Tiểu chủng viện đại chủng viện khác nhau như thế nào?

Kính chào Anh Ba Nếp chúc anh đầy sức khỏe, anh cho em hỏi tiểu chủng viện và đại chủng viện khác nhau ở điểm nào vậy, em thấy tiểu chủng Phát Diệm vẫn còn do nguyên nhân nào mà tiểu chủng viện vẫn tồn tại vậy anh, có phải vào tiểu chủng viện xong học khoảng 4 năm thì lên đại chủng viện không, và em cũng hỏi thêm vì cũng tế nhị lắm, em có coi yotube bầu giáo hoàng, tại sao các đức hồng y phải đặt tay lên sách thánh ý nói lên sách thánh nói lên điều gì vậy, giáo phụ ở trong giáo hội có chức vụ gì trong hội thánh, á thánh nghĩa là gì, ý nghĩa việc xông hương trong thánh lễ là gì, ý nghĩa của ngày lễ lá, chúc anh khỏe mạnh.

Người gửi: phạm tùng nhi

Trả lời: Bạn Phạm Tùng Nhi thân mến,

Có thể nói cách tổng quát thế này: trong Giáo hội Công giáo, chủng viện là nơi đào tạo các chủng sinh để trở thành linh mục, gồm có hai hình thức: đại chủng viện và tiểu chủng viện. Tiểu chủng viện xưa nay được hiểu là nơi nội trú cho các tiểu chủng sinh chuẩn bị vào đại chủng viện, và được xem như trường trung học nội trú (nay thường họ phải hoàn tất đại học trước khi vào tu). Còn đại chủng viện là nơi các chủng sinh học các môn học triết-thần, cũng như thực tập mục vụ cho sứ vụ linh mục tương lai (thời gian này thường là 6-8 năm). Thông thường, chủng viện do Đức giám mục giáo phận với Ban giám đốc điều hành, do vậy có duy trì cả hai hình thức trên hay không là tùy vào đặc điểm của mỗi giáo phận.

Trong mật nghị bầu giáo hoàng, có nghi thức các hồng y đặt tay Sách Thánh để đọc công thức tuyên thệ giữ bí mật về những gì liên quan đến mật nghị đó.

Các thánh Giáo phụ trong Giáo hội Công giáo được xem là những người “cha của Hội thánh”. Gọi là “cha” vì các ngài đã kiến tạo nên hình dáng của Giáo hội. Tựa như các thánh Tông đồ là nền móng còn các thánh Giáo Phụ là rường cột của tòa nhà Hội thánh. Các ngài là những giám mục, linh mục, tu sĩ, nhà thần học, triết gia sống vào những thế kỷ đầu, tiếp nối công việc của các Tông Đồ trong việc khai triển, đào sâu và định hình đức tin công giáo.

Á thánh có nghĩa là chưa là thánh và sắp được Giáo hội tôn phong hiển thánh theo tiến trình quy định điều tra, xem xét của Tòa Thánh. Á thánh còn được gọi là “Chân phước”, nghĩa là người có phước, người được hạnh phúc.

Việc xông hương trong Hội thánh là dấu chỉ diễn đạt sự cung kính và như lời nguyện cầu dâng lên Thiên Chúa, bắt nguồn từ Cựu ước, trong truyền thống Do Thái. Ý nghĩa thần học là nối kết con người với Thiên Chúa và thờ phượng Đấng Tối Cao qua các lễ nghi. Các lễ nghi đó được diễn đạt và thể hiện bầu khí của mầu nhiệm thánh đang cử hành. Đốt hương, xông hương giống như việc đốt cháy một vật quý giá với ý hướng dâng hiến nó cho Thiên Chúa. Khói hương trầm thơm bay lên gợi lại không gian đền thờ Giêrusalem nơi người ta thờ phượng Giavê Thiên Chúa, với Ngài người ta dâng tế vật toàn thiêu cùng với hương thơm êm ái. Ý nghĩa này hiển nhiên vẫn còn đầy đủ nội dung trong nghi thức dâng hiến lễ vật và xông hương trong thánh lễ.

Chúa nhật Lễ Lá là tưởng niệm cuộc vào thành Giêrusalem long trọng của Chúa Giêsu trước khi Người chịu khổ hình và chết. Biến cố đó cho thấy Chúa Giêsu tự hiến mình để chu toàn thánh ý của Chúa Cha. Đồng thời, ý nghĩa của Lễ Lá là để tôn kính Chúa Kitô là Vua, khi dân chúng tung hô vạn tuế Người là Vua: “Hoan hô chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng trời”. Và sau hết, Lễ Lá nhắc các tín hữu biết đón nhận thập giá mình mà theo chân Chúa Giêsu, noi gương Người để rồi đi đến vinh quang của ngày sống lại với Người.

Mến chào bạn.

Anh Ba Nếp