Ôi… Tội Hồng Phúc !

Trong đêm vọng Phục Sinh, chúng ta được nghe trong bài công bố Tin Mừng Phục Sinh – Thánh Thi Exsultet có đoạn: “O felix culpa, quae talem ac tantum meruit habere Redemptorem!” nghĩa là: “Ôi tội hồng phúc, đã ban cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc rất cao sang!”.

Thực vậy, vì phạm tội, ông bà nguyên tổ đã bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, nhưng Thiên Chúa không chấm dứt tình thương với con người, trái lại Người hứa ban một Đấng Cứu Độ cho thế giới. Đức Ki-tô đã đi vào thế giới, hòa mình với dòng chảy của lịch sử và trở nên như con người. Lời hứa Cứu độ của Thiên Chúa được kiện toàn trên hy tế thập giá của Chúa Giê-su. Ngài chết để cứu nhân loại và hôm nay Ngài đã phục sinh vinh hiển. Vui mừng và hi vọng vào Đức Ki-tô, trong ngày Chúa Nhật Phục Sinh hôm nay, tôi mạn phép gợi nên những suy tư cầu nguyện trong cái chủ đề nghe rất đặc biệt: “Ôi … Tội Hồng Phúc!”.

Tội nào là tội hồng phúc ? Đã là tội thì làm sao có phúc ? Liệu có cái “phúc” trong cái “tội” như dân gian ta vẫn nói “trong cái xui có cái hên, trong cái họa có cái phúc” ?

Chúng ta không tìm định nghĩa hay khái niệm về tội mang tên “hồng phúc”, nhưng chúng ta dựa vào luận đề đó để khám phá một chiều kích khác biệt trong cách nhìn về tội tổ tông. Trong những câu chuyện hồn nhiên của những cậu bé mới lớn, tôi vẫn hay bắt gặp câu than trách “Ước gì ông Ađam và bà Eva không ăn trái cấm thì giờ tụi mình được sống trong vườn địa đàng rồi”, “Ở vườn địa đàng, không cần học bài, không cần làm bài tập …ước gì…”. Dù là những câu chuyện hồn nhiên, phát suất từ suy nghĩ ngây ngô nhưng cũng phản ánh đâu đó chút gì tâm thức của người trẻ hôm nay. Đối với tâm thức người trẻ trong một thế giới được xem là tự do, thì việc phải chịu tội của ông bà tổ tiên xa xưa nào đó là một vấn đề mang tính thiếu công bằng. Tội của ai, người nấy chịu, can gì đến chúng tôi ? Quan điểm trên dường như được tán đồng bởi rất nhiều người, có thể cả bạn và tôi, trong một phút giây nào đó cũng “miên man” và “bâng quơ” nghĩ đến.

(Chắc là, nếu bạn hứng thú về chủ đề này thì có thể tìm đọc bài viết: “Những Nhân Tố Khi Giải Thích Tội Tổ Tông” của Cha Giáo Hoàng Minh Thắng trên trang https://catechesis.net/, còn bài suy tư hiện tại, chúng ta vẫn nên dừng lại ở “miên man” và “bâng quơ”.)

Chúng ta không nên than trách quá khứ, nhưng ngược lại, chúng ta được mời gọi để cảm nhận những giá trị tích cực hơn. Chúng ta được nhắc nhở là đừng dừng lại để thương tiếc quá khứ, nhưng cần phải canh tân tiến về phía trước, tiến về niềm hi vọng to lớn hơn.

Ngay từ thuở ban đầu, con người được Thiên Chúa tạo nên từ cát bụi và được Ngài đong đầy bằng ân sủng. Nhưng hạt bụi đó đã phản bội, con người ân sủng đã quay lưng với Thiên Chúa. Từ đây, Thiên Chúa đã đầu một cuộc tạo dựng mới, con Thiên Chúa đã làm người để con người trở nên con Thiên Chúa. Vậy chăng, cát bụi thủa nào được gọi Chúa là Cha và được được trở nên con cái của Thiên Chúa.

“Tội Ađam quả là cần thiết, tội được xóa bỏ nhờ cái chết của Chúa Kitô. Ôi, tội đã hóa thành hồng phúc, nhờ tội chúng con mới có được Đấng Cứu Tinh cao cả dường này!”

Nghe quả thật táo bạo. Xem tội là phúc, xem sự chết là cơ hội để tiến vào sự phục sinh. Quả thực, chúng ta đang trọn vẹn đặt cược vào Đức Ki-tô, Đấng biến tội thành hồng phúc, Đấng đem sự sống soi chiếu bóng tối của sự chết.

Thánh Tiến Sĩ Ambrosio đã từng nói: “Tội tôi đã trở thành giá chuộc cho tôi…Có tội thì có lợi hơn vô tội”. Và Thánh Phao-lô Tông Đồ trong thư gửi tín hữu Rô-ma cũng đã dạy bảo: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20).

Như vậy, tội là hồng phúc vì có Đức Ki-tô. Chính Đức Ki-tô đã chết để giao hòa con người với Thiên Chúa và Ngài cũng đã phục sinh để con người chúng ta xác tín về một tương lai huy hoàng trên nước Trời sau cuộc lữ thứ trần gian.

Trong dịp mừng biến cố Phục sinh năm nay, chúng ta cũng không quên tình hình nguy cấp mà thế giới đang phải đối diện vì Vi-rút Vũ Hán. Chỉ một con Vi-rút siêu nhỏ, kích thước chỉ vài nano-mét nhưng làm cho những quốc gia siêu lớn phải điên đảo. Hàng chục ngàn người chết, hàng triệu người dương tính với vi-rút, kinh tế thế giới lao đao, … những thông tin đáng buồn như vậy vẫn ngày từng ngày xuất hiện trên báo chí và các kênh truyền thông đại chúng. Chỉ những lúc này, nhân loại mới thấy mình nhỏ bé, yếu thế trước sự chết. Họ luôn tự mãn vào bản thân và sự phát triển của khoa học công nghệ, nhưng hôm nay, họ đã lầm. Họ thua cuộc trong cuộc chiến sinh tử, họ nép mình chịu thua sự chết đang đeo đuổi họ từng ngày. Hôm nay, con người đang cố dần tìm lại niềm hi vọng vào Thiên Chúa mà bao lâu nay họ cố tình lãng quên lãng. Và cũng chính hôm nay, Đức Ki-tô, Đấng chiến thắng sự chết đã phục sinh vinh hiển, để cho những ai đang thất vọng vì cơn đại dịch được vững lòng tín thác. Phải chăng, vi-rút này, trận đại dịch này cũng được xem là “hồng phúc” ?


Anh Chị và các bạn thân mến, suy tư về mầu nhiệm Phục Sinh là dịp để chúng ta hiểu và sống lý tưởng Đức tin của mình. Xin niềm vui và ánh quan rạng ngời của Tin Mừng Phục Sinh tỏa chiếu trong tâm hồn và trên mọi nẻo đường cuộc sống chúng ta, hôm nay và mãi mãi.

Suy tư từ ngày thứ nhất trong tuần.
12/04/2020,
Ioannis Baptistae