của cả nhà.

Tuần thứ hai, sau khi bàn bạc với gia đình, chúng tôi quyết định cho các em cấp I tô màu tranh vẽ. Có em không biết tô màu, nguyên cả bức tranh chỉ tô có một màu duy nhất. Nhìn các em tô màu tôi cảm nhận được sự phân biệt rất rõ ràng, nghèo đâu phải do chính các em tạo ra nhưng do cuộc sống bắt buộc các em không có sự lựa chọn nào khác cho mình.

Tuần thứ 3, gia đình chúng tôi vẫn cùng sát cánh bên nhau. Mặc dù với số lượng học sinh ít nhưng việc dạy học tương đối phức tạp. Các em không muốn đi học mà chỉ muốn ở nhà phụ giúp cho gia đình; vì vậy, các em đi học ngày càng ít. Các thầy cô thay phiên nhau đi vận động học sinh tới trường nhưng số lượng không được bao nhiêu. Chúng tôi hiểu được cuộc sống của các em nên vẫn luôn luôn động viên tinh thần học tập của các em và hy vọng các em sẽ có một tương lai tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn. Cuối tuần cả nhà có dịp đi picnic với các cô cậu học trò: đi bộ, lội suối – một đoạn đường khá dài mà chúng tôi cho là việc thường ngày của các em. Các thầy cô ai cũng mỏi chân mà học trò thì vẫn như không có chuyện gì xảy ☺. Bữa trưa của các em được phục vụ bằng mì gói, nhìn các em ăn ngon miệng, chúng tôi thấy thương các em rất nhiều, nhiều lắm. Thương cho cái nghèo, thương cho cuộc sống của các em nơi đây…

Tối hôm trước khi ra về, chúng tôi đã say. Say bởi những chum rượu cần thì ít, nhưng say bởi lòng người trên mảnh đất K’tu này thì nhiều. Chúng tôi đã dùng cái say để giấu đi những giọt nước mắt – giọt nước mắt của sự chia ly. Bởi lẽ chúng tôi đã quen, đã yêu với mảnh đất và con người nơi này mất rồi. Hôm ấy, các em như muốn lưu lại những khoảnh khắc của thầy và trò nên ở lại rất đông, cùng chơi với các thầy cô của mình. Và cũng chính hôm đó, lần đầu tiên tôi thực sự cảm nhận được ý nghĩa của MHX “huyền thoại”, cảm giác khó tả nhưng chúng tôi vẫn luôn giữ trong lòng mình.

Đôi khi chỉ cần một thời gian ngắn nào đó cũng làm thay đổi chúng tôi, có lẽ MHX này gia đình chúng tôi sẽ không thể nào quên, và nhận ra rằng cuộc sống thật tươi vui và ý nghĩa khi mình biết cho đi. Phải chăng cuộc sống là một hành trình, và mhx NVHB sẽ tô lên hành trình ấy một màu xanh hy vọng và yêu thương. Mọi chuyện cứ như mới xảy ra ngày hôm qua vậy! Ngoài những kỉ niệm với học trò, với bà con ở vùng đất mà chúng tôi đặt chân đến, tôi còn nhớ mãi những khuôn mặt trong gia đình mình. Khoảng thời gian ngắn ngủi đó cũng đủ cho mỗi chúng tôi cảm nhận được hạnh phúc của sự chia sẻ. Đó là niềm hạnh phúc thực sự mà lần đầu tiên trong đời cảm nhận được. Quan trọng hơn nữa chúng tôi có cơ hội được sống cùng nhau, được học hỏi lẫn nhau… Rồi từ đó mỗi người trưởng thành hơn, lớn hơn, sống có tinh thần trách nhiệm hơn.

Lệ Duyên – Cô dép đỏ nhà Kotum