Kinh sĩ

Tên: Tâm Email: khi_con_dep_zai_wa@yahoo.com

Nội Dung Câu Hỏi: Chào anh, anh cho em hỏi:

1. Sự khác nhau giữa “orders” và “congregations” của các dòng tu là gì ạ? Sao lại có 2 loại như thế vậy anh?

2. Canons Regular có nghĩa là gì vậy anh?

Em xin cảm ơn anh nhiều.

Trả lời: Bạn thân mến,

Trước đây, trong Giáo hội Công giáo “Order” (Dòng) được phân biệt rất rõ rệt so với “Congregation”, thường được hiểu là tu hội (thánh hiến, giữa đời…). Sự khác nhau liên quan đến nhiều vấn đề, như: đặc sủng, đặc ân, đặc quyền…trong từng hoàn cảnh của Giáo hội, nhất là còn liên quan đến các khía cạnh lịch sử, văn hóa, bối cảnh chính trị xã hội, thế quyền…mà Giáo hội không hề tránh khỏi.

Ngày nay, chuyện phân biệt “cấp bậc” kia đã giảm đi, nếu không muốn nói là không còn nữa. Theo Bộ Giáo Luật hiện hành, những hình thức tu trì hay sống đời thánh hiến và tông đồ có những hình thức khác nhau. Cách chung người ta gọi như sau: những tổ chức được thiết lập theo luật Giáo Hội dành cho những người muốn sống đời thánh hiến qua việc tuân giữ những lời khuyên Phúc Âm (thanh tịnh, khó nghèo, và vâng phục) gọi chung là các tu hội đời thánh hiến. Trái lại các tu hội đời thì không buộc khấn nhưng có thể hứa, khấn tư hay cam kết… giữ ba lời khuyên Phúc Âm, không có đời sống chung, và sống giữa đời, trà trộn với đời (nên được gọi là tu hội đời).

“Canons” là những người được gọi là “kinh sĩ”, ám chỉ những giáo sĩ sống chung và tuân giữ một quy luật “Canons Regular”. Từ ngữ nói trên sau này được áp dụng cho các giáo sĩ phục vụ tại nhà thờ chánh tòa, với nhiệm vụ chính là nguyện kinh, nên được gọi là “kinh sĩ”. Được biết, vào thời Trung cổ, nhiều cộng đoàn nữ giới cũng được thành lập và được gọi là “nữ kinh sĩ” (canoness).

Vai trò của kinh sĩ đoàn nhà thờ chánh tòa đã bị giảm trong bộ Giáo luật hiện hành. Ngày nay, đôi khi “canon” trở thành một tước hiệu cấp cho một giáo sĩ, kể cả bên Anh giáo.

Đôi lời cùng bạn.

Anh Ba Nếp